Theo truyền thống Việt Nam, cứ đến rằm tháng 7 hàng năm, người người lại rộn ràng đến chùa dâng hương, cầu an cho gia đình, cầu phúc cho cha mẹ. Cũng vào ngày này những đứa con thường chọn cho mình một góc riêng, ngồi nhớ về kỷ niệm, những lỗi lầm, những trận đòn roi khi xưa, rồi rưng rưng xúc cảm. Họ chia sẻ với nhau về người mẹ tuyệt vời của mình.

Tuy gặp cha mẹ mỗi ngày, nhưng ít ai có thể nói ra được những lời yêu thương với người cha, người mẹ của mình. Họ thể hiện qua những cử chỉ chăm sóc, ngồi ăn chung một bữa, có nhiều người cảm thấy hối hận vì hôm nào cũng để mẹ chờ cơm, đến khi mẹ mất đi, họ bùi ngùi nhìn theo những người phụ nữ già rồi tự nhủ: "Ước gì lúc trước mình về sớm hơn, mình quan tâm hơn đến cảm nhận của mẹ". Ngoài những người may mắn khi nhận ra giá trị của lời yêu thương kịp lúc, cũng có những giọt nước mắt tiếc nuối khi mẹ đã không còn.

Nghi thức "Bông hồng cài áo" thường được tổ chức trong ngày Lễ Vu Lan ở các ngôi chùa Việt Nam hằng năm để tưởng nhớ những bà mẹ đã khuất và vinh danh những bà mẹ còn tại thế với con cháu. Trong nghi thức đó, các em Phật Tử, với hai giỏ hoa hồng, màu đỏ và màu trắng, sẽ đến cài hoa lên áo từng người dự lễ.

7-bb0b9
Hoa hồng trong ngày Vu Lan được cài miễn phí cho những người đến dự lễ, màu đỏ tượng trưng còn cha, còn mẹ, màu hồng là mất cha, còn mẹ và màu trắng là mất mẹ. 

Chị Lê Thị Hương Lan (SN 1976, ngụ Q.Gò Vấp) gắn trên ngực áo một bông hoa trắng, ngồi lặng yên giữa những phật tử có hoa màu đỏ thắm, chốc chốc chị đưa tay lau những giọt nước mắt lặng lẽ rơi. Mẹ chị Lan vừa mất vì căn bệnh ung thư, chị tiếc nuối khi lúc trước mẹ thường hay đau bụng, thế nhưng cả nhà chỉ nghĩ là mẹ đau bình thường. 

"Không ai trong nhà biết mẹ đã cố gắng chịu đựng như thế nào, những cơn đau cứ mãi hành hạ mẹ tôi, đến khi mẹ không còn chịu được nữa thì chúng tôi đưa bà đến bệnh viện. Rồi kết luận của bác sĩ làm chúng tôi nhói lên, mẹ tôi ung thư gan vào giai đoạn cuối, chúng tôi vào thăm nước mắt lã chả rơi, nhưng ai cũng giấu mẹ. Một tuần sau mẹ tôi mất, tuy đã biết trước chuyện này, nhưng đó là nỗi mất mát quá lớn. Tôi còn muốn nói cho mẹ biết, tôi yêu mẹ đến nhường nào", chị Lan xúc động.

3-bb0b9
Chị Lan xúc động khi về việc mẹ đã buồn thế nào khi biết cuộc sống gia đình chị không suông sẻ, có lần mẹ chị đã nói: "Nếu khổ quá, thôi con hãy về bên mẹ" đó là câu nói chị nhớ nhất lúc mẹ còn sống.

Đến khu vực cài hoa, nhiều câu chuyện vui buồn xen lẫn với nhau, khiến chúng tôi không khỏi rơi lệ. Một thanh niên khoảng hơn 30 tuổi bật khóc rấm rức khi được cài bông hoa màu đỏ, ai nhìn thấy anh cũng lặng lẽ khóc theo. Được biết anh thanh niên ấy là Nguyễn Hoài Thương (SN 1980, quê Đồng Nai), câu chuyện của anh là cả một tuổi thơ đầy nước mắt, mẹ anh là một phụ nữ bị dồn vào đường cùng, phải đi bán thân từ khi 19 tuổi. Trong một lần tiếp khách làng chơi, mẹ anh đã có thai và sinh ra anh. Cả tuổi thơ anh bị kỳ thị, khinh khi, mỗi lần như thế anh đều về chì chiết mẹ mình, anh cảm thấy xấu hổ, không nghe lời mẹ, anh quậy phá, dính vào ma túy rồi nhiễm HIV. 

Anh chia sẻ: "Khi có kết quả xét nghiệm máu, tôi quyết định trả thù đời, tôi đánh mẹ mỗi khi tôi nhìn thấy bà, lúc đó tôi nghĩ vì bà mà tôi mới sống dở, chết dở. Thế nhưng bà luôn đi tìm, khuyên can mỗi khi tôi gây sự, một lần tôi bị chém ở tay, vai và lưng, vết thương quá nặng khiến tôi phải đến bệnh viện. Khi biết tôi bị bệnh, cùng với những vết xăm chằng chịt khắp người, ai cũng xa lánh, không ai giúp đỡ. Một lần tôi không thấy mẹ vô, tôi đã tự mình đến công viên bệnh viện để hóng mát. Cảnh tôi nhìn thấy là mẹ tôi vừa khóc, vừa lạy người ta để xin tiền thuốc thang cho tôi, thế nhưng đó là bệnh viện huyện, ai cũng biết tôi quậy phá nên không những không cho, họ còn đánh đạp, xua đuổi mẹ. Tôi đã bật khóc và ôm lấy bà, từ đó tôi đứa bà xuống TPHCM rồi ngày ngày đi làm việc lương thiện để nuôi mẹ. Tôi khóc vì hôm nay tôi còn kịp cài bông hồng đỏ để ngày ngày được báo hiếu cho mẹ mình".

6-bb0b9
Không chỉ phụ nữ, mà những người đàn ông cũng không khỏi xúc động khi được cài hoa lên áo. Chị Đồng Thị Kim Chi (SN 1985, ngụ Hóc Môn) thành viên trong đội cài hoa chia sẻ: "Cài hoa lên áo mang ý nghĩa rất quan trọng, đó là dù mẹ có còn bên cạnh hay không, dù con ở đâu, làm gì thì con vẫn luôn nhớ về mẹ, mẹ là người như thế nào, hay làm nghề gì thì cũng là người mẹ tuyệt vời của mỗi người con. Vì thế chúng tôi thường chuẩn bị trước hóa và cài miễn phí cho mọi người.

8-bb0b9
Em Lê Đỗ Anh Thư (11 tuổi, ngụ Q.10) đi chùa với mẹ của mình, em chia sẻ: "Hiện tại vì đi học nên em ở với bác của em, em rất vui vì còn mẹ bên cạnh, tuy em nhiều lần bướng bỉnh nhưng mẹ vẫn chăm lo cho em rất nhiều. Hôm nay em đến chùa cầu phước và xin trời phật cho mẹ mãi luôn bên em"

10-bb0b9
Một cô gái vừa cầu nguyện, vừa chuẩn bị phóng sinh để cầu an vui, khỏe mạnh cho cha mẹ của mình.

Vu Lan ngoài việc vào tận phía trong chùa cầu nguyện, có nhiều người chọn cho mình một góc riêng để gợi nhớ về mẹ, về những tuổi thơ êm đềm, mà khi đó người ta cả thấy mẹ quá phiền, nói nhiều và luôn cáu gắt. Lúc đó người con muốn lớn thật nhanh để thoát khỏi sự quản lý của mẹ, để không phải nghe mẹ... càm ràm suốt ngày. Nhưng khi lớn lên, đi xa mẹ để học, để kiếm sống thì ai cũng ngậm ngùi nhận ra chỉ có cơm mẹ là vừa ăn vừa cười ríu rít, còn cơm người là cả mồ hôi, nước mắt, ăn cơm mà chát đắng, xót xa nhớ mẹ.

14-bb0b9
Lúc nhỏ, anh Hoàng Minh luôn thấy mẹ mình rất phiền, nhưng chỉ xa mẹ hai năm, anh đã thấy còn mẹ là điều hanhhj phúc nhất

Anh Vũ Nguyễn Hoàng Minh (SN 1995, quê Đà Lạt) nghẹn ngào: "Từ nhỏ mình hay nói chuyện với mẹ, luôn thích thời gian bên cạnh mẹ. Tuy nhiên, càng lớn mình càng cảm thấy mẹ rất phiền, mẹ hay la, mẹ nói nhiều, và luôn bắt mình phải ăn cái này, không được ăn cái kia. Những lần như thế mình đều đi ra chỗ khác vì thấy mẹ phiền lắm. Thế nhưng lên TPHCM học, chỉ một tuần không có mẹ mình đã nhớ đến phát khóc, thèm được sự chăm sóc, thèm bị mẹ la, hay đơn giản thèm nói với mẹ là mình thương mẹ lắm. Có lần quá thèm được nghe tiếng mẹ, mình điện thoại về nhà, mẹ vừa bắt máy mình vội tắt đi vì sợ mẹ biết mình khóc. Hay lúc mẹ biết mình bị bệnh phải nhập viện, từ Đà Lạt mẹ vội vàng đến thành phố, gặp mình trên giường bệnh, mẹ vừa đánh, vừa là, vừa khóc bảo mình bệnh sao không cho mẹ biết, sao không về với mẹ. Từ đó đến nay, cứ cách một ngày là mình lấy đủ lý do để điện thoại cho mẹ. Nhưng một điều mình dám nói thành lời mình sợ mình bật khóc mất, đó là mẹ ơi, con chúc mẹ lúc nào cũng vui vẻ, khỏe mạnh, nhất là mẹ hãy dành thời gian cho mình nhiều hơn một chút mẹ nhé!".

13-bb0b9
Khi có ba đứa con, anh Trương Ngọc Sáng (SN 1990, ngụ Bình Thạnh) mới hiểu được tại sao mẹ lại hay chờ cơm mỗi khi anh đi chơi về trễ, tại sao anh đã lớn mà mẹ cứ trông anh ngủ, cứ đắp chăn cho anh mỗi khuya. Giờ đây, với anh Sáng không chỉ rằm tháng 7 âm lịch mới là Vu Lan, mà với anh Vu Lan là mọi ngày.

Anh Sáng chia sẻ: "Vì tôi là con trai một nên mẹ rất thương tôi, mẹ luôn tin tưởng tôi trong mọi việc. Nhớ lại lúc nhỏ có lần tôi và mẹ cãi nhau rất to trong bữa ăn, tôi đã hất luôn mâm cơm mà mẹ phải ngồi chờ mình về dùng chung. Lúc đó, mẹ tôi khóc đến sinh bệnh nhưng tôi vẫn thờ ơ. Đến khi có con, tôi mới nhận ra rằng, không chỉ riêng mẹ tôi, mà tất cả những người mẹ trên thế gian này đều là những người mẹ tuyệt vời. Tôi cầu chúc cho tất cả bà mẹ luôn có nhiều niềm vui, sức khỏe và nụ cười. Cầu chúc các mẹ luôn khỏe mạnh để dang rộng vòng tay đón con mình trở về sau những khó khăn trong cuộc sống mưu sinh".

Cũng trong ngày này, tôi gặp được một người con rất đặc biệt, người con này chỉ ngồi một gốc khuất, nhìn ra cánh hoa hồng trắng rồi lặng lẽ khóc. Tôi bước đến xin cô ấy được ngồi bên cạnh, tâm sự về mẹ, về mưu sinh. Người con này bất ngờ bắt chuyện với tôi bằng câu: "Thực ra sinh mẹ tôi sinh ra tôi thì tôi là con trai, vì ba mẹ chỉ có tôi là đứa con duy nhất nên rất trông mong và kỳ vọng. Nhưng tôi tự biết mình là một đứa con gái, vì tôi thân với mẹ nên tôi nói cho mẹ biết sự thật về con người mình. Tôi nhớ hoài lúc ấy là tháng 3 năm 2005, mẹ vì đau khổ khóc hết mấy tháng rồi mất. Trước khi mẹ mất, mẹ cầm tay tôi nói mẹ sinh ra con thì con dù thế nào vẫn là  con của mẹ, nhưng con đừng bao giờ nói cho ba con biết, ông ấy sẽ giết con mất. Sau khi mẹ tôi mất, không lâu sau ba tôi biết chuyện, ông đã làm đơn từ con và cấm tôi bước chân vào nhà. Từ đó đến nay đã 10 năm, trước Vu Lan tôi lại tranh thủ về nhà, chỉ dám đứng phía xa nhìn về nhà mình, ngần ấy năm ba tôi vẫn không chấp nhận tôi, thấy ông gầy yếu mà xót xa lắm. Không chỉ riêng Vu Lan mà lúc nào có thời gian tôi cũng đến chùa cầu cho mẹ, cầu cho ba. Tôi không dám mong ông tha thứ, tôi chỉ dám xin cho ông được nhiều sức khỏe. Tôi muốn nói là con thương ba, con có lỗi với ba nhiều lắm".

9-bb0b9
Nhìn cánh hồng trắng, "chị" Huỳnh Tiểu Hân (quê Vĩnh Long) nhớ về mẹ, xót về ba, "chị" chỉ biết lặng lẽ khóc nhìn những đứa trẻ đang ríu rít bên mẹ của chúng.

Hàng ngày bạn có thể ít có dịp nói ra những lời ngọt ngào, tha thiết như: “con yêu mẹ”, “con yêu ba”…Ngày lễ Vu Lan không chỉ là dịp để lên chùa cầu phước, cầu an lành cho ba mẹ, mà đó cũng là dịp để bạn nói những lời nói đó với cha mẹ của mình. Những người con ở gần ba mẹ hãy tặng cho họ những cái ôm thật siết. Còn ở xa, hãy điện thoại về nhà ngay để nói "con yêu mẹ, yêu ba" khi còn kịp bạn nhé!

Theo Trí thức trẻ