Charles III trở thành tân vương nước Anh sau khi Nữ vương Elizabeth Đệ nhị (tại Việt Nam gọi là Nữ hoàng) qua đời hồi tháng 9/2022. Dù trên danh nghĩa, Charles đã là vua, nhưng phải đến ngày 6/5, lễ đăng cơ được tổ chức long trọng, chính thức công nhận Charles là quốc vương Anh.
Theo Reuters, lễ đăng cơ của Charles mang nhiều ý nghĩa, có một không hai trên thế giới thời hiện đại.
Suốt 1.000 năm qua, Quốc vương và Nữ vương Anh đều đăng cơ tại Tu viện Westminster, London, Anh. Độ long trọng, hoành tráng tùy thuộc vào tình hình lịch sử.
Có 38 vị vua được trao vương miện tại Tu viện. Chỉ có hai người là Edward V (một trong hai hoàng tử trẻ được cho là bị sát hại trong Tháp London hồi thế kỷ 15) và Edward VIII (quốc vương thoái vị để kết hôn với phụ nữ người Mỹ hai đời chồng) là không có lễ đăng cơ.
Sự kiện có một không hai
Theo nhà sử học hoàng gia Alice Hunt, Anh hiện là vương quốc duy nhất còn duy trì lễ đăng cơ trong số những quốc gia theo chế độ quân chủ. Vì vậy, lễ đăng cơ được xem là độc nhất vô nhị thời hiện đại.
"Sự kiện Charles III được tổ chức lễ đăng cơ long trọng chỉ có ở Anh và độc nhất của nền quân chủ hiện đại", Alice Hunt nói.
Lễ đăng cơ của Charles III được tổ chức tại Tu viện Westminster.
Thống chế Anh - quan chức cấp cao nhất của Anh, chức vụ phụ trách sự kiện cấp nhà nước - đảm nhận khâu tổ chức. Nhiều thế kỷ qua, Công tước xứ Norfolk và gia đình Howard đảm nhận vai trò này.
Hiện, chức vụ Thống chế Anh do Edward Fitzalan-Howard, Công tước xứ Norfolk, đảm nhận. Ông cũng là người tổ chức tang lễ cho Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị.
Trong lịch sử, lễ đăng cơ là nghi thức đánh dấu quyền lực người đứng đầu đất nước, cụ thể ở đây là Vương quốc Anh. Hiện, sự kiện chỉ mang tính nghi lễ.
Ở Anh, lễ đăng quang vẫn được xem là nghi lễ hợp thức hóa vị thế của nhà vua. Đây cũng được xem là khoảnh khắc tự hào của Anh và công chúng.
Reuters thông tin lễ đăng cơ là sự kiện văn hóa, tôn giáo quan trọng với nhiều nghi thức. Charles tuyên thệ giữ gìn, bảo vệ luật pháp, Giáo hội Anh sau khi đăng cơ.
Trên ghế đăng quang lịch sử (hay còn được gọi là ghế của Vua Edward), tiếp nhận Hòn đá Định mệnh, Charles được Tổng giám mục Canterbury - người đứng đầu Giáo hội Anh - công nhận ngôi vua, thoa dầu thánh được ban phức ở đất Thánh Jerusalem.
Đây là nghi lễ quan trọng của buổi lễ, thể hiện sự đồng tình của Chúa với tân vương.
"Trong nghi lễ mang tính tôn giáo, chúng ta thường bỏ qua những đoạn giới thiệu. Nhưng nếu tập trung vào lúc Charles được xức dầu thánh, phong ngôi vua, bạn sẽ thấy đó là điều độc đáo kéo dài cả nghìn năm qua", Hunt nói.
Ngoài ra, Vua Charles còn được trao cầu vàng, vương trượng, gươm và nhẫn được đang trí công phu, lộng lẫy. Đây là những vật phẩm thuộc Bộ Trang sức Hoàng gia thể hiện quyền lực, trách nhiệm của người đứng đầu nền quân chủ Anh.
Tổng giám mục sau đó đội vương miện Thánh Edward cho Vua Charles. Đây là vương miện được dùng trong các buổi lễ quan trọng nhiều năm qua. Vợ ông - bà Camilla - trải qua nghi lễ nhỏ hơn và chính thức lên ngôi vương nữ.
Vua Charles sau đó đội Vương miện Nhà nước Hoàng gia để thực hiện loạt nghi lễ khác.
Theo Tiền Phong