Pháp sư mù của Huỳnh Lập sau một tuần ra rạp đã nhận về không ít khen chê. Phần đông ý kiến đồng tình rằng Huỳnh Lập đã có phần nóng vội khi đưa "đứa con đầu tay" của mình ra rạp. Nhưng xét ở mặt bằng chung phim Việt, Pháp sư mù vẫn là tác phẩm xem được, không đến mức bị xếp hàng thảm họa.

Bên cạnh câu chuyện tâm linh được kể bằng màu sắc hài hước, giải trí, Pháp sư mù cũng có một vài điểm sáng về diễn xuất và chi tiết. Đơn cử như câu chuyện về nhân vật bà An của Việt Hương trong phim. Một người đàn bà tính tình xởi lởi, chăm đi lễ, hay làm từ thiện, được nhiều người khen mến. Nhưng bi kịch ở chỗ, đó chỉ là một nửa sự thật.

Kiểu từ thiện ngược đời của Việt Hương trong phim ma Huỳnh Lập-1
Việt Hương, Phương Thanh và Lê Giang đóng thành bộ ba phụ nữ đồng bóng trong phim.

Từ thiện kiểu bà An

Trong Pháp sư mù, bà An chỉ là một nhân vật phụ, không đóng góp nhiều vào mạch truyện của phim. Tuy vậy, khi bước chân ra khỏi rạp, nhiều khán giả thành thật rằng bà An là một trong những nhân vật ấn tượng nhất phim.

Không hẳn vì bà An tạo ra nhiều tình huống gây cười. Quan trọng, bà An là người mà chúng ta có thể gặp đâu đó trong cuộc sống đời thực, không chỉ đơn thuần là nhân vật trên phim.

Ngay từ đầu phim, bà An đã xuất hiện như một phụ nữ xởi lởi. Bà An có một nhóm bạn gồm 3 người phụ nữ, trong đó có Phương Thanh và Lê Giang. Cả ba đều tính đồng bóng, hay đi cúng lễ nhưng chẳng được như ý. Vẫn béo, vẫn cô đơn và vẫn chưa giàu.

Một người phụ nữ thậm chí còn xin thầy cúng nối lại duyên âm chỉ vì trước đây đã cắt duyên âm, nhưng duyên dương chẳng tới. Thôi, nay xin nối lại duyên âm cho khỏi... cô đơn. Có còn hơn không. Chi tiết khiến nhiều người xem phải bật cười nhưng cũng phần nào cho thấy tính cách của các nhân vật.

Cúng lễ, bói toán chẳng có kết quả, cả ba quyết định phải tập trung làm từ thiện, từ thiện càng nhiều càng tốt. Trong đó, việc được ưu tiên hàng đầu là phóng sinh.

Nhà Phật dạy chúng sinh bình đẳng, muôn vật cũng như con người, đều quý mạng sống, sợ cái chết. Chính thế, bà An và hai người bạn của mình quyết định mua cá phóng sinh ngay lập tức.

Cá được đặt cẳn thận trong túi nylon bịt kín, và ngay sau đó được bộ ba quẳng thẳng xuống áo. Phim không kể diễn biến tiếp theo, rằng những con cá đó liệu có còn sống sau khi phóng sinh hay không, vì ngay sau đó là cảnh những đứa trẻ trêu đùa nhau, lấy túi nylon bịt vào mặt.

Bà An nhìn những đứa trẻ, vừa quạt vừa cười: Bịt thế kia thì thở thế nào được!

Kiểu từ thiện ngược đời của Việt Hương trong phim ma Huỳnh Lập-2
Cả ba đều chăm làm từ thiện, phóng sinh nhưng theo cách ngược đời.

Phóng sinh chưa đủ, để tích đức, bà An quyết tâm phát cơm từ thiện. Vừa bỏ tiền lại bỏ sức, bà An tin mình sẽ được nhiều người yêu mến, kính nể. Nhưng để chắc chắn hơn, bà quyết định phải đứng ở chỗ nhiều người qua lại, phải có người chụp ảnh, phải để người ta thấy người phát là bà, chứ không phải ai khác.

Nhưng người tính không bằng trời tính. Trong khi bà An vẫn đang loay hoay không biết đứng đâu lên hình cho đẹp, cho nhiều người ngưỡng mộ thì thùng đựng cơm hộp đã được lấy hết.

Và có một hộp cơm đã đến tay một người đặc biệt, người mà chính bà An cũng không ngờ.

Nước mắt mẹ già, con dại

Người đặc biệt ấy là cụ bà bán vé số do NSND Ngọc Giàu thủ vai. Nhận hộp cơm từ Tinh Lâm (Huỳnh Lập), cụ bà thoáng ngỡ ngàng khi thấy bức ảnh chân dung của bà An - con gái mình - ở trong hộp. Và trong khi Tinh Lâm hết lời khen ngợi tinh thần từ thiện của bà An thì cụ bà chọn cách im lặng.

Tinh Lâm với cụ bà chỉ là "người dưng nước lã" nhưng thậm chí còn gần gũi hơn chính con cháu của cụ. Hình ảnh Tinh Lâm nằm gác đầu trên đùi cụ bà như hình ảnh thân thương của rất nhiều người bà khác với cháu chắt của mình.

Hình ảnh cụ bà vé số qua diễn xuất của NSND Ngọc Giàu như khoảng lặng trong phim. Đó là một cụ bà bị bỏ rơi, làm nghề bán vé số. Dù vậy, cụ bà không mấy khi than thân trách phận. Cụ luôn hài lòng với cuộc sống của mình. Bán vé số và có đủ thu nhập để trang trải cuộc sống, không cần nhờ ai, không muốn phiền vào ai.

Dung dị, bao dung và đức độ, cụ bà trở thành một hình ảnh trái ngược hoàn toàn với bà An, con gái mình. Cũng từ hình ảnh của cụ bà, người xem nhận ra rõ nhất bi kịch từ thiện của nhân vật bà An. Một người miệt mài đi lễ, phóng sinh, làm từ thiện nhưng thực tế lại quên mất chính mẹ già của mình.

Thậm chí, bà An cũng quên đi chính đứa con đang độ trưởng thành, do Ngọc Trai đóng. Không được bảo ban, không được chăm sóc, con trai bà An thậm chí suýt bước vào con đường tà đạo với thầy Út Quái (Đại Nghĩa), trở thành công cụ để Út Quái thực hiện mưu đồ thâm độc của mình.

Câu chuyện về gia cảnh của bà An khiến nhiều người xem phải giật mình. Hình như đâu đó trong cuộc sống, người ta có thể bắt gặp những hình ảnh tương tự.

Những chuyến từ thiện màu mè, những hành động phóng sinh ngược đời, trái khoáy, chẳng giống ai, chẳng giúp được sinh vật lại còn hủy hoại môi trường... đến từ những người thậm chí còn chưa hoàn thành được nghĩa vụ của một người cha, người mẹ, người con trong gia đình.

Kiểu từ thiện ngược đời của Việt Hương trong phim ma Huỳnh Lập-3
Nhân vật của Việt Hương là một điểm sáng trong phim Huỳnh Lập.

Trao đổi với Zing.vn, Huỳnh Lập công nhận câu chuyện về nhân vật bà An là một trong những thông điệp mà anh muốn gửi gắm trong tác phẩm điện ảnh đầu tay của mình.

"Bên cạnh việc muốn làm một bộ phim ma màu sắc tươi sáng, tôi cũng cố gửi gửi gắm những thông điệp, câu chuyện về bà An là một trong số đó. Tôi không có ý lên án ai, chỉ kể ra để mọi người tự cảm nhận. Nhưng bà An cũng là một phần của sự thật cuộc sống hiện nay", nam đạo diễn kiêm diễn viên bày tỏ.

Theo Zing