Không còn là của hiếm hay gia vị lạ như những năm trước, trong 3 năm trở lại đây, đặc biệt trong năm 2014, hàng loạt đạo diễn Việt kiều về làm phim điện ảnh trong nước đã thành những cái tên quen thuộc: Victor Vũ, Lưu Huỳnh, Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Charlie Nguyễn, Hàm Trần, Cường Ngô, Síu Phạm, Nguyễn Đức Minh, Lê Văn Kiệt, Trần Công Thành (Ethan Trần), Thiện Đỗ, Johnny Trí Nguyễn, Nguyễn Lê Dũng, Vũ Trọng Khoa, Văn.M.Phạm…. Họ đã mang đến một màu sắc lạ, tạo nên không khí sôi động cho thị trường phim Việt, gần như chiếm lĩnh phòng vé các rạp chiếu trong các mùa phim.

2014: Cuộc đua khốc liệt

Không chỉ là cuộc đua giữa các hãng sản xuất mà còn là cuộc đua của chính các đạo diễn Việt kiều. Bởi vì với họ không chỉ là đua tay nghề, đua kỹ năng chuyên môn, mà còn là đua các “chiêu trò”  trong phim, làm sao có yếu tố lạ thu hút, hấp dẫn khán giả,đạt mục tiêu tối thượng là thu lợi nhuận cao nhất.  Và chỉ có thắng dự án này mới mở ra cơ hội cho những dự án tiếp theo.

Đạo diễn  Hàm Trần sau thành công bước đầu của “Âm mưu giày gót nhọn” lại ra mắt phim kinh dị siêu nhiên “Đoạt hồn” , bóp nghẹt tim khán giả  suốt 90 phút bằng một câu chuyện kịch tính mang lại cho nhà sản xuất một khoản lợi nhuận đáng kể.  “Tèo em” - một phim theo phong cách hài thô Hollywood của đạo diễn “triệu đô” Charlie Nguyễn gây nhiều tranh cãi ngược chiều trong  giới phê bình phim, nhưng doanh thu phòng vé lại rất “khủng”. Nhưng ngoạn mục nhất có lẽ là Victor Vũ - cái tên sáng giá nhất phòng vé hiện tại. Riêng trong năm 2014, anh đã có 3 phim ra rạp, và phim nào cũng thắng  với doanh thu mơ ước của phim Việt: “Cô dâu đại chiến 2”, “Quả tim máu” và “Scandal - Hào quang trở lại”. Cái hay của Victor Vũ là biết cách nắm bắt thị hiếu khán giả thích gì nên khi ra “chiêu” là bảo đảm “mã đáo thành công”.


Cảnh trong phim “Chung cư ma”.

Gần cuối năm, thị trường phim Việt lại thêm náo nhiệt và ồn ào với 2 bộ phim hành động “nặng đô” dán nhãn R.16+ là: “Hương Ga” của Cường Ngô, “Hiệp sĩ mù” của Lưu Huỳnh. “Hương Ga” của Cường Ngô thoát xác khỏi sự sâu lắng và lãng mạn của “Ngọc Viễn Đông” mấy năm trước, mà biến hình trong một phim “nổi loạn” với những cảnh bắn giết và sex bỏng mắt  qua diễn xuất của một dàn diễn viên trai xinh gái đẹp. Kèm theo những show ca nhạc PR cho phim, “Hương Ga” đã đốt cháy phòng vé mang doanh thu lớn cho nhà sản xuất.  Tương tự, Lưu Huỳnh cũng thoát ra khỏi những bộ phim trước mà dấn thân vào một phim giải trí mang nội dung khá hoang đường “Hiệp sĩ mù”. Cho dù giới phê bình phim đều không cho điểm cộng phim này, nhưng doanh thu nó là khá, nhất là sau khi phim có một show PR ra mắt trong LHP quốc tế Hà Nội 2014.

Ngoài những phim đã nêu trên thuộc dòng phim giải trí, còn một  dòng phim nghệ thuật lặng lẽ hơn của một số đạo diễn tên tuổi  chưa  được ra rạp, hay rất hạn chế qua vài suất chiếu bởi rất kén khán giả và khó bảo đảm doanh thu như “Nước 2030” - Nguyễn Võ Nghiêm Minh, “Dịu dàng” -  Lê Văn Kiệt, “Đời như ý” -  Úc Vương Quang Hùng… và một phim phong cách kinh dị giả tài liệu (Found Footage) là “Rừng xác sống”của Lê Văn Kiệt…

Náo nhiệt 2015

Giáng sinh 12.2014, mở đầu sự khuấy động cho loạt phim chiếu năm mới 2015 có một gương mặt đạo diễn Việt kiều mới tinh -  Văn M.Phạm, tốt nghiệp Đại học Washington. State (Mỹ) chuyên ngành sản xuất phim và Đại học Chapman chuyên ngành đạo diễn ra mắt khán giả Việt trong nước bằng phim kinh dị “Chung cư ma”, tiếp theo là phim của Charlie Nguyễn với phần 2 “Để Mai tính” hay còn gọi là “Để Hội tính”.

 Mùa phim Tết, một phim mang tính xuyên không gian kết hợp hài, tình cảm và hành động với tên lạ “Ngày nảy ngày nay” của Cường Ngô sẽ ra mắt, rồi diễn viên Dustin Nguyễn cũng tung ra  phim hài “Trúng số” trong vai trò đạo diễn…

Thắng không ngồi yên hưởng thành công,  thua thì không nản chí, quyết bày keo khác, nên các đạo diễn Việt kiều luôn có những dự án làm phim “gối đầu”. Đứng đầu danh sách vẫn là Victor Vũ, sau 8 phim ở VN tính từ năm 2009, thì năm 2015 là phim thứ 9, dự án phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (kịch bản Việt Linh, chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh).


 Cảnh trong phim “Để Hội tính”.


Hiệp hội làm phim thương mại - Tại sao không?

Sự lũng đoạn thị trường của các đạo diễn Việt kiều đã tạo ra một không khí, một màu sắc điện ảnh Việt khá tưng bừng. Và sự phát triển dòng phim thương mại còn kích thích dòng phim nghệ thuật, kén khán giả như các phim của Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Síu Phạm, Nguyễn Đức Minh…

Để một năm có đủ bốn “mùa” phim là công của các đạo diễn Việt kiều, họ gắn với các hãng phim tư nhân, và gần như chỉ có phim tư nhân ra rạp trong năm.

Một điểm chung của các đạo diễn Việt kiều, ngoài tay nghề chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản, họ còn là những đạo diễn tâm huyết với nghề, không ngại mạo hiểm dấn thân. Đặc biệt, họ luôn tự khám phá chính bản thân khi  dám làm những dự án đôi khi không phải sở trường, như một thể nghiệm. Cho dù không phải phim nào cũng thành công, cũng thắng về doanh thu hay giàu ngôn ngữ sáng tạo, thì  họ  cũng đã trở về quê hương một cách thật sự, đóng góp cho đời sống văn hóa nghệ thuật của Việt Nam.

Đòi hỏi nếu có là sự cùng khai phá thêm những đề tài mới đương đại hấp dẫn, bớt đi những phim hài bông phèng, dễ dãi và mở rộng thị trường khai phá thêm những đối tượng khán giả mới, kể cả lớp trung niên và cao tuổi.

Tại sao những nhà làm phim mà nòng cốt là đạo diễn Việt kiều không cùng chung tay xây dựng một  hiệp hội những nhà làm phim thương mại với những tiêu chí điều luật rõ ràng từ phân khúc thị trường, đề tài phim, rạp chiếu… để khán giả Việt ngày càng có nhiều món lựa chọn? Đã đến lúc phim Việt không thể chỉ bán loanh quanh ở mấy đài truyền hình khu vực mà cần phát hành đàng hoàng ra thị trường nước ngoài tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng cũng đầy hứa hẹn và rộng mở. Phần thưởng chỉ dành cho người dũng cảm. Như câu nói quen thuộc “Kẻ thắng hưởng tất” (the winner take it all)!

Theo Laodong