Nhắc đến thị trường âm nhạc Hàn Quốc, việc sở hữu và sưu tầm những album, sách ảnh, thẻ bo góc, gậy phát sáng... hẳn không còn xa lạ gì với cộng đồng người hâm mộ Kpop tại Việt Nam.
Hàng năm, các công ty giải trí Hàn Quốc liên tục đưa ra rất nhiều chiêu trò kinh doanh mới. Từ quần áo, đồ gia dụng có gắn tên thần tượng cho đến cả các ứng dụng trực tuyến trả phí đều được mở bán với mức giá khá cao.
Trong khi đó, người hâm mộ lại chủ yếu là các bạn trẻ còn đang trong độ tuổi đi học, thu nhập chưa có nhiều nhưng vẫn sẵn sàng tìm mọi cách để có thể ủng hộ thần tượng.
Một số món đồ với mức giá "trên trời" được các công ty giải trí Hàn Quốc mở bán mỗi lần thần tượng ra mắt sản phẩm âm nhạc mới (Ảnh: Twitter).
Sẵn sàng nhịn ăn để ủng hộ thần tượng
Để có được những món đồ đắt đỏ từ thần tượng, Thủy Tiên (21 tuổi, Bắc Ninh) đã không ít lần tiêu hết tiền sinh hoạt trong tháng. Mỗi lần như vậy, cô đều rơi vào cảnh kiệt quệ về tài chính và phải nhờ đến sự giúp đỡ từ gia đình.
Thủy Tiên chia sẻ với Dân trí: "Tôi nhớ bản thân đã phải nhịn ăn sáng nhiều tuần liền đến mức bị đau dạ dày và phải đi bệnh viện chữa chỉ vì lỡ dành tiền mua đủ bộ sách ảnh mới nhất của BTS. Thời điểm đó, tôi chưa đi làm thêm nên đó là cách duy nhất để tôi có đủ tiền chi trả món đồ mà mình yêu thích".
"Vì nhóm tôi theo dõi có tất cả 7 người nên tôi đã quyết định đăng ký tham gia vào ứng dụng giao lưu trực tuyến có tên Plus Chat. Trung bình mỗi tháng, tôi sẽ mất khoảng 600.000 đồng cho các dịch vụ nhắn tin, theo dõi lịch trình của đầy đủ các thành viên", Tiên kể lại.
Hàng tháng, ngoài các chi phí sinh hoạt thông thường, Thủy Tiên còn phải duy trì trả tiền cho dịch vụ đăng ký nghe nhạc bản quyền, tham gia những ứng dụng giao lưu, nhắn tin với thần tượng (NVCC).
Ước tính trong 2 năm gần đây, số tiền cô gái quê Bắc Ninh bỏ ra để mua album của nhóm BTS lên đến hơn 20 triệu đồng.
Dù mức giá có phần đắt đỏ hơn trước, Tiên vẫn tiếp tục chi tiền vì đó là sở thích cá nhân. Cô sẵn sàng đi làm thêm, tăng ca để có nguồn thu nhập ổn định phục vụ cho nhu cầu mua sắm này.
Thanh Hiền sẵn sàng chi gấp đôi tiền để có thể xem thần tượng biểu diễn (Ảnh: NVCC).
Là người hâm mộ lâu năm của nhóm BlackPink, Bùi Thanh Hiền (22 tuổi, Hải Phòng) cho rằng, bỏ tiền mua album, vé xem các buổi biểu diễn ủng hộ thần tượng là điều hiển nhiên mà người hâm mộ cần làm.
Thanh Hiền bày tỏ: "Rất khó để tôi có thể ước tính chính xác con số cụ thể từng bỏ ra cho thần tượng. Nhưng gần đây, tôi đã chi 27 triệu đồng bay sang Singapore gặp BlackPink trong chuyến lưu diễn của nhóm.
Do không thể mua trực tiếp từ trang chủ nên tôi quyết định bỏ 13 triệu đồng nhờ bên môi giới săn vé hộ. Dù giá cao hơn so với mặt bằng chung, được xem tận mắt 4 thành viên biểu diễn, tôi vẫn sẵn sàng chấp nhận".
Thanh Hiền không cảm thấy hối hận về số tiền đã bỏ ra cho chuyến đi xem BlackPink vừa qua. Cô có thể cân nhắc cắt giảm các khoản tiền sinh hoạt khác sao cho phù hợp.
Tự biến mình trở thành "con nợ" bất đắc dĩ
Không chỉ có Thủy Tiên, nhiều bạn trẻ hiện nay cũng bỏ ngoài tai lời khuyên ngăn từ phía gia đình, sẵn sàng chấp nhận rủi ro, chỉ cần được sở hữu những thứ mà thần tượng làm đại diện.
Thu Hà (22 tuổi, Hà Nội) đã tạo bản kế hoạch chi tiêu hợp lý mỗi tháng nhưng vẫn không tránh khỏi những lần bị cám dỗ bởi các văn hóa phẩm Hàn Quốc.
Thu Hà chia sẻ: "Để có tiền sở hữu album của thần tượng, tôi đã từ bỏ nhu cầu làm đẹp cá nhân. Với tần suất mua khá thường xuyên, số tiền được bố mẹ chu cấp và lương làm thêm gần như là không đủ với tôi.
Vào những đợt thần tượng ra mắt sản phẩm mới, tôi sẵn sàng đổ hết tiền vào mua album nhằm tăng doanh số cho các anh. Những lúc như thế, việc vay mượn thêm từ bạn bè là cách duy nhất giúp tôi chống cự được đến cuối tháng.
Tính riêng trong 2 tháng qua, mình đã tiêu hết hơn 5 triệu đồng cho việc mua gậy cổ vũ và các món đồ phiên bản giới hạn nhằm kỷ niệm ngày thành lập nhóm".
Chiếc gậy phát sáng có giá 1,2 triệu đồng từng được Thu Hà sắm ngay khi nó vừa được mở bán (Ảnh: NVCC).
Tích góp tiền tiêu vặt và vay thêm từ người thân, Minh Tuấn (21 tuổi, Thái Bình) cũng cố gắng mua bằng được số album, vật phẩm mà bản thân đã bỏ lỡ trước đây. Tuấn cho biết, anh chỉ mua vì thấy album đẹp và sợ rằng bản thân sẽ bỏ lỡ những món quà tuyệt vời bên trong.
"Mua album giá đắt đỏ là vậy nhưng khi nhận về cũng chỉ đem cất vào tủ để trưng bày. Phần vì không có thiết bị riêng để nghe đĩa, còn đâu là sợ động vào sẽ làm hỏng album và không muốn chúng bị cũ đi", Minh Tuấn bộc bạch.
Bài học rút ra của người trong cuộc
Các công ty giải trí ngày nay rất biết cách nắm bắt nhu cầu của người hâm mộ để tạo ra nhiều sản phẩm thú vị. Không ít người hâm mộ bị thu hút vào các văn hóa phẩm Kpop là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Thủy Tiên khuyên mọi người nên biết cách chi tiêu hợp lý hơn. Trước khi mua gì đều nên suy nghĩ đến tính ứng dụng sau đó và chỉ chọn mua những vật phẩm mình thực sự thích, thay vì mua theo phong trào.
Góc "thành tích" mơ ước của nhiều người hâm mộ nhạc Kpop (NVCC).
Tiên cho hay: "Sau khi các công ty quản lý đồng loạt tăng giá các mặt hàng, tôi cảm thấy việc mua sắm không suy nghĩ và theo cảm hứng dễ khiến mình rơi vào tình trạng thiếu thốn tài chính trầm trọng.
Giờ đây, tôi lựa chọn ủng hộ thần tượng bằng việc nghe nhạc có bản quyền, xem video ca nhạc và đặc biệt chỉ mua một album trong những đợt nhóm ra mắt sản phẩm mới.
Thay vì cứ mải chạy theo thần tượng theo cách tốn kém, tôi nghĩ mọi người nên dành số tiền đó để đầu tư cho bản thân nhiều hơn một chút, tránh để mình rơi vào cảnh khó khăn chỉ vì thỏa mãn sở thích cá nhân".
Theo Dân Trí