Songkran: Lễ hội truyền thống của Thái Lan
Songkran xuất phát từ tiếng Phạn "sankranti", tạm dịch là "sự chuyển đổi thiên văn". Năm nay lễ hội Phật giáo này được tổ chức từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 4, đánh dấu năm mới của Thái Lan.
Đó là thời gian để tẩy rửa bản thân, làm công đức và làm mát cơ thể trong cái nóng như thiêu như đốt. Đây cũng là cơ hội để các gia đình quây quần bên nhau và thưởng thức những bữa ăn đặc biệt.
Để chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ, người Thái Lan dọn dẹp, trang trí nhà cửa và nơi công cộng, bao gồm cả văn phòng và trường học; công viên và vỉa hè cũng được trang hoàng đẹp mắt. Mọi người dậy sớm và đến viếng chùa để cầu nguyện và dâng thức ăn, y phục cũng như cúng dường cho các nhà sư.
Tại nhà, con cháu trong gia đình vẩy nước hoa hồng và hoa nhài lên tay và chân người lớn tuổi như một hành động thể hiện lòng biết ơn và kính trọng. Songkran cũng là thời gian để tỏ lòng tôn kính với tổ tiên.
Té nước tượng trưng cho việc gột rửa tội lỗi và xui xẻo là hoạt động xuyên suốt lễ hội Songkran. Ngày cuối cùng của lễ hội được gọi là Wan Payawan, hay ngày Tắm Phật.
Người đi chùa vẩy nước vào lưng các nhà sư để thể hiện sự tôn kính, sau đó nhận lời cầu chúc từ sư trụ trì. Mọi người cũng vẩy nước lên các tượng để rửa sạch những điều xui xẻo tích tụ trong năm trước.
Té nước là một hoạt động truyền thống trong lễ hội Songkran của Thái Lan, dùng để thể hiện lòng biết ơn và rửa sạch tội lỗi. Ảnh: Shutterstock
Người dân Thái Lan đổ nước lên tượng Phật trong dịp lễ Songkran để gột rửa những điều xui xẻo tích tụ trong năm trước. Ảnh: AFP
Té nước: hoạt động được nhiều yêu thích
Theo truyền thống, nước được vẩy lên gia đình và bạn bè để tượng trưng cho quá trình tẩy rửa. Điều này đã phát triển thành hoạt động té nước nổi tiếng của Thái Lan.
Mọi người té nước lên nhau bằng xô, súng phun nước, bóng... càng được té nhiều nước càng may mắn. Sau ba năm gián đoạn vì đại dịch Covid-19, hoạt động này sẽ quay trở lại vào năm 2023.
Té nước là một sự kiện toàn quốc, nhưng bầu không khí đặc biệt sôi động ở Bangkok. Vào năm 2011, Kỷ lục Guinness Thế giới về "cuộc chiến súng nước" lớn nhất thế giới đã bị phá vỡ với 3.477 người bắn nước vào nhau trong 10 phút.
Ở Chiang Mai, miền bắc Thái Lan, các DJ và ban nhạc chơi nhạc để góp phần làm tăng thêm không khí sôi động của lễ hội. Được bao quanh bởi các con kênh, khu vực này có nguồn nước dồi dào cho người tham gia té nước, một điều làm tăng thêm niềm vui và sự thích thú cho sự kiện.
Người Thái tham gia cuộc chiến té nước trong dịp Songkran. Ảnh: AFP
Voi tham gia lễ hội Songkran, phun nước từ vòi của chúng. Ảnh: EPA-EFE
Theo khảo sát do Tổng cục Du lịch Thái Lan thực hiện, té nước là hoạt động được du khách nước ngoài yêu thích nhất trong dịp lễ hội Songkran năm 2019, với 87,1% người được hỏi cho biết đã tham gia té nước.
Sự phổ biến của cuộc chiến súng nước trong lễ hội cũng dẫn đến việc sản xuất, bán súng nước và các hàng hóa liên quan khác. Năm 2019, người ta ước tính rằng việc bán súng nước ở Thái Lan trong thời gian diễn ra lễ hội Songkran đã thu về hơn 500 triệu baht (tương đương 15,7 triệu USD).
Những quan ngại quanh lễ hội Songkran
Songkran cũng là thời điểm để bạn bè gặp nhau uống một hoặc hai cốc bia xã giao. Tuy nhiên, việc uống quá nhiều bia rượu từ lâu đã là thách thức lớn nhất mà cảnh sát phải đối mặt trong kỳ nghỉ lễ. Bất chấp vô số chiến dịch an toàn, tai nạn đường bộ vẫn tăng cao trong "bảy ngày nguy hiểm" hàng năm.
Năm ngoái, 278 người chết và 1.869 người bị thương trong các vụ va chạm giao thông trong khoảng thời gian từ ngày 11 đến ngày 16 tháng 4. Lái xe trong tình trạng say xỉn góp phần gây ra hơn 60% số thương vong được báo cáo, với phần lớn các vụ va chạm là xe máy và xe bán tải.
Đối với nhiều người Thái, đặc biệt là các thế hệ lớn tuổi, ý nghĩa ban đầu của Songkran đang dần mất đi và lễ hội cũng đang bị thương mại hóa. Việc vẩy nước vào các nhà sư, bạn bè và gia đình một cách tôn kính đã bị thay thế bằng những cuộc chiến được quảng bá là điên cuồng nhất thế giới.
Mỗi năm, các khẩu súng nước càng trở nên lớn hơn và các vòi phun nước càng nguy hiểm hơn. Việc bắn nước mạnh vào những người đi xe máy say rượu có thể dẫn đến tai nạn giao thông.
Trong một cuộc thăm dò do Tổ chức Phong trào Tiến bộ Phụ nữ và Nam giới của Thái Lan tiến hành, một nửa số phụ nữ và trẻ em gái được khảo sát phàn nàn rằng họ bị sờ soạng hoặc quấy rối tình dục trong các lễ hội té nước dịp năm mới của Thái Lan.
Việc tăng cường sự hiện diện của cảnh sát, cung cấp khu vực an toàn được chỉ định và khuyến khích nạn nhân báo cáo các vụ việc không làm thay đổi được hành vi không đúng mực này.
Du khách nước ngoài và người Thái tham gia cuộc chiến té nước để chào mừng Songkran trên đường Khaosan ở Bangkok. Ảnh: AFP
Phụ nữ trang bị súng nước trong lễ Songkran. Nhiều phụ nữ phàn nàn về việc bị quấy rối tình dục trong lễ hội. Ảnh: Reuters
Các cuộc chiến nước trong lễ hội Songkran có thể dẫn đến các vấn đề về dạ dày, cảm lạnh và thậm chí là viêm phổi. Ảnh: Shutterstock
Té nước trong lễ hội Songkran cũng có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe với nguy cơ nhiễm trùng và bệnh tật khi nước ở các kênh của Chiang Mai có chất lượng không đảm bảo. Khách du lịch thường bị đau bụng sau Songkran vì các xô nước và súng nước được lấy từ các nguồn chưa được lọc bụi bẩn.
Ngoài ra, nhiệt độ cơ thể thường xuyên thay đổi do hoạt động quá sức vào thời điểm nóng nhất trong năm, cũng như bị té nhiều nước, dẫn đến dịch bệnh cảm lạnh và cúm vào tháng Tư. Và mặc dù được bọc trong túi zip, nhưng các thiết bị điện tử như điện thoại di động vẫn có thể bị ướt.
Mặc dù là một lễ hội truyền thống của Thái Lan, nhưng Songkran đã bị thương mại hóa mạnh mẽ và tập trung cho thu hút du lịch. Lễ hội cũng liên quan đến việc tiêu thụ nước quá mức. Khách du lịch được khuyến khích tham gia vào các cuộc chiến té nước, trong khi người dân địa phương được yêu cầu hạn chế sử dụng nước.
Trong đợt hạn hán nghiêm trọng năm 2016, nông dân chứ không phải những người vui chơi được lệnh cắt giảm việc sử dụng nước và phải phụ thuộc vào lượng nước máy ở một số khu vực. Điều này cho thấy sự chênh lệch giữa các ưu tiên của ngành du lịch và các ngành khác của nền kinh tế Thái Lan.
Theo Phụ nữ Việt Nam