Chính phủ vừa ban hành nghị định quy định chi tiết một số điều của bộ luật lao động về chính sách đối với lao động nữ. Trong đó, lần đầu tiên lao động nữ được nghỉ 30 phút trong ngày hành kinh, tối thiểu 3 ngày trong một tháng. Quy định này chắc chắn được chị em hưởng ứng vì tính chất "thấu hiểu" của nó. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng quy định thì vậy nhưng khó thực hiện vì đó là vấn đề tế nhị, khó nói.

Thêm quyền lợi cho chị em

Trong mục thứ 2 điều 7 của nghị định 85/2015 NĐ-CP  quy định rõ: Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ như sau:
a) Mỗi ngày 30 phút, tối thiểu là 03 ngày trong một tháng;
b) Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;
c) Thời gian nghỉ cụ thể do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ.

Đây được coi là quy định "thấu hiểu" nỗi khổ, mệt mỏi của chị em trong những ngày "đèn đỏ". Đa phần ý kiến được hỏi đều bày tỏ sự đồng tình với quy định này.

Chị Hoàng Vân Anh, nhân viên kế toán của một công ty thực phẩm Q. Thanh Xuân, Hà Nội, cho rằng:"Những ngày đèn đỏ, chị em phụ nữ nào cũng mệt mỏi, đau bụng, đau lưng. Chuyện này hầu như chỉ âm thầm chị em biết với nhau thì nay được pháp luật quy định rõ ràng. Đây là một sự cảm thông sâu sắc, bảo vệ nữ quyền, mình rất ủng hộ".

Cùng chung quan điểm, chị Minh Ngọc, công nhân công ty may mặc ở KCN Linh Xuân, Q. Thủ Đức, TP.HCM, cho biết: "Bản thân mình bị lạc nội mạc tử cung, mỗi tháng đến ngày là đau bụng và buồn nôn kinh khủng, cứ như ác mộng. Lúc nào đi làm mình cũng gắng gượng đến toát mồ hôi. Nay nghe quy định này mình thấy mừng quá. Nghỉ ngơi thêm được một chút sẽ tốt hơn".

lao động nữ
Nghị định này rất tốt với chị em - lao động nữ tuy nhiên không phải ai cũng biết
(Ảnh minh họa)


Nhưng còn nhiều điều khó nói

Theo khảo sát nhỏ của chúng tôi, số người được hỏi biết về nghị định này không nhiều. Thậm chí nhiều phụ nữ tỏ ra ngạc nhiên vì lần đầu tiên được biết một chính sách "nhạy cảm" như vậy.

Chị H.T.Thư (Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội) hiện đang công tác tại một cơ quan về máy tính cho biết: "Đây là lần đầu tiên tôi đọc được thông tin này. Tôi chưa thấy bộ phận công ty thông báo về điều này".

Cùng chung quan điểm, chị Hoàng Vy đang làm tại một công ty về may mặc tại KCN Linh Trung, Q. Thủ Đức chia sẻ: "Đây là lần đầu tôi biết có nghị định này, tuy nhiên tôi không thấy quan tâm về điều này lắm". Chị cho biết, từ trước đến nay, dù vào những ngày "đèn đỏ" chị cũng như bao chị em khác đi làm bình thường. Tuy nhiên, chị nhấn mạnh, với những người làm công chức nhẹ nhàng như chị, nghị định này dường như không cần thiết, "tôi nghĩ điều này sẽ tốt hơn cho những lao động nữ hoạt động chân tay nhiều hơn. Chứ làm văn phòng cũng không có ảnh hưởng gì nhiều tới công việc cũng như cuộc sống".

Bên cạnh nhiều người chưa biết về quy định này thì đa phần ý kiến được hỏi đều băn khoăn nhất là "làm sao để hưởng quyền lợi đó, cụ thể là làm sao thông báo là mình đang bị đèn đỏ vì đó là vấn đề tế nhị?"

Chị Hà N.T - nhân viên công ty xây dựng tại Q. Cầu Giấy, Hà Nội, chị cho biết, trong những ngày đèn đỏ, chị thường cảm thấy mệt hơn, và đây cũng là lần đầu tiên chị nghe thấy một nghị định dành cho chị em phụ nữ. Chị rất tán thành tuy nhiên: "Tôi sẽ không biết phải làm gì để thông báo với lãnh đạo của mình rằng 'đã đến ngày tôi cần được nghỉ ngơi thêm 30 phút'. Thực sự vấn đề này thật nhạy cảm để báo cáo với lãnh đạo là nam giới".

Với chị Huyền N. M - một nữ kế toán làm ở một công ty điện máy trên đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội cho rằng: "Nghị định này tôi cũng lần đầu được nghe đến, theo tôi được biết không chỉ công ty tôi mà công ty bạn bè cũng không ai biết, để ý, quan tâm mà thực hiện. Ngày đèn đỏ cũng khiến tôi mệt hơn ngày bình thường, dù vậy chuyện này khá nhạy cảm, cho nên chỉ có chị em nhân viên thân thiết tâm sự với nhau chứ ai lại đi đòi 'sếp ơi cho em nghỉ thêm giờ vì ngày 'đèn đỏ'?

Trước nghị định mới, có rất nhiều người hoài nghi bởi nó khá nhạy cảm "khó để thực hiện", nhưng người lao động nào cũng mong có thêm thời gian để nghỉ ngơi, chị Linh Đan (nhân viên một công ty gia dụng ở Q. Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: "Cái khó nhất là thông báo với sếp về ngày cần nghỉ ngơi thêm 30 phút vì đa phần phụ nữ rất ngại nói chuyện đó. Tuy nhiên, tôi nghĩ, để đảm bảo quyền lợi của mình, chị em nên cởi mở chuyện này vì đó là vấn đề sinh lí bình thường. Việc còn lại là mong những người sử dụng lao động hiểu đó là trách nhiệm, sự sẻ chia với nhân viên công ty mình thì chị em chúng tôi mới thoải mái được".

Theo Afamily/ Trí thức trẻ