Khi viết về băng đảng Latin Kings (Những ông vua gốc Latin), tờ báo hàng đầu nước Mỹ New York Times cho rằng đó là một trong những băng đảng nguy hiểm, khét tiếng và bạo lực nhất ở xứ cờ hoa.
Latin Kings được thành lập vào những năm 1950, khi làn sóng di cư từ khắp thế giới tới Mỹ bùng nổ. Người dân gốc Puerto Rico sống co cụm, lập nhóm Latin Kings để tự bảo vệ mình khỏi bạo lực và nạn phân biệt chủng tộc.
Thành viên Latin Kings thường mặc trang phục đen và vàng. Ảnh: Documantaries Board.
Bản quy tắc nghiêm ngặt của Latin Kings
Đến cuối những năm 1960, băng nhóm này bắt đầu hoạt động quy củ hơn khi bầu ra thủ lĩnh dẫn dắt và xây dựng lời tuyên thệ. Khoảng năm 1980, Luis Felipe, người được mệnh danh là Blood King, phải ngồi tù vì tội giết người. Song, ông ta vẫn tìm cách gián tiếp điều hành băng đảng sau song sắt nhà tù.
Felipe “tẩy não” những phạm nhân gốc Latin trẻ tuổi và thậm chí còn đưa ra bản quy tắc nghiêm ngặt buộc các thành viên Latin Kings phải tuân theo.
Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định Latin Kings là tổ chức tội phạm nguy hiểm, với hơn 35.000 thành viên hoạt động rộng khắp 34 tiểu bang. Các thành viên thường mặc trang phục màu đen hoặc vàng. Mỗi khi gặp gỡ, chúng thường chào nhau bằng cách nắm tay để lên ngực trái, với ý nghĩa “Nguyện sống chết vì anh em”.
Một đặc điểm nhận dạng riêng khác là thành viên Latin Kings thường xăm mình vương miện 5 chóp trên khuôn mặt hoặc cơ thể.
Theo báo cáo của giới chức Mỹ, không chỉ chiêu mộ những người Puerto Rico, hiện Latin Kings có sự tham gia đông đảo của những người gốc Mexico, Nam Mỹ, Trung Đông, Nam Á và Tây Ban Nha. Những người tị nạn tới Mỹ mang theo giấc mơ đổi đời hay tìm kiếm sự tự do. Khi được chiêu mộ, “tân binh” phải nộp phí gia nhập, học thuộc lòng bản tuyên thệ và phục tùng mệnh lệnh của thủ lĩnh.
Hình xăm vương miện 5 chóp - biểu tượng của Latin Kings. Ảnh: Chicago Tribune.
Nếu bất tín hoặc bất kính với ông trùm, thành viên Latin Kings sẽ phải chịu những hình phạt dã man như đánh đập tới chết. Latin Kings thường dính líu tới những vụ giết người ở Mỹ, cuộc mâu thuẫn chém giết lẫn nhau giữa các băng đảng hay những vụ bạo loạn ở Nam Phi. Orlando Sentinel cho rằng trong suốt 5 thập kỷ, băng nhóm này nhiều lần liều lĩnh đối đầu với nhà chức trách, che dấu danh tính và mục đích hoạt động thực sự.
Latin Kings bắt đầu hoạt động mạnh mẽ ở Central Florida vào giữa những năm 1990. “Đó là thời điểm các băng đảng, thế giới ngầm bùng nổ ở Mỹ”, George W.Knox, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm Quốc gia nói và cho biết chúng làm đủ mọi cách để thu hút sự chú ý bằng bạo lực thuần túy.
Khi ấy, chân rết của chúng lan rộng khắp 50 tiểu bang ở nước Mỹ, thậm chí cả ở quốc gia khác như Mexico. Năm 1991, Latin Kings cho phép thành viên của chúng giết người vô tội vạ, bất kỳ ai cản trở sự phát triển của băng đảng. Điều này được cho là động thái nhằm tuyên chiến với các đối thủ, phô trương sức mạnh của Latin Kings.
"Tàn dư" của Latin Kings
Latin Kings bắt đầu suy yếu kể từ cuộc bố ráp của nhà chức trách địa phương và liên bang vào năm 1998. Hơn 100 thành viên và các cộng sự của chúng lao đao như "rắn mất đầu". Tuy nhiên, "tàn dư" của Latin Kings được tin rằng vẫn còn sót lại cho đến giờ.
Theo Cơ quan Cải huấn Mỹ, Latin Kings hiện có khoảng 1.000 thành viên bị giam giữ trong nhà tù ở Florida. Trong khi đó, con số này với các băng đảng khác thấp hơn nhiều Bloods với 700 tên, Gangster Disciples với 600 tên.
Dù suy yếu, song Latin Kings vẫn hoạt động rải rác khắp nước Mỹ. Ảnh: NY Daily.
Latin Kings hiện có khoảng 900 thành viên vẫn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, trong đó có khoảng 500 tên hoạt động ở Florida. Trong năm 2013, Cơ quan Cải huấn Mỹ thông báo rằng 8.289 người trong số 100.884 phạm nhân của được xác định là thành viên của Latin Kings.
Cựu Tổng chưởng lý Bill McCollum nhấn mạnh đã đến lúc cảnh sát nên sát sao mọi động thái của các băng đảng.
"Nếu thấy một nhóm người, không phải dân bản xứ, xuất hiện trong khu mình sống, mọi người cần được biết điều này. Bởi có thể chúng đang nghe ngóng tình hình để chiêu mộ các thành viên mới là trẻ nhỏ, thanh thiếu niên”, vị này nói thêm
Những nỗ lực của nhà chức trách như muối bỏ biển. Năm 2010, khoảng 20 băng đảng cùng 400 thành viên hoạt động ở hạt Osceola, song đến năm 2017, đã có tận 85 băng đảng với 1.189 thành viên.
Văn phòng cảnh sát quận Cam, bang Florida điều hành một đơn bị kiểm soát băng đảng lớn nhất vùng. Các nhiệm vụ của đơn vị bao gồm điều tra tội phạm băng đảng xã hội đen, trừ những vụ giết người và tấn công tình dục, xác định các thành viên băng đảng mới và bảo đảm an toàn các nạn nhân hoặc nhân chứng của vụ án.
"Ở quận Cam, các băng đảng đều nằm trong lòng bàn tay của chúng tôi ", trung tá Carlos Espinosa khẳng định.
Đơn vị này hiện giám sát 1.200 thành viên của 72 băng nhóm đường phố, trong đó có 143 thành viên và cộng sự của Latin Kings. Tuy nhiên, số lượng thành viên băng đảng không đồng nghĩa hoạt động của chúng giảm đi hay bớt nguy hiểm.
Theo Zing