Mặc dù phải đối mặt với nỗi lo vệ sinh an toàn thực phẩm mỗi ngày, song phần lớn người tiêu dùng vẫn “nhắm mắt” mua tại chợ truyền thống thay vì mua tại các nhà cung ứng sạch do lo ngại giá đắt mà chất lượng vẫn khó kiểm soát.
Người tiêu dùng vẫn chưa thực sự tin tưởng chất lượng của các loại thực phẩm được bày bán tại các siêu thị, cửa hàng rau sạch
Đắt 20-35%
Từ tháng 4 đến nay, gia đình chị Thanh Tuyền, quận Tây Hồ, Hà Nội trở thành khách hàng của Sàn Giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội. Theo đó, chị Tuyền sẽ ứng trước một khoản tiền cho sàn và hàng tuần được nhân viên sàn tư vấn thực đơn, lên danh mục các loại thực phẩm theo thực đơn đó rồi giao tận nhà. Chi phí sẽ được trừ dần vào khoản tiền “ký quỹ”. Hết “quỹ”, khách hàng lại đóng tiếp theo nhu cầu tiêu dùng của gia đình.
Khảo sát tại Sàn Giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội, PV ghi nhận giá sản phẩm tại đây cao hơn trung bình tại các chợ từ 20 - 35%. Cụ thể: Bắp cải trắng 19 nghìn đồng/kg; Bí đỏ: 11nghìn đồng/kg; Bí đỏ cô tiên: 19 nghìn đồng/kg; Bí xanh:15 nghìn đồng/kg; Cà chua: 20 nghìn đồng/kg; Cà chua bi: 44 nghìn đồng/kg; Cải bẹ: 16 nghìn đồng/kg; Cải ngồng, cải ngọt: 20 nghìn đồng/kg; Chanh quả: 29 nghìn đồng/kg.... Thịt lợn nạc mông ngoài chợ trung bình 100 nghìn đồng/kg thì tại sàn là 135 nghìn đồng/kg; Thịt sấn mông 129 nghìn đồng/kg; Thịt nạc vai 148 nghìn đồng/kg; Thịt ba chỉ, nạc thăn lần lượt 141 nghìn đồng/kg và 154 nghìn đồng/kg…
Mức chênh lệch 20-35% so với giá bán tại các chợ truyền thống cũng phổ biến tại nhiều cửa hàng thực phẩm, nông sản sạch khác trên địa bàn Hà Nội. Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Quan hệ công chúng Siêu thị Big C cho biết, người tiêu dùng không mặn mà với thực phẩm sạch tại các siêu thị một phần bởi giá bán sản phẩm này thường cao hơn ngoài chợ.
Chưa yên tâm chất lượng
Chị Tuyền cho biết còn một số điểm chưa hài lòng với nhà cung cấp. Chẳng hạn, có lần chị phản ánh rau sàn cung cấp già, bị chát, nhân viên giải thích “thực phẩm sạch nó thế”. Gia đình yêu cầu đổi loại khác, song chất lượng vẫn “y chang”.
Giá cao song chất lượng sản phẩm, dịch vụ chưa vượt trội là những vấn đề người tiêu dùng còn lăn tăn với không ít mô hình thực phẩm, nông sản sạch. Tại một số cửa hàng thực phẩm sạch trên phố Nguyễn Công Trứ, Minh Khai, Hoàng Hoa Thám, Hàng Gà… khách ra vào thưa thớt, trong khi chợ cóc tại khu vực đó đến xế trưa đã vãn hàng.
Chị Hoa, chủ một cửa hàng rau sạch trên đường Nguyễn Công Trứ cho biết, ngoài vấn đề giá cả, hàng loạt các vụ việc rau bẩn vẫn vào được siêu thị, các cửa hàng rau sạch bị phát hiện khiến người tiêu dùng giảm lòng tin vào chất lượng của các sản phẩm đóng mác sạch.
“Để cân đối các khoản chi phí như thuê mặt bằng, điện, nhân viên thì số lượng hàng bán ra hàng ngày được vài tạ rau mới có lợi nhuận. Nhưng thực tế, số ngày đạt mức tiêu thụ này chỉ đếm trên đầu ngón tay ”, chị Hoa chia sẻ.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thành Lưu, Giám đốc Sàn Giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội cho rằng, nguyên nhân khiến người tiêu dùng chưa mặn với thực phẩm sạch là do thị trường thực phẩm bẩn và sạch lẫn lộn, trong khi bản thân họ không thể tự thẩm định được chất lượng.
“Để giải quyết tình trạng trên, các cơ quan quản lý Nhà nước cần quản lý chặt hệ thống thương mại. Đối với các cửa hàng cung cấp thực phẩm không đạt chuẩn nhưng lại “dán mác” thực phẩm sạch cần được phát hiện và có chế tài xử phạt nặng”, ông Lưu nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, hiện nay chuỗi cung ứng để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng qua quá nhiều khâu trung gian (Tổng đầu mối - phân phối - bán buôn - bán lẻ), nên việc giám sát chất lượng rất khó. Chỉ cần một trong các mắt xích trên vì lợi nhuận mà trộn thực phẩm không sạch vào là gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm sạch nên mở rộng thêm mạng lưới cung ứng đến tận tay người tiêu dùng như đưa sản phẩm đến tận nhà không qua trung gian. Đây là phương pháp giúp cho người tiêu dùng tiếp cận được nguồn thực phẩm sạch dễ dàng hơn.
Theo Giao thông vận tải