18h, tiếng mời gọi từ đoàn lô tô (gánh hát rong kiêm quay số trúng thưởng) của Nini An ( 39 tuổi, ngụ tại TP Tân An, Long An) vang vang qua nhiều tuyến đường của thành phố.
Dưới sân cỏ rộng, những chiếc ghế nhựa được sắp thẳng hàng, vài gian hàng chơi bắn súng, ném thú, tạt lon… được chuẩn bị sẵn để đón tiếp hàng nghìn người dân đến vui chơi dịp cuối tuần.
Sân khấu chính của đoàn lô tô là một lớp sàn gỗ ghép, có vải che. Đó vừa là nơi diễn ra buổi diễn, vừa là chỗ hóa trang, ăn uống và ngủ nghỉ của hơn mười chị em "pê đê".
Giữ vai trò chủ đoàn cũng như diễn viên chính của gánh hát, Nini An luôn cố chăm chút cho mình vẻ ngoài lộng lẫy. Bên cạnh ca múa, hôm nào khách chi tiền yêu cầu múa lửa, nhai thủy tinh… An cũng đồng ý.
Bởi vậy, suốt 20 năm nay, ở đất miền Tây, Nini An mới được mọi người xưng tụng là "Nữ hoàng lô tô". Đối với An, đó là ước mơ suốt cuộc đời, từ khi là cậu bé Nguyễn Phúc An nhằm thực hiện di nguyện của người mẹ quá cố. An còn đang nuôi nấng đứa trẻ bị bỏ rơi khi mới 1 ngày tuổi.
Vẻ ngoài xinh đẹp, nhiều tài lẻ, Nini An được mọi người đặt biệt danh "Nữ hoàng lô tô" (Ảnh: NVCC).
Mối tình nàng "pê đê" với chàng bán vé lô tô dạo
Từ thuở nhỏ, Nguyễn Phúc An (tên thật của Nini An) đã không giống những cậu trai đồng trang lứa. Mỗi ngày, khi bà Mười (mẹ An) đi ruộng, cậu lại lén lấy áo của mẹ mặc rồi nhảy múa, hát hò cho bọn trẻ cùng xóm xem.
Cứ vậy, có lần ra đường bà Mười nghe hàng xóm tiếng bấc tiếng chì: "Con bà Mười 'pê đê', đồng bóng". Đổi lại sự trách móc, người mẹ quê luôn ra sức bảo vệ con.
Thuở xưa, các đoàn lô tô miền Nam thường trôi dạt "rày đây mai đó" để biểu diễn ca hát. Có lần đoàn đậu lại ở xóm nhỏ nhà An, bà Mười dắt các con cùng đi xem. Lần đầu tiên nhìn chị em mặc xiêm y rực rỡ, nhảy múa dưới ánh đèn xanh đỏ, lòng Phúc An đã dâng lên cảm xúc khó tả.
Từ thuở bé, cậu bé Phúc An đã muốn để tóc dài, mặc áo con gái (Ảnh: NVCC).
Vài năm sau, cậu đổi tên thành Nini An, rời nhà để được đi theo gánh lô tô, cùng chị em sống cuộc đời phiêu dạt.
Lần nào đoàn ghé về Long An, Nini An cũng về nhà, nằm cuộn tròn trong lòng mẹ ngủ ngon. Mỗi đêm như vậy, bà Mười đều thao thức.
Bà vuốt tóc, nắm đôi tay thon dài của con rồi bật khóc: "Má ráng làm, cho tiền con được đi làm con gái thiệt!". Nghe xong, An và mẹ lại ôm nhau, khóc không ngừng.
Bao nhiêu năm, anh Công vẫn luôn đồng hành giúp đỡ vợ thực hiện ước mơ (Ảnh: NVCC).
Ở gánh lô tô, Nini An nhanh chóng trở thành cái tên nổi tiếng bởi vẻ ngoài ấn tượng và tài năng của mình. Đêm nào gánh hát biểu diễn trên sân khấu, ở dưới cũng có anh chàng tên Châu Chí Công (31 tuổi), đứng ngây người nhìn An.
Thời gian đầu tiên, Công ngỏ lời thương nhưng An ngó lơ. Mãi sau này thấy cái tính chịu khó, chân thành lo cho mình khi sống xa nhà, chị mới đồng ý nhận lời yêu.
Đến nay vợ chồng Nini An đã ở bên nhau gần 20 năm. Họ chẳng có lấy một đám cưới to nhỏ, vẫn mãi cảnh "rày đây mai đó" trong gánh lô tô. Mỗi ngày, Công đều nỗ lực làm việc chỉ để gom đủ tiền giúp An "được làm con gái thật".
"Năm 2012 tôi lên đường một mình sang Thái Lan để phẫu thuật. Thời điểm, nhìn thấy tôi trong hình hài phụ nữ qua điện thoại, chồng tôi nghẹn khóc vì hạnh phúc", Nini An kể.
Đứa trẻ bị bỏ rơi mới 1 ngày tuổi
Nhiều năm ở cạnh nhau, Công luôn mong ước cả hai sẽ có với nhau mụn con chung. Mỗi đêm nhìn anh vui mừng ẵm bồng con nít, dỗ dành tụi nhỏ chơi lô tô, An lại thêm khao khát, xót xa. Bởi lẽ chị biết đó mãi mãi là điều không thể!
Vô vàn lần An tìm cách đuổi Công ra khỏi nhà để anh đi tìm mái ấm toàn vẹn, yên bề gia thất. Vậy mà lần nào cũng vậy, vài hôm sau anh vẫn tìm về. Công hứa cả đời chỉ cần ở bên cạnh, chăm sóc An.
Sau rồi hai vợ chồng bắt đầu tích góp tiền, xin nhận nuôi con từ các viện phúc lợi xã hội.
Nghe lời mẹ, Nini An đã nhận nuôi đứa trẻ bị bỏ rơi trong bệnh viện (Ảnh: NVCC).
Thời điểm mẹ An đổ bệnh nặng nằm viện, nghe phong thanh có đứa bé gái đẻ rớt chưa đầy 5 tiếng đã bị bỏ rơi, bà đột ngột gọi An vào phòng rồi gặng: "Phải nhận nuôi con bé bằng được".
Vài hôm sau, bà Mười ra đi mãi, đứa cháu bà nhắc con nhận nuôi cũng chẳng thể một lần nhìn mặt. Từ đó, An quyết định đặt tên con là Như Ý, tức hoàn thành ý nguyện của mẹ.
Lên 4 tuổi, Như Ý đã cùng An đi khắp các gánh lô tô. Mỗi đêm mẹ diễn, Ý lại lẽo đẽo dưới sân khấu. Nhiều người độc miệng dèm pha nói Ý không phải con do An sinh ra.
Vậy là Ý tủi, ôm mẹ An khóc nức nở. Sau ngày ấy, An chọn nói sự thật với con, để Ý học cách đối diện. Chị kiên nhẫn giải thích để con biết, chị không thể sinh Ý bằng dạ bằng bụng nhưng nuôi Ý từ tình mẹ chân thành.
Cô bé lớn thêm chút nữa, hàng xóm lại đồn mẹ Ý là người chuyển giới, phận bóng gió "pê đê". Ý nghe nhưng giữ im lặng. Chỉ có một lần trong cuộc trò chuyện với chị họ, khi lỡ bị trêu, Ý bật lên, phản bác: "Đừng gọi mẹ là 'pê đê'! Mẹ không thương Ý nữa bây giờ".
Nghe con nói, An rơm rớm nước mắt.
"Từ lúc nhỏ xíu xiu, Ý đã biết bảo vệ mẹ. Sau nay, Ý biết và chấp nhận tôi là người chuyển giới thì con bé lại càng thương tôi hơn. Vậy nên chỉ cần ai đó gọi tôi là 'pê đê', Ý luôn đứng ra che chở cho mẹ", An nói.
Như Ý phản đối: "Đừng gọi mẹ con là "pê đê" để bảo vệ người mẹ sinh ra từ tình thương của mình (Ảnh: NVCC).
Mảnh hạnh phúc trong gánh lô tô nhỏ
Năm 2018, cơ thể An bắt đầu hoại tử, nhiều mảng da thịt lở loét vì những lần tiêm silicon rẻ tiền. Đứng trước nguy cơ đe dọa tính mạng, An đành lựa chọn cắt bỏ toàn bộ phần ngực. Suốt 1 tháng nằm viện, chị đều cầu mong được sống để quay về với Ý.
Năm 2020, dịch Covid-19 khiến đoàn lô tô phải đóng cửa. Vợ chồng Nini An phải duy trì cuộc sống bằng đủ nghề như bán hàng online, bán trái cây dạo, cá viên chiên... Mỗi lần nhìn vào bộ ngực phẳng lì, chị lại tự ti vì không còn được làm phụ nữ.
Sau này, Công tích góp đủ tiền, anh lại lần nữa giúp vợ thực hiện ước mơ đắp da, tạo bầu ngực mới. Đến tháng 6/2023, vợ chồng An mở lại đoàn lô tô tại TP Tân An (Long An) để có chốn cho chị em "pê đê" làm việc cố định.
Hiện tại, gia đình Nini An sống dựa vào gánh lô tô ở TP Tân An (Long An).
Từ thời điểm ấy, An và chồng ở hẳn dưới sân khấu để chăm lo cho đoàn. Mỗi ngày học xong, Như Ý lại ra phụ mẹ thu tiền vé. Cả gia đình lại cùng nhau trải qua những ngày yên bình ở gánh hát rong.
"Giờ ngoài ca hát, đoàn lô tô của tôi còn đóng kịch, diễn cải lương, diễn xiếc… Tôi đã làm là làm hoành tráng, thỏa hết đam mê cả đời. Được khách thương, ủng hộ nên các suất diễn đều đông. Giờ tôi chỉ mong còn đủ sức khỏe, tài chính để lo cho Ý và những người chị em được sống là chính mình", Nini An nói.
0h, những vòng quay lô tô cuối cùng đã kết thúc. Thay xong xiêm y, xóa lớp trang điểm, cả đoàn lô tô tập trung ở sân khấu, ăn vội xoong cơm đã nguội từ lâu.
Cuộc sống đời "pê đê" có vất vả, khó khăn, tủi thẹn nhưng đối với Nini An, một ngày còn giữ được đoàn sẽ luôn là một ngày hạnh phúc.
Lượng khách đông kín mỗi đêm giúp duy trì cuộc sống của nhiều người chuyển giới tại đoàn lô tô (Ảnh: NVCC).
Theo Dân Trí