Ký ức kinh hoàng của những nạn nhân buôn người

Ở những bản làng xa xôi, tội phạm mua bán người dùng đủ thủ đoạn từ dụ dỗ, ép buộc tới bắt cóc để bán phụ nữ, trẻ em sang bên kia biên giới. Có kẻ nhẫn tâm lừa bán cả người thân.



Bắt cóc táo tợn


Bị đánh đập, cưỡng hiếp, đe dọa nếu trở về sẽ bị giết. Đó là những gì chị Hoàng Thị Vân (SN 1982, ở Mèo Vạc, Hà Giang) phải chịu đựng khi rơi vào tay những kẻ buôn người cách đây 2 năm. Buổi chiều hôm ấy, khi chị đang về nhà cùng cô mình là bà Hoàng Thị Sùng sau khi hái đỗ trên nương bỗng xuất hiện 3 thanh niên lạ mặt tiến lại hỏi han.

Bất ngờ, một người xông vào bóp cổ, đập đầu chị Vân vào gốc cây. Khi chị Vân hét lên kêu cứu thì bị những kẻ lạ mặt dùng báng súng đập vào đầu, sau đó, chúng kéo cả hai về phía Trung Quốc.

Do chị Vân mất quá nhiều máu, 3 tên buôn người nhai lá rừng, dùng khăn của cô Sùng đắp, băng bó vết thương cho chị. Thấy cô Sùng đã già không bán được, chúng trói cô vào một gốc cây rồi tiếp tục kéo chị Vân đi. Nạn nhân nói với lại: “Cô mà thoát được thì báo cho gia đình đến cứu cháu”. Thấy vậy, chúng đánh đập chị Vân và đe: “Câm mồm, mày nói nhiều tao đánh chết”.
 
ky uc kinh hoang cua nhung nan nhan buon nguoi - 1
Chị Lầu Thị Cho cùng con bị anh trai lừa bán sang Trung Quốc.

Rất may, bà Hoàng Thị Sùng sau đó thoát ra, về thông báo gia đình cùng bộ đội biên phòng. Phần chị Vân, những kẻ buôn người kéo chị sang đất Trung Quốc thì phát hiện có người truy đuổi nên nhốt chị vào một hang đá. Hai tên trèo lên đỉnh núi cảnh giới còn một kẻ ở lại hãm hiếp người phụ nữ. Sau khi thỏa mãn thú tính, chúng thả chị ra khỏi hang vì biết nếu mang nạn nhân theo sẽ không thoát được.

Bộ đội biên phòng đồn Săm Pun (Mèo Vạc, Hà Giang) nhanh chóng xác định 3 kẻ bắt chị Vân là Súng Mí Gấu (SN 1993, ở Mèo Vạc, Hà Giang) và hai đối tượng người Trung Quốc là Vừ Mí Nô (SN 1989), Vừ Mí Già (SN 1988). Sùng Mí Gấu bị bắt, còn chị Vân được trở về gia đình nhưng kể từ đó chị không dám lên nương nếu không có chồng cùng đi.

Không phải ai cũng may mắn như chị Vân, bởi 3 đối tượng trên từng 8 lần bắt cóc phụ nữ và thành công trong 3 vụ. Sùng Mí Gấu khai, sau khi học hết lớp 9, Gấu sang Trung Quốc làm ăn và quen các đối tượng buôn người.

Gấu và đồng bọn thường phục kích tại các đường mòn giáp biên chờ phụ nữ đi qua để bắt. Có trường hợp nạn nhân đi cùng đàn ông chúng vẫn nổ súng đe dọa, bắt lấy phụ nữ. Tổng cộng, chúng bán được 3 người, thu 21.000 nhân dân tệ và 30 triệu đồng. Số phận những nạn nhân đó tới giờ vẫn là câu hỏi chưa lời đáp.

Bị chính anh trai lừa bán

Trong căn nhà vách đất đối diện cột cờ Lũng Cú, chị Lầu Thị Cho (SN 1985, ở Đồng Văn, Hà Giang) kể cho phóng viên câu chuyện mình và con bị chính người anh trai lừa bán. Tháng 4/2015, anh trai có gọi điện cho chị nói có một làng bên Trung Quốc làm ăn rất dễ, lương tới 6.000 nhân dân tệ một tháng và rủ chị sang đó làm ăn.

Tin tưởng, chị Cho cùng con là Già Thị Mái (SN 2012) theo anh trai sang bên kia biên giới. Sau nhiều ngày di chuyển bằng taxi, xe khách, chị bị tách khỏi anh trai và nhận ra 2 mẹ con đều bị bán. Tại đây, chị phải làm việc trong một công xưởng, bữa ăn chỉ có cơm trắng nhưng cũng hay bị bỏ đói.

Được 2 tháng, chị Cho trốn ra ngoài nhưng không biết đường đi, tiếng nói, lại chẳng có tiền bạc nên không thể trở về. Kẻ mua chị nhanh chóng tìm ra và dụ chị quay về với lời hứa “tao mua của ai tao sẽ trả về người đó”. Thực tế, Cho lại bị bán cho một ông chủ khác với công việc nặng nhọc hơn. Tới tháng 9/2016, mẹ con chị mới được gia đình và bộ đội biên phòng giải cứu.

“Nó bị lừa đi, ngày nào tôi cũng khóc, không biết 2 mẹ con có bị sao không. Nhà tôi phải vay 4.000 nhân dân tệ để đi tìm nó, tới nay vẫn chưa trả được nợ. Lúc nó mới về người rất yếu không làm được gì, giờ đỡ rồi” - bà Vạc Thị Dính, mẹ chị Cho nói.

Lừa mẹ trước, lừa con sau

Ngày 29/8/2016, các chiến sĩ Đồn Biên phòng Phó Bảng (Đồng Văn, Hà Giang) phát hiện một phụ nữ dắt theo 2 cháu nhỏ có biểu hiện nghi vấn. Trước sự đấu tranh của các cán bộ biên phòng, kẻ buôn người là Vừ Thị Chở (SN 1982, ở Vân Nam, Trung Quốc) buộc phải thừa nhận hành vi của mình.

Theo đó, chị Vừ Thị Cho (SN 1978, ở Đồng Văn, Hà Giang) có hoàn cảnh khó khăn, chồng nghiện rượu và thường xuyên đánh đập chị. Chị Vừ Thị Cho bị những kẻ buôn người dụ dỗ sang Trung Quốc làm ăn sẽ nhận lương cao. Theo chúng qua biên giới, chị lập tức bị mua đi, bán lại. Trong thời gian ở Trung Quốc, nạn nhân tiết lộ số điện thoại của con mình cho Vừ Thị Chở.

Đối tượng liền gọi điện cho các cháu Lầu Thị Sính (SN 2001), Lầu Mí Cá (SN 2015) lừa là bạn của mẹ các cháu, nhờ mình đón sang chơi. Chở dặn các cháu không được kể chuyện cho ai, đến ngày chợ phiên sẽ đón. Mong gặp mẹ, 2 đứa trẻ ngây thơ nhanh chóng đồng ý đi theo “mẹ mìn”, rất may được bộ đội biên phòng kịp thời phát hiện, sau đó phối hợp với nước bạn đưa cả chị Vừ Thị Cho về nước.

Trong tháng 9/2016, Đồn biên phòng Phó Bảng phát hiện một cô gái đi từ phía Trung Quốc về trong tình trạng quần áo rách nát. Người này được xác định là Hù Thị Xu (SN 1994). Xu cho biết mình cùng Hù Thị Cắm (SN 1999, cùng ở Điện Biên) bị nhóm thanh niên ở Hà Giang làm quen qua Zalo rồi lừa bán với giá 14.000 nhân dân tệ/người. Đến ngày 25/9, lực lượng biên phòng đã bắt 3 đối tượng trong nhóm buôn người này, gồm: Lừu Gỉ Tề (SN 1992), Vàng Mí Phà (SN 1987), Thào Mí Sính (SN 1989, cùng ở Hà Giang).

Thượng tá Nguyễn Đắc Lan, Phó trưởng phòng Ma túy và tội phạm, Biên phòng tỉnh Hà Giang cho biết: Trong năm 2016, Biên phòng tỉnh đã phát hiện, điều tra 16 vụ mua bán người, xử lý 10 đối tượng, giải cứu 10 phụ nữ và 3 trẻ em.

Ông Lan nhận định, hoạt động mua bán người, bắt cóc chiếm đoạt phụ nữ trẻ em trên địa bàn biên giới Hà Giang rất phức tạp. Các đối tượng ở hai bên biên giới câu kết với nhau hình thành các đường dây mua bán, bắt cóc phụ nữ, trẻ em Việt Nam bán sang Trung Quốc bằng nhiều thủ đoạn khác nhau.

Chúng có thể rủ nạn nhân đi chơi hoặc vẽ ra viễn cảnh giàu sang bên Trung Quốc để lừa bán. Nếu nạn nhân không đồng ý, các đối tượng khống chế, ép họ lên xe đưa đi bán.

Còn đại úy Đàm Đức Thuyên, Đồn phó Biên phòng Phó Bảng cho biết, các nạn nhân của tội phạm mua bán người thường là nữ, người dân tộc thiểu số. Họ thường được mua về làm vợ cho những đàn ông Trung Quốc nghèo, tình trạng nạn nhân bị bán làm gái mại dâm hiện nay ít xảy ra. Tuy nhiên, cũng chính vì ở với gia đình các “ông chồng” nghèo khó nên các nạn nhân bị bóc lột sức lao động nặng nề…

(* Tên một số nạn nhân đã được thay đổi)

Theo số liệu của Bộ Công an, trong giai đoạn 2011-2015, cả nước xảy ra hơn 2.200 vụ mua bán người, với 3.300 đối tượng, lừa bán gần 4.500 nạn nhân, so với cùng thời gian trước tăng 11,6% tổng số vụ. Không chỉ xảy ra hiện tượng mua bán phụ nữ, trẻ em, cơ quan chức năng còn phát hiện cả mua bán nam giới, trẻ sơ sinh, mua bán bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê hoặc mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.
 
Theo Dân Việt

nạn buôn người ký ức kinh hoàng buôn bán người

Tin tức mới nhất