Tiêm filler để làm đẹp được xếp vào một trong những ngành nghề có điều kiện, phải được thực hiện tại phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ có thẩm định và được cấp phép. Người thực hiện kỹ thuật tiêm filler phải có chứng chỉ hành nghề đúng chuyên môn. Chất filler khi sử dụng cho khách hàng phải là sản phẩm được cấp phép lưu hành của Bộ Y tế và có nhà nhập khẩu chứng minh nguồn gốc rõ ràng.

Tuy nhiên, do tiêm filler là thủ thuật đơn giản nên nhiều cơ sở không giấy phép cũng thực hiện bởi những người tay nghề kém. Bên cạnh đó còn có filler kém chất lượng, thậm chí là silicon giả filler. Tình trạng này tồn tại ở rất nhiều cơ sở không uy tín nhưng vẫn được nhiều chị em lựa chọn vì giá rẻ.

Dưới đây là những tác dụng phụ mà khi tiêm filler không an toàn sẽ gây ra:

1. Nhiễm trùng

Trong quá trình tiêm filler, nếu được thực hiện đúng thủ tục thì rất an toàn. Tuy nhiên, sẽ có những biến chứng xảy ra nếu tay nghề bác sĩ kém, đó là tình trạng nhiễm trùng.

 


Một ca suýt hỏng mũi vì nhiễm trùng khi ham tiêm filler giá rẻ

Nhiễm trùng sẽ làm chỗ tiêm tấy đỏ, có thể hơi sưng, gây mất thẩm mỹ. Nhiễm trùng thường giải quyết bằng điều trị kháng sinh, nếu được chỉ định.

2. Hoại tử mô do tắc mạnh máu

Một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất là hoại tử mô gây ra do tắc mạch máu nhỏ cho vùng do chất làm đầy. Điều này rất hiếm, vì khi nó xảy ra thường để lại cho bệnh nhân với sẹo vĩnh viễn/ biến dạng.

 


Biến chứng nặng do tiêm filler để nâng mũi: bệnh nhân bị viêm nặng, mưng mủ, hoại tử gần như toàn bộ sống mũi sau 10 ngày làm đẹp tại một spa ở Hà Nội.

Từ đó mới thấy, tay nghề bác sĩ vô cùng quan trọng. Tiêm đơn thuần thì một y sĩ vẫn làm được, nhưng tiêm thẩm mỹ đã là một vấn đề rất khác. Nếu không am hiểu về mạch máu, việc tiêm sai sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

3. Dị ứng với thuốc tiêm

Thông thường, việc này chỉ xảy ra khi bạn đến nhầm trung tâm thẩm mỹ thiếu uy tín. Vì chỉ những nơi này, nguồn gốc filler không rõ ràng, pha trộn tạp nham gây ra nhiều hậu quả. Đừng quá ham rẻ mà tìm đến những nơi tiêm filler không an toàn. Bởi thứ bạn tiêm là tiêm lên mặt, ảnh hưởng trực tiếp đến nhan sắc của bạn.

 


Một cô gái tên V.T.H sống tại Hà Nội đã bất ngờ lên trang cá nhân tố cáo việc một chủ spa lớn ở Hà Nội sử dụng filler giả, chứa silicon lỏng hoặc filler kém chất lượng để tiêm cho khách hàng khiến cô này biến dạng sống mũi, môi sưng phồng, lệch khuôn mặt...

4. Vết tiêm không thẩm mỹ

Chất làm đầy được sử dụng để tạo hình thẩm mỹ. Thế nhưng đôi khi chính nó lại làm khuôn mặt của bạn trở nên kém duyên. Việc tiêm theo sở thích của bác sĩ mà không dựa trên nét đẹp sẵn có của khách hàng thường mang đến những kết quả không hoàn hảo. Mũi quá cao, cằm quá nhọn,… Đây không phải là phản ứng phụ của filler, mà là hệ quả do bác sĩ tiêm không có con mắt thẩm mỹ.

 


Hot girl Quỳnh Anh dù đã rất xinh đẹp nhưng vẫn muốn sở hữu một khuôn mặt hoàn thiện hơn. Cô đã tới một cơ sở thẩm mỹ và phải chịu hậu quả khá nặng nề khi gương mặt cô đang dần biến dạng, mũi của Quỳnh Anh gần như đã lệch hẳn sang một bên.

Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của chị em phụ nữ, nhưng làm thế nào để đẹp an toàn, đảm bảo sức khỏe cho bản thân là điều mà chị em nên hết sức lưu ý. Những người có nhu cầu tiêm filler để làm đẹp nên chọn các bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ để thực hiện, không nên nôn nóng tân trang nhan sắc khi chưa tìm hiểu kỹ càng, dễ đẩy mình vào tình trạng “tiền mất tật mang”.

Theo Khám Phá