Hiện mỗi ngày cả nước có hàng nghìn người nhiễm Covid-19 (F0), trong đó đa số tự chữa trị tại nhà. Nhiều người lao động là F0 băn khoăn, trong thời gian chữa trị tại nhà người lao động cần phải làm những thủ tục gì để nhận được tiền hỗ từ BHXH.

Ông Vũ Đức Thuật, Phó giám đốc BHXH Hà Nội cho biết, Sở Y tế Hà Nội đã có hướng dẫn cụ thể.

Theo đó, lao động là F0 điều trị tại nhà có thể đề nghị Y tế phường cấp giấy chứng nhận uỷ nhiệm BHXH (trường hợp trạm y tế lưu động do không có dấu xác nhận thì trạm y tế hoặc trung tâm y tế có thể xác nhận).

Sau khi hoàn thành cách ly, F0 liên hệ trung tâm y tế, trạm y tế... xin cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Nếu được cấp không đúng mẫu quy định, người lao động được đề nghị cơ sở y tế cấp lại.

Lao động là F0 điều trị tại nhà cần làm gì để nhận tiền hỗ trợ?-1
Hiện tại có rất nhiều người lao động là F0 tự điều trị tại nhà ( Ảnh: Cổng điện tử Bộ Y tế)

Ông Thuật nói rõ, theo quy định, sau khi được trạm y tế cấp giấy thì phải được đưa lên hệ thống theo đúng quy định để cơ quan BHXH thanh toán chế độ ốm đau trong những ngày F0 nghỉ việc.
 
Người lao động bị nhiễm Covid-19 phải nghỉ việc, có xác nhận của cơ sở y tế sẽ được hưởng chế độ ốm đau của Luật BHXH 2014.

Theo điều 26 của luật này, thời gian hưởng chế độ ốm đau trong năm của người lao động như sau:

Nếu làm việc trong điều kiện bình thường: 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm, 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 - dưới 30 năm, 60 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 30 năm.

Nếu làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm, 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 - dưới 30 năm, 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

Trong thời gian nghỉ, người lao động sẽ được hưởng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Trong trường hợp người lao động vẫn còn ngày nghỉ phép năm thì thời gian nghỉ việc để điều trị COVID-19 có thể trừ vào ngày nghỉ phép năm. Do đó, trong những ngày này người lao động vẫn được hưởng nguyên lương từ người sử dụng lao động.

Theo  khoản 1, điều 113 Bộ luật lao động 2019, người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động: 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
 
Công đoàn hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng

Đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, theo Quyết định 3749 về việc chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Tổng Liên đoàn Lao động đã chi gần 6.000 tỷ đồng cho đoàn viên, người lao động khó khăn nhiễm Covid-19. 

Nguyên tắc mỗi trường hợp F0 chỉ được hỗ trợ một lần dù nhiều lần dương tính.

Theo quyết định trên, đoàn viên, người lao động là F0, không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19 được hỗ trợ tối đa là 3 triệu đồng/người nếu có triệu chứng bệnh nặng, phải điều trị từ 21 ngày trở lên tại bệnh viện, cơ sở y tế được thu dung điều trị Covid-19 theo các giấy tờ xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.

Lao động là F0 điều trị tại nhà cần làm gì để nhận tiền hỗ trợ?-2
Đoàn viên, người lao động khó khăn có thể được hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng

Tối đa là 1,5 triệu đồng/người nếu phải điều trị ngoại trú từ 21 ngày trở lên hoặc điều trị nội trú dưới 21 ngày tại bệnh viện, cơ sở y tế được thu dung điều trị Covid-19 theo các giấy tờ xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.

Đoàn viên, người lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn bị tử vong do Covid-19 thì thân nhân được hỗ trợ 5 triệu đồng/người.

Theo Vietnamnet