Tẩy tóc là quá trình sử dụng hóa chất chuyên dùng để tẩy đi lớp melanin ở da đầu, từ đó tóc sẽ dễ ngấm thuốc nhuộm để tạo màu cho tóc như các màu vàng, hồng, xám, bạch kim… Để có màu tóc đẹp ưng ý, thậm chí nhiều người phải tẩy tóc nhiều lần. Việc sử dụng hóa chất mạnh để tẩy các hạt sắc tố trên tóc có thể ảnh hưởng trực tiếp đến da đầu và dẫn đến những hậu quả không mong muốn như bỏng da đầu hoặc ngộ độc.
Bệnh viện Da liễu TW đã tiếp nhận khá nhiều trường hợp bệnh nhân cả nam và nữ, chủ yếu là các bạn trẻ bị tổn thương loét hoại tử vùng đỉnh đầu sau khi tẩy tóc. Một số trường hợp buộc phải điều trị bằng phẫu thuật ghép da.
Bệnh nhân nam 21 tuổi xuất hiện hoại tử da đầu vùng đỉnh sau tẩy tóc và được điều trị bằng ghép da (Ảnh: BV Da liễu TW)
Khoa Ngoại Thần Kinh – Lồng Ngực thuộc Bệnh viện Đa khoa Trung Tâm An Giang cũng từng tiếp nhận và điều trị thành công trường hợp nữ sinh P.N.Q. (17 tuổi, An Giang) bỏng hoại tử da đầu khi tẩy tóc. Được biết, sau khi tẩy tóc Q. thấy da đầu mình sưng nề đau nhức, dù đã mua thuốc uống nhưng không cải thiện. Sau gần 1 tháng, da đầu Q. bong một mảng da lớn.
Bệnh nhân Q. nhập viện trong tình trạng da đầu vùng thái dương bên trái hoại tử nặng, tiết dịch, diện tích hoại tử da 6x6 cm và được chẩn đoán bỏng nặng hoại tử da đầu vùng thái dương trái nhiễm trùng do hóa chất. Các bác sĩ đã phải tiến hành cắt lọc vết thương da đầu hoại tử và can thiệp phẫu thuật tạo hình xoay vạt da đầu để che phủ phần khuyết da do hoại tử.
Nữ sinh P.N.Q. bỏng hoại tử da đầu vùng thái dương bên trái nhiễm trùng sau tẩy tóc
Cơ chế của quá trình tẩy tóc
Theo ThS. BS Lê Thanh Hiền - Khoa PTTHTM và PHCN – BV Da liễu TW, màu tóc tự nhiên của con người được tạo nên bởi các hạt sắc tố (hạt màu) gọi là melanin. Có 2 loại melanin chính được tìm thấy ở sợi tóc là eumelanin và pheomelanin. Eumelanin làm cho tóc và da có màu đen và nâu thì pheomelanin làm cho tóc có sắc đỏ. Màu sắc của tóc mỗi người có sự khác biệt là do tỉ lệ giữa 2 loại melanin này khác nhau. Tẩy tóc chính là quá trình lại bỏ các hạt melanin ra khỏi sợi tóc để làm cho sợi tóc sáng màu lên.
Phụ thuộc vào mức độ sáng của tóc mà bạn mong muốn, có 2 loại thuốc tẩy tóc chính là: thuốc làm sáng (lightener) có khả năng làm sợi tóc đen thành nâu; loại thứ hai là bột tẩy (powder bleach) có khả năng tẩy mạnh hơn có khả năng làm tóc từ màu đen thành nâu sáng.
Cơ chế hoạt động của 2 loại tẩy tóc này thì tương tự nhau. Phần lớn các sản phẩm tẩy tóc chứa 2 loại hóa chất chính là chất tạo kiềm (alkaline) và chất oxy hóa. Ví dụ, trong chất làm sáng, ethanolamine hoặc amonia được sử dụng để tạo ra môi trường kiểm cần thiết cho quá trình làm sáng, trong khi đó hydrogen peroxide (H2O2) tạo ra quá trình oxy hóa. Trong bột tẩy thì muối persulfate cũng có tác động làm tăng cường quá trình oxy hóa bên cạnh tác động của hydrogen peroxide.
Khi tiến hành tẩy tóc thì trước hết phải tạo ra môi trường kiềm tính, quá trình này giúp cho vỏ của sợi tóc (cuticle) được mở ra đồng thời tạo ra môi trường thích hợp cho quá trình oxy hóa diễn ra. Ở môi trường lý tưởng, hydrogen peroxide làm phá vỡ các hạt sắc tố melanin và giáng hóa các hạt này thông qua quá trình oxy hóa, nhờ vậy mà sợi tóc trở nên sáng màu hơn.
Những nguy cơ có thể xảy ra sau khi tẩy tóc
Tẩy tóc có thể gây ra những tác dụng không mong muốn từ nhẹ tới nghiêm trọng. Vấn đề phổ biến nhất trong quá trình tẩy tóc gặp phải mùi nồng của thuốc tẩy gây ra bởi ammonium hydroxide. Bleaching có thể khiến cho tóc bạn trở nên yếu hơn và có xu hướng gãy rụng do chất này phá vỡ 15-20% các sợi protein của tóc (chủ yếu keratin).
Theo bác sĩ Lê Thanh Hiền, ngoài các tác dụng không muốn nhẹ trên thì có thể xảy ra những biến chứng nghiêm trọng như:
- Bỏng da đầu: khi sử dụng chất tẩy mạnh cùng với các biện pháp tạo nhiệt để tăng cường quá trình tẩy tóc hoặc tạo kiểu thì dễ xảy ra quá trình bỏng da đầu.
- Nhiễm độc: Một vài hóa chất trong chất tẩy tóc như ethyl alcohol, ammonium persulfate và hydrogen peroxide là các chất có độc tính cao và có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Vì vậy, nếu chẳng may nuốt phải hoặc dính phải thuốc tẩy trên da hoặc không may bị bắn vào mắt thì bạn có nguy cơ bị nhiễm độc do các chất này gây ra.
Các biểu hiện ngộ độc thuốc tẩy tóc bao gồm: tiêu chảy, đau bụng, khó thở, nói ngọng, hạ huyết áp, đi loạng choạng, bỏng rát ở họng (nếu nuốt phải) hoặc bỏng rát ở mắt (nếu bị bắn vào mắt).
Biện pháp hạn chế những tác dụng không mong muốn
Để hạn chế tối đa những tác dụng không mong muốn của tẩy tóc gây ra cần chú ý không tẩy khi sợi tóc khô yếu, mỏng, dễ gãy rụng. Cùng với đó cũng cần tuyệt đối tuân thủ quy trình quy trình tẩy tóc theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Có thể cần phải tẩy tóc một vài lần để có thể có được màu tóc mong muốn, tuy nhiên không nên quá nôn nóng, cần tuân thủ cách nhau ít nhất 14 ngày giữa 2 lần tẩy tóc liên tiếp.
Không sử dụng các biện pháp thúc đẩy nhanh, mạnh quá trình tẩy tóc như băng bịt kín kết hợp với việc sử dụng nhiệt hoặc dùng chất tẩy với nồng độ cao vượt quá với nồng độ khuyến cáo của nhà sản xuất.
Trong quá trình tẩy tóc nếu thấy cảm giác quá khó chịu, ngừng ngay quá trình tẩy tóc và đến cơ sở y tế gần nhất hoặc chuyên khoa da liễu để được thăm khám và tư vấn. Cùng với đó, sau khi tẩy tóc thấy xuất hiện dát đỏ, mụn nước hoặc cảm giác ngứa nhiều, bỏng rát hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
Các trường hợp hoại tử da đầu sau tẩy tóc thì các biện pháp điều trị chủ yếu là chăm sóc vết thương tại chỗ, sử dụng các biện pháp để thúc đẩy quá trình liền vết thương (như cắt lọc loại bỏ tổ chức hoại tử, laser hoặc plasma lạnh tại vùng tổn thương) và phẫu thuật (ghép da hoặc chuyển vạt) để che phủ ổ khuyết da đầu.
Theo Phụ nữ Việt Nam