Đứng chắn đường ở Hà Lan: Du khách không tìm hiểu và phân biệt được vỉa hè với đường dành riêng cho xe đạp, dù đã có biển hiệu và hướng dẫn rõ ràng. Do đó, họ hồn nhiên cầm hành lý đứng chắn giữa đường, hay dừng lại đột ngột để chụp ảnh. Những du khách thuê xe đạp còn không biết cách ra tín hiệu đúng khi cần rẽ hay đi trên đường.
Tới các khu nghỉ dưỡng yoga ở Ấn Độ: Theo người dân Ấn Độ, những “guru” (bậc thầy) phương Tây tới Ấn Độ thường “giả tạo và thiếu hiểu biết, hoàn toàn không có kiến thức gì về thiền và yoga”. Các du khách tới Ấn Độ với mong muốn tìm kiếm sự tĩnh tâm và bản ngã, nhưng lại được những guru mang nặng tư tưởng kinh doanh này dạy mặc trang phục dân tộc, quan hệ ngoài trời và dùng chất kích thích.
Không tuân thủ luật lệ ở Italy: Người nước ngoài nghĩ Italy là vùng đất tự do, không luật lệ, và cho rằng mình có thể làm bất cứ điều gì. Họ tắm trong đài phun nước Trevi, đi tiểu trên phố lúc nửa đêm và trèo lên những bức tượng lâu năm. Ngoài ra, họ còn nghĩ ai cũng biết tiếng Anh, và thường gọi những món Italy lai tạp như pizza dứa, mì Ý với thịt viên.
Ăn xin để đi du lịch ở Indonesia: Một số du khách phương Tây tận dụng cơ hội ăn xin hoặc biểu diễn và ca hát trên đường phố để xin tiền trang trải chi phí cho chuyến đi. Điều đó tệ không kém chuyện du khách đi chụp ảnh những người ăn xin tại các khu nghèo khổ.
Chụp selfie ở các khu tưởng niệm nạn nhân diệt chủng tại Đức: Những khu tưởng niệm nạn nhân của diệt chủng trong Thế chiến II là nơi thiêng liêng và đau xót. Tuy nhiên, nhiều du khách không mảy may quan tâm đến điều này. Họ thoải mái chụp selfie, tạo dáng hài hước, giơ biểu tượng chiến thắng, thậm chí còn bắt chước kiểu chào của Hitler.
Chụp ảnh với hổ ở Thái Lan: Những con hổ ở các khu nuôi nhốt thường phải sống trong điều kiện khốn khổ. Một số người cho rằng chúng bị cho uống thuốc ngủ vì luôn ở trong trạng thái lờ đờ khi tiếp xúc với du khách. Hổ con bị tách ra khỏi mẹ để khách thăm cho uống sữa.
Lại gần các sông băng ở Na Uy: Các sông băng ở Na Uy có hàng rào và biển cảnh báo là có lý do - chúng rất nguy hiểm. Tuy nhiên, nhiều du khách phớt lờ cảnh báo và trèo qua hàng rào để chụp ảnh. Không ít vụ tai nạn chết người đã xảy ra.
Nói to trên tàu điện ngầm ở Anh: Người Anh vốn không thích nói chuyện trên phương tiện công cộng. Nhất là vào giờ cao điểm, khi mọi người đều đang mệt mỏi, các du khách nói to và cười đùa dễ khiến người dân phát cáu.
Đi sai bên đường ở Australia: Ở Australia, người dân lái xe bên tay trái, trong khi phần lớn thế giới đi bên phải. Nhiều du khách quên mất điều này khi thuê xe tự lái và gây không ít rắc rối. Thậm chí họ còn than thở rằng người Australia đi sai đường.
Thuê xe máy ở Indonesia: Đường xá ở phần lớn các quốc gia Đông Nam Á đều khá nhiều ổ gà, đồng thời luật lệ khá lỏng lẻo. Với người địa phương, việc những du khách tay lái không vững thuê xe máy để chu du là mối nguy hiểm lớn.
Chụp ảnh các khu ổ chuột ở Ấn Độ: Nhiều du khách nước ngoài hay vác máy ảnh DSLR tới các khu ổ chuột để chụp ảnh. Điều này khiến người địa phương khó chịu. Theo họ, đây không phải là vườn thú, nơi du khách có thể tự ý chụp ảnh trẻ em hay người nghèo. Đó là nhà của họ, nơi họ sinh sống hàng ngày.
Nhìn chằm chằm vào người Amish ở Mỹ: Người Amish không thích bị chụp ảnh hay bị nhìn chằm chằm như sinh vật lạ. Do đó, nếu tới tham quan một khu vực sống của người Amish - nổi tiếng vì lối sống theo kiểu truyền thống, từ chối công nghệ - đừng chụp ảnh trừ khi được phép, và đừng nhìn hay chỉ trỏ một cách bất lịch sự.
Tham quan các khu ổ chuột ở Brazil: Cảnh những du khách cười nói ầm ĩ, cầm theo máy ảnh trên những chiếc xe Jeep đi tham quan các khu nghèo khổ ở Brazil khiến nhiều người chướng mắt.
Theo Zing