Lật tẩy các 'chiêu' lừa đảo mua bán online trên Facebook

Vô tư cung cấp thông tin cá nhân qua Facebook, không ít khách hàng đã trở thành nạn nhân từ chiêu lừa đảo của những kẻ làm ăn thiếu chân chính.

Không đặt bỗng dưng “phải” nhận hàng

Chủ tài khoản Facebook K.O chia sẻ câu chuyện chị không đặt hàng nhưng bỗng dưng phải nhận hàng từ một cửa hàng lạ hoắc. Theo đó, chị K.O nhận được điện thoại giao hàng từ một bạn shipper. Không nhớ rõ về việc mình hay người thân trong gia đình có đặt hàng hay không nên chị K.O vẫn nhận hàng và trả với số tiền 300.000 đồng. Tuy nhiên, khi mở hàng ra chị mới phát hiện sản phẩm đó mình không hề đặt.

Lật tẩy các chiêu lừa đảo mua bán online trên Facebook-1
Câu chuyện của chị K.O nhận phải sản phẩm bất đắc dĩ vì thói quen cung cấp thông tin cá nhân trên Facebook. Ảnh: TG

“Mở hàng ra tôi nhận phải một bộ quần áo ngủ không thể nào dùng nổi. Tôi có hỏi lại những người trong gia đình thì không có ai đặt cả. Tôi có gọi điện lại cho bạn ship yêu cầu trả lại hàng nhưng số điện thoại không liên lạc được. Lúc này, tôi mới nhận ra mình đã bị lừa”, chị K.O bức xúc.

Theo chị K.O nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có thể là do trước đó chị hay cung cấp thông tin cá nhân để đặt hàng qua Facebook, các đối tượng xấu đã ăn cắp thông tin cá nhân, chuyển hàng để thu lợi bất chính. Bức xúc trước sự việc trên, chị K.O đã chia sẻ câu chuyện của mình lên trên mạng xã hội Facebook thì nhận được nhiều câu chuyện tương tự.

Facebook L.T cũng chia sẻ: “Tôi cũng gặp phải trường hợp tương tự. Tôi rất hay đặt hàng qua Facebook, cứ thỉnh thoảng vài hôm lại có ship giao hàng tới nên tôi cứ trả tiền rồi nhận hàng mà cũng không kiểm tra. Có lần khi mở hộp ra thì tôi nhận được sản phẩm không phải của mình đặt. Trên sản phẩm cũng không hề có thông tin liên hệ của chủ shop, tôi gọi điện cho ship cũng không được. Sau lần đó, tôi rút kinh nghiệm, yêu cầu ship cho kiểm tra hàng trước khi nhận và xem rõ địa chỉ cửa hàng gửi có đúng nơi mình đã đặt hay không”, chị T cho hay.

Hay như trường hợp của bạn Thu Huyền nhận phải một sản phẩm mẫu mã giống nhưng chất lượng không giống như mặt hàng chị đã đặt. Theo đó, chị Huyền có đặt một mẫu váy của một cửa hàng trên Hàng Nón (Hà Nội ). Ngay ngày hôm sau, chị Huyền đã nhận được sản phẩm tuy nhiên khi mở sản phẩm ra, chị Huyền nhận được một bộ váy với mẫu mã giống sản phẩm chị đã đặt nhưng chất lượng vải rất tệ.

Chị Huyền có liên hệ lại với cửa hàng nơi chị đã đặt thì được biết họ còn chưa kịp gửi sản phẩm cho chị. Lúc này, chị Huyền cũng như chủ cửa hàng mới biết mình đã bị mắc “chiêu bẩn” cướp khách của một số đối tượng xấu.

Nhiều người cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do khách hàng cung cấp thông tin cá nhân công khai trên Facebook. Nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng ăn cắp thông tin để cướp khách hay giao hàng không đúng.

Hạn chế cung cấp thông tin cá nhân nơi công cộng

Việc mua sắm online ngày càng trở nên phổ biến bởi tính tiện dụng. Người mua chỉ cần xem thông tin giới thiệu sản phẩm rồi comment xác nhận trên Facebook hoặc Fanpage của người bán là một giao dịch có thể được tiến hành.

Tuy nhiên, việc cung cấp thông tin cá nhân giữa kẻ mua người bán quá giản đơn, ở nơi công cộng mà ai cũng có thể đọc được như vậy khiến nhiều đối tượng xấu, những người bán hàng không chân chính lợi dụng kẽ hở để cạnh tranh không lành mạnh hòng thu lợi bất chính, hay nặng hơn là lừa đảo những người thật thà, nhẹ dạ.

Trước đó, trên mạng xã hội cũng chia sẻ câu chuyện của một cặp vợ chồng bị lừa 10 triệu đồng do người vợ... tag tên chồng vào bức ảnh một chiếc túi xách đẹp có giá 40 triệu đồng ở một shop bán túi có tiếng. Những kẻ lừa đảo đã lập Facebook giả mạo y hệt Facebook người vợ, tìm hiểu cẩn thận cách nói chuyện của hai vợ chồng, rồi nhắn tin yêu cầu người chồng chuyển khoản tiền để đặt hàng. Chỉ đến cuối ngày, hai vợ chồng mới nhận ra họ bị lừa.

Hiện nay, mạng xã hội Facebook đang trở thành một trào lưu được rất nhiều người tham gia sử dụng, chính vì vậy mạng xã hội này cũng trở thành môi trường thuận lợi để các đối tượng lừa đảo tung ra các chiêu trò nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các thành viên. Không chỉ người mua mà ngay cả những người bán cũng trở thành nạn nhân của những đối tượng xấu.

Chị Lê Hồng Thúy – chủ một cửa hàng quần áo thời trang trên đường Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết cửa hàng chị cũng đã gặp phải những “chiêu bẩn” từ những đối tượng kinh doanh thiếu chân chính.

“Khách hàng của tôi có bình luận trên trang Fanpage của cửa hàng để đặt mua những sản phẩm họ ưng ý. Nhưng sau đó, lại có một tài khoản Facebook khác mời chào họ mua sản phẩm với mức giá rẻ hơn. Đây là chiêu kinh doanh thiếu lành mạnh”, chị Thúy bức xúc.

Cung cấp thông tin cá nhân qua Facebook còn khiến nhiều khách hàng bị phiền nhiễu từ các dịch vụ bán nhà, bán bảo hiểm, của những lời mời chào mua hàng... không mong muốn.

Mua bán online trên Facebook nói riêng và mạng xã hội nói chung luôn có bẫy rình rập do tính mở của nó. Để thông tin cá nhân không bị kẻ khác trục lợi, mọi người cần hết sức cảnh giác, không nên cung cấp thông tin tràn lan trên mạng xã hội. Các cửa hàng online cũng nên thiết lập các biện pháp bảo mật thông tin khách hàng để đảm bảo quyền riêng tư cho khách hàng cũng như bảo vệ quyền lợi cho chính bản thân mình.

Theo Gia Đình & Xã Hội


Facebook lừa đảo

Tin tức mới nhất