Sự việc bi kịch nổ tàu ngầm Titan hồi tháng 6 năm nay sẽ được chuyển thể thành phim điện ảnh. Dự án phim hiện được đặt tên là Salvaged (tạm dịch: Giải cứu), do nhà sản xuất phim người Mỹ E. Brian Dobbins triển khai.
Trước đây, ông Dobbins được biết tới với vai trò nhà sản xuất của một số bộ phim như The Sea of Trees (2015), The Blackening (2022), Cheaper by the Dozen (2022)...
Ông Dobbins đang hợp tác cùng hãng phim MindRiot Entertainment để thực hiện dự án phim Salvaged. Bi kịch xảy ra với tàu ngầm Titan đã khiến cả 5 người có mặt trên tàu thiệt mạng.
Sự việc bi kịch nổ tàu ngầm Titan hồi tháng 6 năm nay sẽ được chuyển thể thành phim điện ảnh.
Trong quá trình lặn xuống đáy Đại Tây Dương để thăm xác tàu Titanic, tàu ngầm Titan đã bị mất liên lạc rồi phát nổ dưới đáy đại dương. Sự việc bi kịch từng nhận được sự quan tâm rất lớn của truyền thông và công chúng quốc tế.
Theo những thông tin ban đầu, bộ phim sẽ kể lại các sự việc diễn ra trước, trong và sau khi xảy ra bi kịch với tàu ngầm Titan.
Biên kịch Jonathan Keasey tham gia dự án Salvaged cho biết bộ phim sẽ phản ánh đúng những gì đã được ghi nhận xung quanh vụ nổ tàu ngầm Titan. Phim sẽ đưa lại nhiều thông tin chân thực nhất có thể, ê-kíp làm phim cũng đề cao yếu tố sự thật trong quá trình xây dựng kịch bản.
Trước đó, đã có những đồn đoán cho rằng đạo diễn của phim Titanic - ông James Cameron - sẽ làm phim về vụ nổ tàu ngầm Titan, nhưng ông Cameron đã khẳng định rằng những đồn đoán này là sai sự thật. Ông Cameron khẳng định sẽ không bao giờ tham gia vào bất cứ dự án phim nào kể về bi kịch xảy ra với tàu ngầm Titan.
Đạo diễn James Cameron (69 tuổi) - từng lặn xuống đáy đại dương để tận mắt quan sát xác tàu Titanic. Ông đã ghi lại những thước phim để làm tư liệu phục vụ cho hoạt động thực hiện bộ phim điện ảnh nổi tiếng - Titanic (1997).
Qua năm tháng, đạo diễn James Cameron đã xuống đáy đại dương tới 33 lần để quan sát xác tàu Titanic.
Trước đây, nhiều người cho rằng trải nghiệm mà ông Cameron đã có là rất thú vị, truyền thông cũng thường đặt câu hỏi về trải nghiệm hiếm có của ông. Nhưng ông James Cameron đã sớm cảnh báo về sự nguy hiểm của trải nghiệm xuống thăm xác tàu Titanic, khi thấy sự quan tâm, hứng thú dành cho trải nghiệm này khá lớn.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ tin tức New York Times (Mỹ) hồi năm 2012, ông Cameron từng nói: "Các bạn phải hiểu rằng khu vực đáy đại dương có xác tàu Titanic là một trong những điểm đến nguy hiểm, chết chóc. Mọi sơ suất xảy ra đều sẽ không được tự nhiên "nương nhẹ" chút nào. Các bạn đừng hình dung theo hướng có gì cần gấp thì có thể gọi cho lực lượng cứu hộ xuống giúp".
Bên cạnh việc cảnh báo về sự nguy hiểm của trải nghiệm xuống thăm xác tàu Titanic, đạo diễn James Cameron cũng thừa nhận rằng việc được thấy những cảnh quan mà phần đông người bình thường không bao giờ có cơ hội được thấy là một trải nghiệm để lại ấn tượng mạnh mẽ trong ông.
Việc được tận mắt thấy xác tàu Titanic khiến đạo diễn James Cameron cảm thấy choáng ngợp. Đạo diễn James Cameron từng viết một cuốn sách chia sẻ về trải nghiệm xuống đáy đại dương thăm xác tàu Titanic. Qua năm tháng, ông Cameron đã xuống đáy đại dương tới 33 lần để quan sát xác tàu Titanic.
Năm 2003, đạo diễn Cameron đã cho ra mắt bộ phim tài liệu có tên Ghosts Of The Abyss (tạm dịch: Những linh hồn nơi vực thẳm). Nội dung phim xoay quanh xác tàu Titanic.
Đạo diễn Cameron thừa nhận rằng niềm đam mê lặn biển của ông khá tốn kém. Vì vậy, ông đã làm bộ phim Titanic để hãng phim đồng ý chi tiền cho ông thám hiểm xuống đáy đại dương, để ông tận mắt quan sát xác tàu Titanic và có tư liệu phục vụ cho việc làm phim.
Đạo diễn James Cameron từng viết một cuốn sách chia sẻ về trải nghiệm xuống đáy đại dương thăm xác tàu Titanic.
Đạo diễn James Cameron từng chia sẻ thành thật: "Nếu tôi có đủ tiền để chi trả cho những cuộc lặn biển tốn kém của mình, tôi đã chẳng đi làm phim nữa. Nhiều người nghĩ tôi là một quý ông giàu có ở Hollywood, nhưng thật sự tôi chỉ đi làm phim để có tiền lặn biển và thỏa mãn sở thích khám phá đại dương mà thôi".
Trong lĩnh vực lặn biển, đạo diễn James Cameron được xem là một nhân vật dạn dày kinh nghiệm. Ông đã từng xuống tới điểm sâu nhất của thế giới đại dương, đó là vực thẳm Challenger (Challenger Deep) nằm ở Thái Bình Dương, nơi đây có độ sâu từ 10.898m đến 10.916m.
Vị đạo diễn từng chia sẻ với đài ABC (Mỹ) rằng sự việc thảm khốc xảy ra với tàu ngầm Titan khiến ông cảm thấy rùng mình vì nhận thấy sự trùng lặp quá lớn khi đem so với bi kịch xảy ra với tàu Titanic.
Theo ông Cameron, vị thuyền trưởng của tàu Titanic vốn đã luôn được nhắc nhở về tốc độ nguy hiểm của con tàu khi di chuyển vào vùng biển có nhiều tảng băng trôi, nhưng thuyền trưởng vẫn để tàu chạy hết tốc lực.
Đối với tàu ngầm Titan, tính an toàn của việc vận hành con tàu này trong những chuyến thám hiểm dưới đáy đại dương vốn đã là đề tài gây tranh cãi, gây nên nhiều lo ngại trong cộng đồng những người yêu thích lặn biển và khám phá đại dương.
Đạo diễn Cameron đã làm bộ phim "Titanic" để hãng phim đồng ý chi tiền cho ông thám hiểm xuống đáy đại dương.
Theo ông Cameron, đã có nhiều người trong giới thám hiểm đại dương viết thư gửi tới cho các nhân sự cấp cao của công ty OceanGate Expeditions để cảnh báo về những nguy cơ, nhưng phía công ty này vẫn kiên quyết theo đuổi tham vọng mỗi năm tiến hành một cuộc thám hiểm xuống thăm xác tàu Titanic.
Chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn trên sóng truyền hình Mỹ, ông Cameron nói: "Tôi bị choáng váng trước sự việc xảy ra với tàu ngầm Titan bởi nó quá giống với những gì từng xảy ra với tàu Titanic. Thuyền trưởng của tàu Titanic vốn đã được cảnh báo về vùng biển có nhiều tảng băng trôi, nhưng ông ấy vẫn quyết định để tàu chạy hết tốc lực trong một đêm không trăng. Và hậu quả, chúng ta đã biết".
"Bi kịch đã tái diễn khi những lời cảnh báo không được lắng nghe. Bi kịch đã lặp lại ở cùng một địa điểm. Tôi cảm thấy rùng mình và không tin nổi đó là sự thật", đạo diễn Cameron nói thêm.
Giờ đây, câu chuyện bi kịch xảy ra với tàu ngầm Titan sẽ được chuyển thể thành phim, cũng giống như cách giới làm phim từng khai thác câu chuyện bi kịch xung quanh con tàu Titanic.
Theo Dân Trí