Lắp barie giữ vỉa hè: Kẻ cười, người khóc-1
Barie trên đường Tôn Đức Thắng (Hà Nội) giúp giao thông nề nếp hơn song cũng từng gây không ít phiền toái. ẢNH: H.P

Hiệu ứng tốt

Theo ghi nhận của chúng tôi những ngày cuối năm 2017, vỉa hè của một số tuyến phố như: Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thái Học, Lê Duẩn, Giải Phóng, Đại Cồ Việt... được Sở GTVT Hà Nội lắp đặt hệ thống rào chắn kiên cố, ngăn không cho các phương tiện tham gia giao thông đi lên vỉa hè. Barie được thiết kế bằng cọc sắt đầu tròn, cao từ 50 - 100cm và được sơn màu đỏ, trắng, vàng giống biển báo đường.

Thực tế, việc lắp barie không chỉ vừa được triển khai mà một số ít tuyến phố đã được Sở GTVT lắp từ nhiều năm trước. Ở những tuyến phố này, tình trạng vỉa hè bị xe máy chiếm dụng để lưu thông đã không còn. Vỉa hè tại những tuyến đường này luôn thông thoáng, giúp người đi bộ lưu thông an toàn.

Vỉa hè đường Tôn Đức Thắng (khu vực cạnh Quốc Tử Giám), do được lắp đặt một hệ thống rào sắt chắc chắn nên giờ cao điểm, dù mật độ phương tiện tại đây từ phía Ô Chợ Dừa và Cát Linh dồn tại ngã tư Tôn Đức Thắng - Nguyễn Thái Học rất đông, đặc biệt vào giờ cao điểm nhưng xe máy không thể leo lên vỉa hè. Barie vỉa hè tại đoạn đường này được thiết kế là những cọc sắt lắp sát mép đường thành từng hàng rào chắn hoặc chôn ngang lối lên ở mỗi đầu vỉa hè, chỉ vừa cho người đi bộ lách qua.

Dọc tuyến phố từ Lê Duẩn đến cổng công viên Thống Nhất (giáp với công viên Thống Nhất) hay đoạn đường từ ngã ba Đại Cồ Việt - Trần Đại Nghĩa đến đường Giải Phóng (trước cổng Parabol trường ĐH Bách khoa) cũng dễ dàng nhận thấy vỉa hè tại đây người đi bộ rất thoải mái, an toàn nhờ hệ thống rào chắn giữ vỉa hè.

Vỉa hè khu vực cạnh bến xe Nước Ngầm cũng được lắp đặt rào chắn kiên cố kéo dài từ cổng số 1 của bến xe (mặt đường Giải Phóng) đến đầu đường Trần Thủ Độ. Vì có hàng rào barie nên không còn tình trạng giao thông lộn xộn như trước bến xe Giáp Bát, bến xe Mỹ Đình. Vỉa hè xung quanh bến xe Nước Ngầm luôn thông thoáng, người đi bộ đi lại dễ dàng, thuận tiện. Thậm chí, ở đây còn có một khu vực trông giữ xe miễn phí phục vụ khách vào bến lấy vé.

Bác Bùi Xuân Hòa ở phố Cát Linh, quận Đống Đa chia sẻ: “Việc lắp Barie ngăn đường ô tô xe máy và người đi bộ là rất cần thiết. Từ ngày có rào chắn barie khu vực Văn Miếu, mọi người đi bộ trên vỉa hè cũng cảm thấy an tâm, không phải lo đang đi lại có chiếc xe máy trèo lên vỉa hè. Khi có Barie, vào giờ cao điểm, người đi bộ vẫn có lối đi. Không như trước đây, khi lòng đường đông phương tiện, nhiều xe máy, thậm chí ô tô còn đi vào vỉa hè, khi đó người đi bộ không còn lối đi”.

Không chỉ bác Hòa mà nhiều người dân ở ngã tư Cát Linh - Tôn Đức Thắng ủng hộ việc các tuyến phố lắp barie như ở phố Tôn Đức Thắng.

“Mình ủng hộ việc này, dù sao làm thế này cũng giúp người dân có ý thức hơn trong việc chấp hành giao thông, thay vì cứ cố bon chen lên vỉa hè làm tắc thêm. Nhưng mà theo mình nghĩ thì nên nghiên cứu để lắp đặt rào chắn ở những địa điểm phù hợp, đồng thời bố trí lối lên xuống sao cho hợp lí ở các tuyến phố giúp người khuyết tật có thể lên xuống và hộ dân kinh doanh vẫn buôn bán được”, bạn Đào Tiến Huy (sinh viên trường ĐH Bách Khoa Hà Nội) bày tỏ.

Nghiên cứu đặc thù tuyến phố

Lắp barie giữ vỉa hè: Kẻ cười, người khóc-2
Đường Tôn Đức Thắng là một trong những tuyến phố dựng hàng rào barie vỉa hè sớm nhất ở Thủ đô.

Không phải toàn bộ những người dân khi chúng tôi hỏi về vấn đề lắp Barie ngăn lòng đường và vỉa hè đều lên tiếng ủng hộ. Không ít người dân cũng bày tỏ sự lo ngại nếu lắp barie trên vỉa hè không giải quyết triệt để vấn đề, lại gây tốn kém kinh phí. Việc lắp barie chỉ ngăn được xe máy lấn lên vỉa hè chứ không ngăn được tình trạng lấn chiếm làm nơi kinh doanh, buôn bán.

Một người dân sinh sống trên phố Đại Cồ Việt chia sẻ: “Nhà tôi cũng như đa số các hộ dân trên phố Đại Cồ Việt đều là cửa hàng. Lắp đặt barie trên vỉa hè sẽ làm ảnh hưởng đến việc buôn bán, do khách không biết gửi xe ở đâu để vào mua sắm”.

Sau gần một năm, Hà Nội đồng loạt ra quân dọn dẹp vỉa hè, tình trạng lấn chiến lại tái diễn, các hình thức kinh doanh bám theo vỉa hè vẫn tiếp tục phát triển vì đó là sinh kế của một bộ phận không nhỏ người dân. Việc lắp barie trên các tuyến phố buôn bán sầm uất sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc kinh doanh của người dân. Việc này làm làm nảy sinh tâm lý chống đối, thậm chí có thể tự phá dỡ barie mà cơ quan chức năng khó lòng quản lý, kiểm soát hết được.

Không ít vỉa hè được lắp barie bảo vệ lại bị phá hoại. Cụ thể như tại vị trí từ số 87 đến số 115 đường Đại Cồ Việt, lâu nay, những rào chắn sắt lắp trước đó, chỗ thì bị tháo thanh chắn ngang, nơi barie lại bị cong queo, xô lệch, mà theo một người dân sống tại số nhà 71 trên đường này, rào chắn được lắp từ năm 2012, nhưng do vướng các hộ kinh doanh nên không được lắp liền mạch.

Bên cạnh đó qua thị sát thực tế cho thấy, việc lắp đặt barie ngăn xe máy di chuyển trên vỉa hè cũng có bất cập. Một trong những bất cập lớn nhất là việc bảo đảm nhu cầu đi lại của người khuyết tật. Bởi, để ngăn chặn các phương tiện đi lên vỉa hè, tại đầu các ngõ, lực lượng chức năng đã cắm nhiều cột sắt, mỗi cột cách nhau khoảng 30cm để chừa lối cho người đi bộ. Với cách bố trí như hiện nay, người khuyết tật, đặc biệt với những người sử dụng xe lăn sẽ không có lối di chuyển lên vỉa hè.

Không phải vỉa hè nào cũng lắp barie

TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông cho hay: “Việc lắp barie/vỉa hè là cần thiết để ngăn xe máy và bảo vệ người đi bộ. Song, thành phố cũng cần nghiên cứu kỹ, không phải vỉa hè nào cũng có thể triển khai. Có nhiều vỉa hè đang được Hà Nội quy hoạch làm bãi gửi xe, thêm thanh chắn vào, diện tích thu hẹp càng thêm bí”.

Theo Gia Đình & Xã Hội