Sau lễ cúng sẽ là phần giật cô hồn, đây cũng chính là nguyên nhân gây nên hình ảnh kinh hoàng về những cuộc ẩu đả, giao thông hỗn loạn...
Ghi nhận của phóng viên tại tuyến đường Nhiêu Tâm (quận 5, TP HCM) có đến hàng trăm người đã đến chờ từ sớm trước cửa hàng buôn bán của người Hoa để giật cô hồn.
Nhiều người mang theo vợt, mâm… thậm chí là chiếc dù to để hứng vật phẩm.
Khi chủ hộ buôn bán bắt đầu "nghi thức" rải tiền cũng là lúc những hình ảnh kinh hoàng xảy ra. Hàng trăm người chen chúc, xô đẩy nhau để giật cô hồn, thậm chí xảy ra ẩu đả.
Kinh hoàng hình ảnh giật cô hồn tại TP HCM
Những chiếc xe lướt đi chớp nhoáng, những đám đông hỗn loạn, những tiếng cãi cọ… tất cả khiến người ta chẳng còn nhìn thấy nét đẹp trong phong tục này.
Nhiều người tranh giành nhau dẫn đến ẩu đả, cản trở giao thông và nguy hiểm tính mạng.
Mặc dù lực lượng chức năng có mặt kịp thời cũng không thể giải tán triệt để đám đông bát nháo giật cô hồn.
Người dân sống tại đường Nhiêu Tâm ngao ngán cho biết: "Năm nào cũng giật như vậy, rất mất trật tự. Tôi nghĩ chỉ nên cúng đồ ăn, không nên rải tiền vì điều này rất dễ xảy ra đánh nhau, giành giật gây nguy hiểm".
Trước đây, giật cô hồn thường là trò chơi của trẻ con. Vì vậy, trẻ con thường đợi khi gia chủ cúng xong, nhang tàn sẽ tới giành đồ ăn. Theo quan niệm dân gian, nếu mâm cúng bị trẻ con "giật" sạch được xem là điều may mắn. Ngoài ra, nhiều người cho rằng, trẻ con ăn đồ cúng sẽ luôn mạnh khỏe, không ốm đau bệnh tật.
Tuy nhiên, theo thời gian, tục giật cô hồn dần "biến chất", trở thành ‘miếng mồi béo bở’ cho những kẻ hám lợi, gây ra hình ảnh bát nháo giữa lòng thành phố. Hiện tượng này nếu không được kiểm soát sẽ có nguy cơ tiềm ẩn những vấn đề gây mất an ninh, trật tự xã hội.
Theo Người Lao Động