LTS: Trong những ngày cao điểm của dịch bệnh Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh lực lượng quân đội được chi viện để chống dịch, còn có những nhà văn, nhà báo, các văn nghệ sĩ của quân đội.

Những người lính QQĐNDVN cầm bút đã hiện diện giữa tâm dịch để kịp thời ghi lại những thời khắc nóng bỏng của cuộc chiến chống Covid-19.

Xin giới thiệu bút kí "Shipper áo lính" của Thiếu tá Phạm Vân Anh, cán bộ Cục Chính trị, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, phản ánh một phần sứ mệnh vinh quang của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) trong đại dịch.

"Binh pháp" xe thồ chống dịch

Sáng sớm, những hàng cây còn rũ lá trong sương, những con hẻm nhỏ sâu hun hút của đường Vạn Kiếp, Phường 3, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh đã xôn xao ngày mới.

Những chiến sĩ bộ binh thuộc Sư đoàn 5, Quân khu 7 mặt non tơ, da cháy nắng, quân phục nghiêm chỉnh, quân dung tươi tỉnh vừa hí húi đẩy xe đạp thồ để vận chuyển các phần quà gồm lương thực và các nhu yếu phẩm len lỏi qua những cua, những xẹc bé xíu, miệng vừa ti toét hát.

Giọng miền Tây khào khào khiến bài hát chế lời đã dí dóm lại càng thêm buồn cười:

"Tên tôi là Lê Anh Nuôi. Trên vai tôi gánh bao măng tươi. Cà chua, súp lơ, su hào. Vai vác nặng, chân bước ào ào. Vào ngõ nhỏ, hẻm sâu. Đi bất cứ nơi đâu, khi nhân dân còn thiếu đói…" (Ca khúc của Đàm Thanh).

Bạn tôi, nhà văn Nguyễn Hồng Lam khi biết tin bộ đội sẽ đảm nhận nhiệm vụ hỗ trợ cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân thành phố từ giữa tháng 8 đã đưa lên mạng xã hội bức ảnh đội dân công hỏa tuyến "dốc Pha Đin chị gánh, anh thồ" và ví von rất vui rằng, không hiểu ngày thành lập lực lượng "Shipper cách mạng Việt Nam" là ngày nào, năm nào và ai là người ký sắc lệnh thành lập?

Nhưng chắc chắn họ là những Shipper nhiệt tình chu đáo nhất, từ Thanh Hóa lên Điện Biên bằng xe đạp thồ vẫn nhận giao hàng và giao hàng đúng hẹn, không thu một đồng phí ship.

Và chưa đầy hai tuần sau, hình ảnh đội quân xe thồ của mấy mươi năm trước lại hiện diện giữa Thành phố Hồ Chí Minh hoa lệ. Trung sĩ Đoàn Quốc Hà và kíp của mình vừa thoăn thoắt sắp xếp các túi hàng sao cho gọn gàng nhất lên xe vừa giải thích:

"Mỗi kíp xe thồ đều có mã hiệu riêng, được thiết kế tinh gọn, công năng cao, tiết kiệm sức người mà xe vẫn có thể vận hành hiệu quả nên bọn em không quá vất vả. Mỗi chiếc xe thồ gồm 3 chiến sĩ, một người lái, 2 người đẩy có thể chở trung bình từ 80kg đến 100kg, tương đương với sức mang vác của 5 người".

Lịch sử ngàn năm chiến đấu và chiến thắng ngoại xâm của quân đội Việt Nam hẳn sẽ có lần đầu tiên ghi vào chiến lệ cuộc chiến với đại dịch một "binh pháp" mới, một việc làm chưa từng có tiền lệ.

Ấy là bộ đội, công an sẽ "đi chợ hộ" cho 9,4 triệu dân TP HCM với tần suất 1 lần/tuần, và tổ chức phân phối trực tiếp đến từng gia đình. Những người lính được huấn luyện các yếu lĩnh chiến đấu tại các đơn vị chủ lực hành quân cấp tốc về vùng dịch, đảm nhận "sứ mệnh" mới.

Lính chiến trở thành anh nuôi, nhưng chẳng phải nuôi quân mà là nuôi dân, chăm lo bao gạo, mớ rau, ký thịt cho đồng bảo vùng dịch. Không để dân đói lòng, dân thiếu ăn trong những ngày giãn cách.

Lính trẻ QĐNDVN làm nhiệm vụ đặc biệt: Chú bộ đội… I love you!-1
Xe đạp thồ của bộ đội chở lương thực, thực phẩm giúp dân

Có người đặt câu hỏi, việc bộ đội "đi chợ" cho dân có đúng vai trò nhiệm vụ hay không? Có người dựng lên các thuyết âm mưu khác nhau về sự tăng cường mạnh mẽ và quyết liệt của quân đội nhằm hỗ trợ các tỉnh, thành phố phía Nam ứng phó với thảm họa phi truyền thống.

Số khác quả quyết nói bộ đội làm shipper không khả thi bởi bộ đội không biết đường, thậm chí có người dựng chuyện bộ đội nói ngọng, không hiểu phương ngữ và các gọi các loại củ quả, rau trái miền Nam ...

Nói vậy là họ chưa hiểu quân đội và chưa tường tận về chủ trương lần này. Việc đi chợ giúp dân thì đương nhiên là đúng, bởi quân đội ta có ba chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân sản xuất.

Từ cứu người, chữa bệnh, dạy học đến gặt lúa, xây nhà, cứu hộ mưa bão, lũ lụt, bảo vệ an ninh trật tự, đỡ đẻ, nấu ăn… có gì mà người lính chưa làm không làm - đó chính là bản lĩnh và tinh thần của đội quân công tác.

Hơn nữa, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP HCM đã nói rõ, quân đội có 5 nhiệm vụ chính trong thời gian chi viện gồm:

Thứ nhất, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng của Bộ Công an, Quân khu 7, các sở, ngành để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các biện pháp giãn cách xã hội.

Thứ hai: Lực lượng quân đội sẽ phối hợp cùng các đơn vị tham gia chốt chặn kiểm soát dịch, các chốt tuần tra.

Thứ ba: Phối hợp cùng tham gia công tác xét nghiệm, tiêm chủng, sơ cấp cứu

Thứ tư: Tham gia vận chuyển, cung ứng túi an sinh cho người dân

Thứ năm là các nhiệm vụ khác, trong đó có việc đi chợ hộ cho người dân.

"Việc đi chợ hộ chưa từng có trong lịch sử, đây là một giải pháp mới, có thể nói là một bài toán đa biến (có nhiều kết quả). Ví dụ như dọn lên một mâm cơm cho hộ gia đình 4 người, sẽ có người thích, người không thích.

Song TP HCM đã đi chợ hộ giúp 81% hộ dân có yêu cầu. Mong bà con nếu không thể hài lòng hết thì điều chỉnh nhu cầu, thói quen, sở thích trong bối cảnh dịch bệnh này" - ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP HCM cho biết.

Ông Hải cũng đánh giá cao sự vào cuộc trách nhiệm, tận tụy của các đơn vị quân đội trong việc tham gia hỗ trợ địa phương "đi chợ" và đặc biệt là lực lượng chủ lực, nòng cốt trong việc vận chuyển, cấp phát hơn 960.000 túi an sinh gồm một bao gạo, mỳ tôm, dầu ăn, đồ hộp, bánh và sữa … đến nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện suốt thời gian qua.

Lính trẻ QĐNDVN làm nhiệm vụ đặc biệt: Chú bộ đội… I love you!-2
Xe đạp thồ của bộ đội chở lương thực, thực phẩm giúp dân

Sáng sớm đi chợ, tối lo dân đau

Để có thể đảm nhiệm thành công việc vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm, thì trước tiên, các đơn vị quân đội đều chia địa bàn phụ trách cụ thể, chi tiết cho tới từng trung đội, tiểu đội.

Đơn cử như đối với các chiến sĩ ở Lữ đoàn Tăng - thiết giáp, Quân khu 7 được tăng cường cho phường Tân Định, quận 1, ngay ngày đầu đến địa bàn, chỉ huy các mũi đã cử cán bộ, chiến sĩ đi tiền trạm xem nơi đâu có thể dừng đỗ xe cơ giới, nơi đâu dùng mô tô, xe lam, và khu nào phải đi bộ.

Và "hoa tiêu" cho bộ đội chính là các "mõ làng" thời hiện đại - đội ngũ cán bộ tổ dân phố và những chiến sĩ "sao vuông" dân quân tự vệ. Họ là người có vai trò quan trọng để "dòng chảy" lương thực, nhu yếu phẩm được đưa tới các hộ gia đình một cách nhanh chóng, thuận tiện và an toàn nhất.

Cũng đang tất bật trong việc điều hành cán bộ địa phương cùng bộ đội đi trao hàng thiết yếu cho người dân, ông Phạm Đăng Nam - chủ tịch UBND phường phường Võ Thị Sáu, quận 3 cho biết phường được phân 6 quân nhân hỗ trợ công tác phát hàng, hiện các đồng chí này hoạt động không nghỉ từ sáng sớm đến tối mịt.

"Việc đi chợ phường gửi thông báo cho từng hộ dân, người đi chợ giúp dân chỉ có phường và phụ nữ, các chi hội. Sau khi tiếp nhận danh sách hàng hóa, số lượng, phường lên đơn đi mua cho người dân.

Lực lượng quân đội ở phường sẽ hỗ trợ phường phối hợp tuần tra, tham gia tuyên truyền, vận chuyển hàng hóa đến tay người dân".

"Sáng sớm mải đi chợ/ Trưa về bận nhặt rau/ Chiều tập trung đong gạo/ Tối lại lo dân đau" - giữa thời bình, đồng đội của chúng tôi vẫn bộn bề với những nhiệm vụ không tên như thế.

Đằng đẵng gần 100 ngày qua, những shipper đặc biệt ấy đã lăn lộn từ hang cùng ngõ hẻm tới những khu cư xá vút cao của thành phố, bất chấp rủi do, dịch bệnh, bất chấp cả những chê bai phán xét.

Một ngày làm việc bắt đầu khi các phường tiếp nhận hàng, từ lãnh đạo phường đến cán bộ các mảng, dân quân, công an, bộ đội ùa ra tham gia đưa đủ loại rau củ, gạo mì tập kết ở sân trụ sở. Rồi từng nhóm lại chia nhau mang hàng đến từng tổ, khu phố hoặc đến tận nhà dân.

Nhà văn Dạ Ngân, người sống trong vùng dịch chia sẻ thực tế nơi bà sinh sống:

"Hàng bà con gửi về giúp Sài Gòn từ Đà Lạt hay các tỉnh miền Tây được đổ về các quận, quận chuyển xuống phường. Tuyến phường thì nhiều cán bộ cơ sở sau nhiều ngày tất bật trong vùng đỏ cũng đã nhiễm bệnh.

Vậy là công an, quân đội tiếp ứng, ngồi chia rau củ quả thành từng phần theo danh sách của từng khu phố. Nhá nhem mới chạy xe đưa tới đầu các hẻm hoặc nhà văn hóa khu dân cư bàn giao cho tổ dân phố gọi bà con ra lấy. Thương những người vác tù và hàng tổng. Đừng cười họ, ba tháng nay họ đã vất vả quá rồi".

Em gái tôi sống trong vùng dịch, do còn trẻ nên xung phong đảm nhận việc mua rau củ cho cả chung cư đang ở. Hàng được chở đến tấp ở đầu đường nhưng không được vào, mà phải qua khâu "trung chuyển" là các chú bộ đội.

Em kể rất vui: "Thấy mấy chú ở khu nhà mình nhỏ nhẹ như thư sinh gọi "Chị ơi tụi em chuyển đồ vào cho bà con nè".

Chạy ra nhận rau, chả kịp hỏi mấy em tên gì, chỉ cảm ơn và đưa chú gói trái cây và nước mát đã chuẩn bị. Lúc đầu chú ngần ngừ không nhận, sau nói riết thì cầm rồi sải bước thật nhanh ra đường. Lát sau mới quay lại nhận tiền rau.

Tưởng chú mang đồ ra cho đồng đội trực bên ngoài, ai ngờ hỏi ta mới biết chú mang cho mấy người vô gia cư đang trú tạm bên hiên mấy cửa hàng điện máy. Thấy thương gì đâu!"

Không chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh, mà tại một số tỉnh đang là "điểm nóng" dịch bệnh như Long An, Đồng Nai, Bình Dương… từ khi bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội, các cán bộ, chiến sĩ đã đẩy mạnh tăng gia sản xuất kết hợp vận động sự hỗ trợ của doanh nghiệp, nhà hảo tâm tổ chức các phiên chợ, gian hàng 0 đồng, thiết lập đường dây nóng tiếp nhận cuộc gọi cần giúp đỡ của người dân.

Ở huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, bà con dân nghèo đã thuộc nằm lòng số điện thoại và dòng thông báo của "đường dây nóng gạo nghĩa tình" do Ban Chỉ huy quân sự huyện Thủ Thừa, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An thiết lập. Những ngày giãn cách, đơn vị đã tặng quà giúp đỡ 600 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

"Khi bà con gặp khó khăn hãy gọi cho chúng tôi theo số điện thoại xxx hoặc số điện thoại của Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn thuộc huyện Thủ Thừa sẽ được hỗ trợ" - gia đình chị Võ Thị Huyền Trân, lao động tự do trú tại xã Bình An, huyện Thủ Thừa đã gọi điện đến "đường dây nóng" nhờ sự giúp đỡ giữa lúc ngặt nghèo.

Chưa đầy hai tiếng sau, bộ đội đã đưa quà đến tận nơi khiến gian nhà lụp xụp của chị như có thêm hơi ấm tình người. Phần quà dẫu chỉ là yến gạo, thùng mì tôm, đầu ăn, nước tương và rau xanh và mấy thùng sữa cho ba đứa con nhỏ của chị, song với vợ chồng chị Trân còn quý giá hơn cao lương, mỹ vị. 

Lính trẻ QĐNDVN làm nhiệm vụ đặc biệt: Chú bộ đội… I love you!-3
Cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 31, Sư đoàn 309 (Quân đoàn 4) chuyển quà cho nhân dân vùng dịch ở phường 16, Quận 8, Tp. Hồ Chí Minh. 

Lính trẻ làm shipper theo mệnh lệnh trái tim

Không súng ống, đạn dược, không xe tăng hay xe bọc thép, những người lính còn rất trẻ trở thành shipper theo mệnh lệnh của trái tim.

Đối với những địa bàn tạm an toàn, họ có thể mặc quân phục dã chiến, dãi nắng, dầm mưa mang vác trăm thứ bà rằn trên đôi vai lính.

Còn nếu nhận nhiệm vụ tại vùng cách ly, nguy cơ nhiễm bệnh cao, thì họ đành phải tạm xa bộ quân phục để mặc quần áo bảo hộ để ngày vài chục lần tới lui các con hẻm nhỏ, khu cư xá có tỷ lệ F0 cao vút.

Dẫu vất vả, khó khăn hơn nhiều so với những nhiệm vụ thường ngày, dẫu còn nhiều vụng về đáng yêu, và cũng đã nhiều những người lính trở thành F0, F1 trong quá trình hỗ trợ TP HCM và các tỉnh phía Nam chống dịch, song những người lính ấy đã nỗ lực vượt bậc theo đúng tinh thần "Quân đội sẽ chủ động đến với dân chứ không để dân khó khăn tìm tới bộ đội" mà Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang đã khẳng định.

Hành trang của họ khi vào tâm dịch, là chiếc ba lô với những vật dụng thiết yếu, gọn nhẹ. Nhưng hành trang quan trọng nhất, được các anh gói ghém cẩn thận nhất chính là ý chí và tấm lòng nhiệt huyết để có thể giúp đỡ nhân dân, sẵn sàng làm bất cứ việc gì để có thể giúp dân trong những ngày tháng cam go này.

Và khi gian khó đã tạm lui, hành trang về đơn vị của họ sẽ nặng mang nghĩa tình đồng bào, đồng chí, mang theo câu chào thánh thót của những em thơ "Chú bộ đội… I love you"!

Theo Tổ Quốc