Để tránh tắc đường, một thủ thư tại thành phố Bladensburg, Maryland (Bắc Mỹ) đã nghĩ ra một cách độc đáo để đi làm, chèo thuyền xuống trung tâm Washington suốt 15 năm nay.

Gabriel Horchler, 71 tuổi, kể rằng ông vẫn mong đợi được chèo con thuyền sợi thủy tinh Vespoli dài gần 22m đi làm vào buổi sáng như lần đầu tiên vào năm 1997. Ý tưởng này chợt đến với ông khi xe máy của ông đang bị mắc kẹt giữa đường. Trong lúc chờ đợi đường thông, ông đảo mắt nhìn ra sông Anacostia trôi song song với đường cao tốc. Đó là lúc ông chợt nghĩ, tại sao không đi bằng đường sông nhỉ?
 
Ông Horchler vẫn ngày ngày đạp xe và chèo thuyền đi làm trong 90 phút.
 
Sau đó, ông đã bắt tay vào thực hiện ngay kế hoạch của mình. 15 năm sau, đây đã trở thành một thói quen hàng ngày của ông. Mặc dù dòng sông không chảy qua ngay trước nhà ông, ông vẫn đạp xe 15 phút để đến nơi neo thuyền tại công viên Bladensburg Waterfront sau đó mới chèo thuyền khoảng 7km xuôi dòng. 

Cuối cùng, khi đã xuống thuyền, ông sẽ đạp xe tiếp đến Thư viện Quốc hội Mỹ tại Washington. Cả chuyến đi kéo dài khoảng 90 phút. Khi tan làm, ông sẽ bắt tàu điện về nhà và hành trình ngược lại tiếp tục vào ngày hôm sau. Trả lời tờ Bay Journal, ông nói: “Tôi nghĩ rất nhiều người không thể hiểu được thói quen này. Nhưng đây là một sự sắp xếp lý tưởng nhất đấy”.
 
Dù nhiều người coi là kì cục, ông vẫn kiên trì thực hiện thói quen suốt 15 năm nay.
 
Cách đi làm độc đáo của Horchler có rất nhiều lợi ích như được tận hưởng không khí trong lành, được luyện tập và quan trọng nhất là không bị tắc đường. Khi được tờ Washington Post phỏng vấn, ông chia sẻ: “Thói quen này khiến tôi thấy như được hồi sinh. Bạn có thể tạo nên nhịp điệu cho riêng mình, một nhịp điệu vô cùng dịu dàng và êm ái. Tôi không còn là nạn nhân của những chuyến lỡ tàu hay tắc đường nữa. Giờ đây, tôi là chủ nhân của dòng sông”.

“Có một chỗ giao nhau giữa Quảng trường New York và đường Benning mà bạn có thể nhìn thấy vườn Aquatic ở bên tay trái và vườn cây gỗ Arboretum ở bên phải. Khi đó, bạn sẽ không tin rằng mình đang ở trong Washington đâu. Không còn các tòa nhà cao tầng, không còn tiếng ồn ã của đô thị. Tất cả đều rất mộc mạc và giản đơn”.

Trong video thu lại cảnh ông chèo thuyền trên sông, Horchler nói: “Đó là thời điểm thích hợp nhất để thư giãn, với nhịp điệu của tiếng mái chèo khua nước và cảnh vật tĩnh lặng xung quanh. Dòng sông dường như chứa đầy sự đối lập ngay trong nó. Ngay cả cái tên Anacostia cũng gợi nên một cảm giác phân ly. Tôi luôn nghĩ về cái tên đó với một cảm thức về sự bí ẩn trong giai điệu du dương của dòng nước”.
 
Giữa khung cảnh êm đềm và dịu dàng của hai bên sông, Horchler cảm thấy
mình như được hồi sinh.
 
Dĩ nhiên, sau nhiều năm chèo thuyền, giờ đây Horchler rất khỏe mạnh so với lứa tuổi của ông. Nhưng Horchler tỏ ra rất khiêm tốn: “Tôi không cảm thấy mình hơn tầm so với những người đang bị tắc đường kia. Nhưng tôi vô cùng trân trọng sự tĩnh lặng của dòng nước và âm thanh của tiếng mái chèo mỗi ngày. Nhờ thế, mỗi ngày của tôi đều khác lạ, tôi nhìn thế giới bằng con mắt mới, một đời sống thực vật kì diệu mới”.

Mười lăm năm chèo thuyền đã đưa Horchler trở thành chuyên gia sinh vật học của thành phố. Tuy nhiên, những chuyến hành trình của ông không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Có lần, ông không kịp trú khi trời mưa bất chợt, hay khi gió đổi hướng và ảnh hưởng đến sự xác định phương hướng của ông. Thuyền đôi khi cũng bị lật, thậm chí ông còn đâm thuyền vào một thanh chắn xi măng trên cầu Benning Road. Thêm vào đó, sự ô nhiễm trên sông cũng gây cản trở cho quá trình đi lại này. Có lần ông đã bị đổ hẳn một xô rác vào đầu khi đang chèo thuyền trên sông. 
 
Đôi khi sự ô nhiễm trên sông khiến ông muốn chùn bước.
 
Tuy nhiên, nỗ lực của chính quyền trong việc làm sạch sông Anacostia đã cải thiện tình hình. Đáng buồn là Horchler sẽ không còn tiếp tục thói quen độc đáo này nữa bởi vì ông sẽ nghỉ hưu tại thư viện vào cuối tháng này. Nhưng ông cũng cam đoan sẽ không từ bỏ thói quen chèo thuyền này.

Theo Afamily/Trí thức trẻ