Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các đau lòng như: Trẻ vị thành niên tự tử, trẻ vị thành niên bị xâm hại hoặc yêu sớm, thậm chí, một số trẻ còn có xu hướng thích người đồng giới. Vậy làm thế nào để cha mẹ có thể dạy con, giúp con thoát khỏi những cám dỗ, áp lực trong học tập, cuộc sống, các chuyên gia sẽ tư vấn cha mẹ qua tuyến bài "Kỹ năng sống tuổi vị thành niên".

Bài 5: Làm thế nào để bảo vệ con gái khỏi sự cám dỗ, “đi quá giới hạn”?

Về vấn đề này, TS.BS Đỗ Minh Loan - Trưởng khoa Sức khỏe Vị thành niên, BV Nhi Trung ương cho biết, trong trường hợp trẻ vị thành niên chủ động chia sẻ cùng mẹ thì một người mẹ tỉnh táo cần lựa chọn tin tưởng con thay vì cấm đoán. Đó mới chính là yếu tố giúp con gái có thể dễ dàng tâm sự và chia sẻ về những điều riêng tư trong chuyện tình cảm của trẻ.

Làm thế nào để bảo vệ con gái khỏi sự cám dỗ, đi quá giới hạn?-1

Theo TS. Đỗ Minh Loan, thay vì việc đưa ra lời khuyên hoặc định hướng cho con sớm kết thúc mối quan hệ với bạn trai, cha mẹ có thể cùng con phân tích tình huống này.

"Cha mẹ cần phân tích cho con gái hiểu, con vẫn đang trong độ tuổi vị thành niên nên việc quan hệ tình dục ở độ tuổi này là trái với đạo đức xã hội và pháp luật.

Việc con từ chối đòi hỏi của bạn trai không chỉ là bảo vệ con, mà còn bảo vệ bạn trai tránh vi phạm pháp luật Việt Nam khi có quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên (dù là tự nguyện từ hai bên)", TS. Đỗ Minh Loan khuyên cha mẹ.

Theo TS Đỗ Minh Loan, hiện nay, khá nhiều bạn trẻ cho rằng tình dục là một minh chứng của tình yêu nhưng đây là một suy nghĩ chưa đúng và rất dễ bị phía “đối tác” tận dụng để đạt được mục đích họ.

Trên thực tế, đã có những trường hợp có tình dục mà không hề có tình yêu. Các bạn trẻ cần biết về điều này. Những người thực sự yêu nhau, họ sẽ biết tôn trọng, bảo vệ nhau không đi quá giới hạn để có tương lai tốt đẹp.

Cha mẹ cần giúp con biết kiểm soát nguy cơ phát sinh nhu cầu tình dục bằng cách khuyên con hạn chế đi chơi chỗ vắng vẻ, nên đi chơi cùng nhóm bạn thay vì chỉ có hai người.

"Khi con gái đã chia sẻ điều riêng tư với mẹ, bản thân con cũng đã có những băn khoăn và suy nghĩ nhất định. Điều con cần lúc này là được sự tin tưởng, quan tâm, chia sẻ và cung cấp thông tin một cách phù hợp từ mẹ.

Tôi tin rằng nếu mẹ có thể khéo léo trò chuyện và cùng con phân tích, con gái sẽ hiểu và biết cách làm sao để bảo vệ chính mình".

TS Đỗ Minh Loan cho rằng, để con hiểu và chủ động bảo vệ bản thân, cha mẹ phải thường xuyên theo dõi, giám sát trẻ. Làm cha mẹ chưa bao giờ dễ dàng, đặc biệt khi chúng ta làm cha mẹ của những đứa con đang lớn.

Nhìn chung, ở tuổi vị thành niên, khó khăn không chỉ dừng lại từ phía con trẻ, mà bố mẹ và người lớn trong nhà cũng sẽ gặp những khó khăn nhất định.

Với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ trong độ tuổi này, việc người lớn đi trước, chỉ ra cho con điều gì phải làm, điều gì cần tránh dường như không mang lại nhiều hiệu quả như ở các giai đoạn trước.

Đây là thời điểm con trẻ luôn khao khát và mong muốn được sự ghi nhận như một người trưởng thành từ phía người lớn trong gia đình, dù cho các con chưa thật sự trưởng thành như bản thân mình nghĩ.

Chính điều này có thể dẫn đến việc các con có những hành vi không phù hợp (con trai thì tập tành hút thuốc, rượu bia; con gái có thể điệu đà, quần áo tóc tai không được hợp mắt bố mẹ...), thậm chí là yêu đương như một cách thể hiện mình đã lớn.

Việc phụ huynh bình tĩnh và linh hoạt, mềm mỏng trước sự thay đổi nhanh chóng của con trẻ là một yếu tố cần thiết để có thể hỗ trợ con một cách tốt nhất.

"Thay vì chỉ khuyên răn, căn dặn và cấm đoán khiến các con cảm thấy bị kìm kẹp, cha mẹ có thể lùi lại một bước, chuyển vị trí từ người đi trước sang người đi cùng, sát cạnh các con thì tôi tin các con sẽ có thể vững vàng và tự tin tránh khỏi những cám dỗ cuộc đời", TS.BS. Đỗ Minh Loan khuyên phụ huynh.

Theo Dân Việt