Về với thị trấn Lập Thạch, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, những câu chuyện kể về "làng ăn đất" vẫn được dân làng và du khách phương xa nhắc đến. Bánh đất, hay còn được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau như đất hun khói, đất ngói ăn, bánh đất ngói, mầm đá… là tên gọi của một món ăn độc nhất vô nhị, không vùng miền nào có, đó là món ăn từ một nguyên liệu không ai nghĩ tới: đất.

Làng ăn đất độc nhất vô nhị tại Việt Nam-1
Món bánh đất nổi tiếng của vùng đất bán sơn địa Lập Thạch. Ảnh: ST

Theo lời kể của những người cao tuổi tại địa phương, tục ăn đất ở đây đã có từ rất lâu, không ai nhớ rõ. Không biết tự bao giờ, ở vùng đất này đã có một món ăn "được lòng" nhiều người, từ những bà bầu ăn trong thời kỳ ốm nghén, đến phụ nữ, trẻ em. Thậm chí cả cánh đàn ông cũng thích ăn món bánh đất.

Chính vì lẽ đó ngôi làng nhỏ nằm ngay sau thị trấn Lập Thạch này còn được đặt cho tên gọi là "làng ăn đất" hay "làng ăn đặc sản". Đất là món quà vặt giống như ở nơi khác người ta ăn kẹo dồi, bánh khảo… vậy.

Loại đất mà người dân dùng để ăn không phải đất bình thường trồng trọt cây cối ở vườn mà chỉ có thể tìm thấy ở vùng Lập Thạch. Trước đây, đất ngói có thể tìm thấy trên nhiều ngọn núi, nhưng do việc khai thác diễn ra qua nhiều đời nên giờ số lượng chỉ còn rất ít.

Muốn lấy được đất ngói phải đào hố sâu 3-7m, đến khi gặp những vỉa đất màu trắng như cục phấn mới dùng ăn được. Khi đào thấy đất phải dùng búa đục từng mảng một, cho vào rổ đưa cho người trên bờ. Đất được khai thác về còn nhiều tạp đất, sạn nên cần phải gọt, đẽo thật sạch và tách thành từng miếng nhỏ như kẹo lạc.

Làng ăn đất độc nhất vô nhị tại Việt Nam-2
Những cục đất được đẽo gọt tỉ mỉ, thành miếng nhỏ vừa ăn. Ảnh: ST

Những cục đất sau khi đào về được người dân đem gọt tỉ mỉ, xắt thành miếng nhỏ như bánh quy. Đất ngói có thể ăn sống nhưng để có được mùi vị hấp dẫn, đưa miệng thì cần trải qua những giai đoạn sơ chế và chế biến khá tỉ mỉ và tốn công.

Người dân thường dùng lá cây sim tươi đốt cháy rồi đưa đất lên hơ trước ngọn lửa. Khói sẽ ám vào từng miếng đất, làm cho đất thơm hơn. Nếu không có "gia vị" này, món ngói sẽ mất ngon, không thơm, không bùi. Khi miếng đất hơi ngả màu vàng và có mùi của lá sim là có thể thưởng thức được. Ăn vào sẽ có cảm giác như ăn miếng lương khô nhưng không bị khát nước. Hương khói thơm nồng quyện vào cùng đất tạo nên mùi thơm hấp dẫn và vị bùi bùi, ngậy béo của đất.

Làng ăn đất độc nhất vô nhị tại Việt Nam-3
Bánh đất được hơ bằng khói từ lá cây sim tươi để tăng hương vị. Ảnh: ST

Những vị cao niên trong làng chia sẻ, người dân nơi đây ăn đất phần vì thói quen, phần vì suy nghĩ ăn loại đất này tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, đất ngói một thời từng được coi là "đầu câu chuyện", gắn kết người dân trong làng vì mỗi khi gặp gỡ hay đến nhà ai, người dân nơi đây đều mời nhau ăn miếng đất ngói thay cho miếng trầu quen thuộc.

Không chỉ là món đặc sản của người dân vùng Lập Thạch, những món ăn từ đất được nhiều người ở các huyện, tỉnh lân cận cũng về mua về làm quà. Thậm chí, khoảng 20-30 năm trước, đất ăn được bày bán tràn lan ở chợ, như bán rau, bán thịt nên Lập Thạch từng là đầu mối cung cấp đất ăn cho nhiều địa phương trong, ngoài Vĩnh Phúc như: Tam Dương, Vĩnh Tường, Lâm Thao, Phù Ninh (Phú Thọ), xa hơn là ở tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang.

Dù ngày nay, không còn nhiều người trẻ giữ được thói quen ăn đất. Nhưng món bánh đất độc đáo của Lập Thạch vẫn được lưu truyền. Thậm chí, trên một số sàn thương mại điện tử, món bánh đất (bánh ngói đất, mầm đá) đang được bán với giá khoảng 500.000 - 600.000 đồng/kg để những người thích món ăn độc, lạ thưởng thức, trải nghiệm.

Theo Phụ nữ Việt Nam