Theo SCMP, chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) tuyên bố tăng cường nỗ lực giải quyết tình trạng lạm dụng nhà ở công sau khi xảy ra vụ người mẫu Thái Thiên Phượng bị sát hại.

Ông Quảng Cầu - bố chồng cũ của Thái Thiên Phượng - sở hữu căn hộ được trợ cấp dù đang đứng tên căn hộ xa xỉ trị giá 73 triệu HKD (khoảng 9,3 triệu USD) do con dâu cũ nhờ đứng tên để lách luật, né thuế.

Bất động sản trên cũng là nguồn cơn của vụ án mạng đau lòng.

Lỗ hổng trong vụ bố chồng sát hại người mẫu Thái Thiên Phượng-1
Căn hộ sang trọng được đứng tên bởi Quảng Cầu.

Lỗ hổng

Winnie Ho Wing-yin - Bộ trưởng Bộ Nhà ở Hong Kong, Trung Quốc - cam kết thay đổi sau khi chính quyền cấp cao nhắm vào văn phòng của bà vì chính sách nhà ở công lỏng lẻo. Nhiều người như bố chồng của Thái Thiên Phượng đã lợi dụng Chương trình Sở hữu Nhà.

Quảng Cầu - 65 tuổi, cảnh sát rời khỏi ngành sau vụ bê bối tình dục - là một trong ba nghi phạm chính liên quan vụ giết người, phân xác con dâu. Tháng 11/2019, Quảng Cầu đăng ký là chủ sở hữu căn hộ sang trọng rộng 170 m2 tại khu phố Kadoorie Hill sang trọng ở Ho Man Tin.

Lỗ hổng trong vụ bố chồng sát hại người mẫu Thái Thiên Phượng-2
Gia đình Quảng Cầu mua căn hộ được trợ cấp ở Sheung Man chỉ bằng 59% giá thị trường

Chưa đầy một năm sau, ông đứng tên căn hộ trợ cấp rộng 30 m2 ở Kwai Chung. Căn hộ được bán theo Chương trình sở hữu nhà với giá 2,2 triệu HKD (khoảng 280.000 USD) vào tháng 7/2020 cùng khoản thế chấp 2,1 triệu HKD.

Giá trị thế chấp cho thấy Quảng Cầu chỉ trả trước 110.000 HKD, tương đương 5% giá căn hộ, mức tối thiểu mà người nộp đơn yêu cầu.

Chương trình sở hữu nhà ở giá cả phải chăng áp dụng cho những người thuê bất động sản công cộng hoặc người có thu nhập và tài sản theo quy định của đặc khu. Căn hộ mà Quảng Cầu mua chỉ bằng 59% giá trị thị trường.

Cục Nhà ở thừa nhận sai sót, tắc trách vì chính phủ đã không kiểm tra thu nhập và tài sản của những người đăng ký mua căn hộ công cộng kể từ khi triển khai chương trình này vào những năm 1970.

Tại cuộc họp của Hội đồng Lập pháp, Bộ trưởng Bộ Nhà ở Hong Kong, Trung Quốc cam kết sẽ kỹ lưỡng, khắt khe hơn trong việc xem xét các yêu cầu về tính đủ điều kiện theo kế hoạch nhằm đóng lỗ hổng cho phép người thuê nhà công cộng thực chất rất giàu có mua căn hộ trợ cấp mà không thông qua đánh giá thu nhập và tài sản.

Bà đồng thời tuyên bố dẹp bỏ nạn chống lạm dụng căn hộ công cộng như trường hợp của bố chồng Thái Thiên Phượng.

Hậu quả của lách luật

“Tôi hiểu những lo ngại của xã hội về việc lạm dụng hợp đồng thuê nhà. Chúng tôi tiếp tục triển khai chiến lược, nhân lực để thu thập bằng chứng về việc lạm dụng tài nguyên nhà cho thuê công cộng, đồng thời tăng cường liên lạc giữa các cơ quan chính phủ khác nhau, đẩy mạnh cuộc chiến chống lại những hành vi gian lận”, Ho nói, đồng thời từ chối bình luận trường hợp cụ thể.

Hiện tại, theo chính sách người thuê nhà khá giả (được sửa đổi vào năm 2017), các hộ gia đình phải trả lại căn hộ công cho chính phủ nếu thu nhập và tài sản của họ vượt quá giới hạn nhất định hoặc họ bị phát hiện đã sở hữu nhà ở nhằm ngăn chặn việc lạm dụng tài nguyên.

Lỗ hổng trong vụ bố chồng sát hại người mẫu Thái Thiên Phượng-3
Thái Thiên Phượng, nạn nhân của vụ án mạng thương tâm.

Các hộ gia đình đã ở trong một căn hộ từ 10 năm trở lên được yêu cầu kê khai tài sản với tần suất 2 năm/lần. Ngoài ra, nếu phát hiện báo cáo, trường hợp bất thường, các cuộc điều tra được tiến hành một cách ngẫu nhiên.

Trung bình mỗi năm có 690 hộ gia đình được phát hiện sở hữu nhà ở, hoặc đã vượt quá giới hạn về thu nhập và tài sản kể từ khi chính sách có hiệu lực, chiếm 0,3% số hộ gia đình được sàng lọc, Bộ trưởng Bộ Nhà ở nói với các nhà lập pháp.

Bà cho biết 526 trường hợp đã bị kết án vì không khai báo trung thực, người bị khép tội có thể bị phạt tù 6 tháng và đóng phạt 50.000 HKD. Ngoài ra, chính phủ sẽ xem xét hình phạt để tăng cường hiệu quả răn đe.

Chính quyền cũng xem xét nhiều cách để xác định người thuê nhà sở hữu tài sản ở nước ngoài và sử dụng trí tuệ nhân tạo để đẩy nhanh quá trình này, Ho bổ sung.

“Có nhiều manh mối mà chúng tôi có thể thu thập trong việc quản lý các đơn vị nhà ở công cộng. Ví dụ, chúng tôi sẽ điều tra những đơn vị không phản hồi với chính quyền trong quá trình phong tỏa và hoạt động thử nghiệm trong đại dịch Covid-19”, bà nói.

Năm 2022, có 1.300 căn hộ đã bị tịch thu khi điều tra.

Song, vẫn không ít trường hợp lách được luật. Vụ việc bố chồng Thái Thiên Phượng là lỗ hổng mà chính phủ Hong Kong, Trung Quốc đang tìm cách "vá" lại để xoa dịu dư luận.

Theo Tiền Phong