Ông Đạo như thành một người khác sau khi sống lại trong đám tang của mình
Sống lại giữa đám tang
Người chết đi sống lại ấy tên đầy đủ là Nguyễn Văn Đạo, còn cô vợ có cái tên rất đẹp Nguyễn Bạch Tuyết, cả hai đều đang trong cái hạn tuổi 53 (ngụ xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang)
Theo bà Tuyết, chuyện về ông Đạo người dân nơi đây ai ai cũng biết, họ phong cho ông cái biệt danh này chính bởi vì sự bất thường sau lần chết hụt cách đây không lâu.
Nhớ lại thời khắc kinh hoàng ấy, bà Tuyết nắm chặt tay chồng, đưa tầm mắt xuôi theo dòng kí ức. “Đó là vào trưa ngày mùng 4 tết, chồng tôi đi chăm bà chị bị ốm trên thành phố Tân An, tỉnh Long An. Trong khi đang giặt đồ trong nhà tắm, ông Đạo trượt chân té ngã. Ngau sau đó, ông gượng dậy thì lại khụy xuống một lần nữa, đầu đập xuống nền gạch kêu thành tiếng lớn.
Chị ông lúc này nghe thấy liền vào kiểm tra thì bắt gặp ông Đạo chảy nhiều máu trên đầu, miệng có biểu hiện trào bọt mép. Ngay lập tức, ông Đạo được đưa đến bệnh viện Đa khoa Long An. Lúc này, ông đã hôn mê sâu, người tím tái. Tuy đã được các bác sĩ nhiệt tình cứu chữa, nhưng nhận thấy bệnh nhân ngày càng yếu dần, không còn khả năng sống sót, ông Đạo lúc này cầm chắc “giấy báo tử” trong tay, nên được về nhà gặp mặt người thân lần cuối.
Tuy vậy, chưa kịp về tới nhà, ông Đạo đã “chết” dọc đường đi. Rớm nước mắt, bà Tuyết tâm sự: “Hôm đó là sáng ngày mùng 6 tết (24/2/2015), trên đường về tôi sờ vào người ông ấy thì toàn thân đã lạnh ngắt, tim ngưng đập, dù có gọi thế nào cũng không có phản ứng. Quá đau buồn, tôi đã điện về thông báo gia đình, chuẩn bị lo tang lễ.
Vừa về tới nhà, lúc này đã có rất đông bà con tụ tập. “Thi thể” ông Đạo được đặt ngay ngắn trên chiếc dường ngay chính giữa căn nhà. Trong tiếng khóc thương, khói hương nghi ngút, mỗi người một tay chuẩn bị các thủ tục cần thiết giúp ông Đạo “lên đường thanh thản”.
Ngôi nhà của vợ chồng ông Đạo
Bà Tuyết lúc này dù đau buồn, nhưng do cái chết của chồng quá bất ngờ nên buộc phải chạy đôn chạy đáo vay tiền lo đám tang. Cỗ quan tài lạnh ngắt được kêu từ xã bên cũng được chở đến ngay tức thì, đặt ngay ngắn cạnh ông Đạo.
Mọi thủ tục gần như đã xong xuôi, người đến nói lời từ biệt cũng vãn dần, bà Tuyết mệt mỏ ngồi gục khóc ngoài sân. Trong nhà lúc này chỉ còn vài ba người nán lại an ủi hai cô con gái đáng thương của gia đình. Bỗng từ đâu, một tiếng la thất thanh vang lên khiến mọi người xa gần ùn ùn kéo đến một lần nữa: “Ông Đạo sống lại rồi bà con ơi”.
“Tôi đang ngoài sân, nghe thấy tiếng người đàn ông kêu chồng mình tỉnh lại mà người run lẩy bẩy, muốn chạy vào nhà mà không sao đứng dậy nổi. Mãi lúc sau, khi nghe tiếng cười nói, vỗ tay, cháu lớn chạy ra đỡ tôi lên, vào nhìn ông ấy mình mới tin đó là sự thật” – bà Tuyết vui vẻ cho hay.
Chiếc giường nơi ông Đạo nằm lúc này đông nghẹt người vây kín xung quanh, cỗ quan tài ngay lập tức được vài thanh niên bê ra bỏ góc vườn. Ông Đạo mắt lờ đờ đảo quanh khắp nhà, ngơ ngác nhìn mọi người như chưa hề hiểu chuyện. Bà Tuyết cùng người thân cũng tròn mắt nhìn ông.
Đáng sợ hơn, trong lúc yếu ớt nửa mê nửa tình, miệng ông Đạo còn liên tục phát ra những ngôn từ kì lạ, không ai hiểu kẻ vừa mới “chết hụt” đang muốn truyền tải thông điệp gì?. Thế là không ai bảo ai, cư dân ấp Mỹ lại nhốn nháo khăn gói đưa ông lên Bệnh viện Quân y 120 Tiền Giang cấp cứu cho “người chết”.
Hơn 10 ngày nằm giường bệnh, ông Đạo đã được xuất viện với tình trạng hoàn toàn tỉnh táo, không còn biểu hiện mệt mỏi hay đau đầu.
Biến thành trẻ con ở tuổi ngũ tuần
Từ ngày ra viện, tuy may mắn thoát chết nhưng sức khỏe ông Đạo suy giảm hẳn. Không những thế, ông lại mắc một căn bệnh rất lạ mà theo bà Tuyết, ông trông chẳng khác gì một đứa trẻ lên ba.
Bà Tuyết chăm sóc chồng mình
“Ông ấy kì cục lắm. Với con người, những hàng xóm, người thân thích thì ai chồng tôi cũng nhớ cả. Nhưng riêng với sự việc, sự vật thì chỉ ngoảnh đi ngoảnh lại trước sau, ấy là lại quên mất. Sức khỏe cũng yếu đi trông thấy, những công việc trước đây hay làm giờ tôi không yên tâm để ông Đạo tiếp tục, kinh tế cũng vì thế mà gặp nhiều khó khăn hơn”.
Quả là kì lạ, giây phút đầu tiên tiếp xúc với “dị nhân”, chúng tôi không thể nào nhận ra sự khác biệt trong con người của người đàn ông này. Ông Đạo ăn mặc gọn gàng, trả lời hết sức rành mạch từng câu hỏi. Kể cả khi, hỏi về lần chết hụt, ông Đạo vẫn gật đầu xác nhận, và còn nói rõ ràng từng nằm viện nào.
Cảm giác khi biết mình tỉnh lại sau cái chết, ông ậm ừ cho hay: “Cái đó khó tả lắm chú ạ. Trong người nó cứ lâng lâng, chân tay nóng ran, đầu óc nhẹ nhàng như vừa mới ngủ dậy vậy.”
Thế nhưng, vừa dứt lời, ông Đạo lại khóc nức nở mà gục đầu vào vợ không khác gì đứa con nhỏ giận dỗi mè nheo. Liền đó, bà Tuyết ra vẻ nghiêm nghị dặn chồng: “Tóc tai dài thế này rồi đây, tí tôi chở đi hớt nghe chưa, mà từ sáng tới giờ chưa ăn gì đâu đó…”.
“Từ ngày ông Đạo sống lại, tôi chuyển qua ăn chay trường và ngày ngày thắp hương, cầu nguyện cho bề trên phù hộ, che chở cho cả gia đình. Tôi cho rằng, nghị lực của người lính, niềm khao khát cuộc sống mãnh liệt đã giúp ông ấy vượt qua ranh giới của sự sống và cái chết. Tình nghĩa vợ chồng là ở lúc này, hoàn cảnh nào cũng phải gắn bó bên nhau.” – bà Tuyết ngâm ngùi cho hay.
Trong suy nghĩ của người vợ, ông Đạo như được tái sinh thành con người khác, Tuy vậy, ông vẫn là chồng, là cha của các con bà. Nỗi đau “mất chồng” đã từng thấm thía, bà vẫn luôn ám ảnh với thời khắc đau đớn ấy. Ông Đạo sống lại, là biết bao hi vọng được mở ra. Bà Tuyết còn động lực để tiếp tục cuộc sống, còn có người bầu bạn mỗi đêm tối nơi miệt vườn hun hút cỏ cây./.
Theo Pháp luật Việt Nam