Những nỗ lực cuối cùng của Tổng thống Donald Trump nhằm đảo ngược kết quả cuộc bầu cử dường như không mang lại hiệu quả.
New York Times nhận định viễn cảnh chiến thắng là quá xa vời đối với nhà lãnh đạo đương nhiệm của Mỹ. Vì để hiện thực hóa được điều đó, các cơ quan lập pháp của tiểu bang do đảng Cộng hòa lãnh đạo phải chọn ra đại cử tri có thể đảo ngược kết quả phiếu bầu phổ thông như hiện nay.
Liệu kịch bản này có khả năng xảy ra hay không?
Phiên họp trực tuyến của Thượng viện bang Pennsylvania hồi tháng 3. Ảnh: New York Times.
Luật pháp Mỹ quy định như thế nào về lựa chọn đại cử tri?
Các chuyên gia về luật bầu cử tỏ ra hoài nghi. Trong khi đó, tại các bang chiến địa như Pennsylvania, Michigan, Arizona và Georgia, các nhà lãnh đạo cơ quan lập pháp cho rằng bản thân họ không có vai trò gì trong việc lựa chọn đại cử tri.
Tuy nhiên, điều này không ngăn được những người ủng hộ Tổng thống Trump, bao gồm cả các quan chức cấp cao như Thống đốc bang Florida Ron DeSantis, đưa ra đề xuất có lợi cho nhà lãnh đạo Mỹ. Nhóm ủng hộ này cho rằng các cơ quan lập pháp của tiểu bang do đảng Cộng hòa lãnh đạo nên cân nhắc trao phiếu đại cử tri cho ông Trump.
Theo các chuyên gia, chiến lược này có cơ sở lý thuyết về luật. Nhưng nếu trở thành hiện thực, kịch bản này có thể gây ra làn sóng phẫn nộ trên diện rộng và được coi là ý đồ phá hoại tiến trình dân chủ.
Benjamin Ginsberg, một trong những luật sư về bầu cử hàng đầu của đảng Cộng hòa, gọi chiến lược nói trên là nỗ lực tuyệt vọng mà nhiều nhà lập pháp của đảng này sẽ không chấp nhận.
"Các nhà lập pháp ủng hộ ông Trump nhất cũng sẽ phản đối việc chiếm đoạt phiếu bầu của cử tri, và tôi tin kế hoạch đó cũng sẽ thất bại", ông Ginsberg nói.
Về mặt lý thuyết, hiến pháp Mỹ trao cho các cơ quan lập pháp tiểu bang quyền xác định “cách thức” mà các đại cử tri được bổ nhiệm vào Cử tri đoàn.
Cử tri đoàn bao gồm 538 người trực tiếp bỏ phiếu bầu ra tổng thống. Mỗi tiểu bang chọn cử tri đoàn theo luật riêng. Hầu hết tiểu bang ở Mỹ chọn đại cử tri là người chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu phổ thông trên toàn tiểu bang. Riêng bang Maine và Nebraska phân bổ một số đại cử tri theo khu vực bầu cử.
Kết quả kiểm phiếu bầu phổ thông hiện nay cho thấy ông Joe Biden là người chiến thắng cuộc bầu cử 2020. Ảnh: New York Times.
Đạo luật về đại cử tri quy định thống đốc tiểu bang xác nhận cả kết quả bầu cử và kết quả bầu đại cử tri của bang đó. Nhìn chung, đảng của ứng cử viên tổng thống giành chiến thang ở bang nào sẽ lựa chọn các đại cử tri ở bang đó, và thống đốc bang có nhiệm vụ xác nhận các đại cử tri này.
Đạo luật về đại cử tri cũng quy định trong trường hợp "bầu cử thất bại", tức khi cử tri toàn quốc không chọn ra được tổng thống, các cơ quan lập pháp của bang được trao quyền tham gia và chỉ định đại cử tri.
Tuy nhiên, đạo luật được ban hành từ năm 1876 này không nêu rõ thế nào là một cuộc bầu cử "thất bại". Nhưng luật này có quy định thời hạn để các tiểu bang chứng nhận kết quả cuộc bầu cử.
Đối với cuộc bầu cử năm nay, thời hạn này là ngày 8/12. Quốc hội sẽ không thể phản đối các đại cử tri được chọn trước ngày này.
Nỗ lực phút chót của Tổng thống Trump?
Một loạt các vụ kiện do chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump đệ trình dường như nhằm mục đích làm chậm tiến độ chứng nhận kết quả bầu cử của các bang, từ đó viện cớ để tuyên bố đây là cuộc bầu cử "thất bại".
Đồng thời, các chuyên gia về luật bầu cử cho biết không có vụ kiện nào trong số này đưa ra được bằng chứng về gian lận bầu cử quy mô lớn.
Với việc ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden giành chiến thắng ở Arizona và Georgia, ông được cho bỏ xa đối thủ Trump với 306 phiếu đại cử tri, nhiều hơn 36 phiếu so với mức quy định 270 phiếu cần thiết để đắc cử.
Trả lời New York Times, Bob Bauer, luật sư về bầu cử hàng đầu của đảng Dân chủ và cố vấn cấp cao cho chiến dịch ông Biden, bác bỏ quan điểm về việc các cơ quan lập pháp chọn đại cử tri.
"Khi tất cả đã ngã ngũ, không thể ngăn được quá trình bầu cử đi đến kết luận cuối cùng", ông Bauer nói.
Đội ngũ của ông Trump đang tiến hành cuộc chiến pháp lý phản đối kết quả bầu cử ở một số bang chiến địa. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, kịch bản các cơ quan lập pháp can thiệp để giành lợi thế cho ông Trump bắt đầu thu hút sự quan tâm và ủng hộ từ sau ngày bầu cử 3/11.
Vào ngày 5/11, khi kết quả kiểm phiếu ở bang Pennsylvania cho thấy ông Trump đang dần bị dẫn trước, bình luận viên Sean Hannity của Fox News đề nghị nên bác bỏ kết quả kiểm phiếu ở bang này.
Trả lời ông Hannity, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham từ bang North Carolina, vốn là người ủng hộ trung thành của ông Trump, nói: "Tôi nghĩ mọi thứ nên được xem xét lại".
Dana Nessel, Tổng chưởng lý thuộc đảng Dân chủ của Michigan, từng nhận định rằng các vụ kiện của ông Trump nhằm ngăn chặn hội đồng hạt và tiểu bang xác nhận kết quả cuộc bầu cử, từ đó cơ quan lập pháp có thể chọn ra "một nhóm đại cử tri bất tín" để hỗ trợ ông Trump.
New York Times dẫn nguồn tin từ cơ quan lập pháp bang Michigan cho biết luật tiểu bang không cho phép cơ quan này trực tiếp chọn đại cử tri hoặc trao cho ai khác quyền làm đại cử tri ngoài người chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu phổ thông.
Tại Pennsylvania, các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa tại cơ quan lập pháp của tiểu bang cho biết họ sẽ không có vai trò gì trong việc lựa chọn đại cử tri.
Tại North Carolina, người phát ngôn cho lãnh đạo đảng Cộng hòa ở cơ quan lập pháp cũng đưa ra tuyên bố tương tự.
"Luật tiểu bang vạch ra một quy trình pháp lý trong đó các đảng phái chính trị chỉ định các đại cử tri và thống đốc là người xác nhận. Trong năm nay, chúng tôi dự đoán quy trình đó sẽ được tuân thủ giống như trong quá khứ", người phát ngôn này nói.
Tại Arizona và Georgia, đại diện lãnh đạo của các cơ quan lập pháp tiểu bang cũng trả lời New York Times với quan điểm tương tự.
Trước đó, Thống đốc Georgia Brian Kemp cùng với Phó thống đốc Geoff Duncan và Chủ tịch Hạ viện bang David Ralston đã ra tuyên bố chung. Trong đó, ba quan chức đảng Cộng hòa này từ chối lời kêu gọi tổ chức phiên họp đặc biệt của cơ quan lập pháp về vấn đề bầu cử.
"Trong phiên họp đặc biệt như vậy, bất kỳ thay đổi nào về luật bầu cử của Georgia sẽ không có tác động đến cuộc bầu cử đang diễn ra. Điều này sẽ chỉ dẫn đến các vụ kiện tụng không hồi kết", tuyên bố viết.
Theo Zing