Trước nay ai cũng nhận xét nàng ngoan. Ngoan trong cách ứng xử, thái độ giao tiếp với mọi người, và cả ngoan trong lối sống, các mối quan hệ khác giới. Thời đại học nàng nghe lời cha mẹ chỉ tập trung học hành, không yêu đương gì. Sau khi ra trường đi làm, gặp gỡ và làm quen với một anh chàng ở công ty đối tác, lúc ấy nàng mới có mối tình đầu.
Nói về bạn trai nàng, anh hơn nàng 4 tuổi, ngoại hình được, gia cảnh ổn, thêm năng lực làm việc khá tốt nữa, tựu chung là một đối tượng không tồi. Chàng cũng nói rõ, chàng một khi xác định quan hệ yêu đương với ai, đều lấy mục đích là kết hôn, chứ không phải yêu chơi bời.
Tất nhiên nếu trong quá trình tìm hiểu mà phát hiện điểm không hợp hoặc đôi bên mâu thuẫn thì lại là chuyện khác, chàng đã thẳng thắn như vậy.
Chàng đối xử với nàng rất tốt, phải mỗi một điều khiến nàng băn khoăn vô cùng, đó là sau 3 tháng yêu nhau thì chàng bắt đầu “đòi” nàng. Ban đầu nàng từ chối, lấy cớ mới yêu nhau có mấy tháng, nàng cần thêm thời gian.
Mà thực ra nàng sợ một khi “cho” chàng rồi, đến lúc “no xôi chán chè” chàng sẽ bỏ nàng mà đi. 2 người không đến được với nhau, nàng biết ăn nói làm sao với chồng nàng sau này? Vậy nên thật lòng không phải nàng muốn giữ bằng được tới đêm tân hôn, mà nàng chỉ muốn chàng đảm bảo rằng sẽ cưới nàng, sẽ không chán nàng một khi có được nàng rồi.
Trong buổi tối hẹn hò tiếp theo, khi chàng ngỏ ý “đòi”, nàng đã thỏ thẻ hỏi chàng: “Cho anh rồi, anh có chán em không?”. Chàng im lặng một lát, rồi cười trả lời: “Anh nói thật, câu này anh không trả lời em được. Bởi vì đối với anh, việc em có cho anh hay không chẳng ảnh hưởng gì tới tình cảm anh dành cho em cả, thậm chí việc đó còn khiến mối quan hệ của chúng ta gần gũi, gắn bó hơn.
Nhưng có thể vì một lí do khác khiến tình cảm chúng ta rạn nứt, anh đâu thể nói trước, em hiểu không? Anh nói mục đích yêu đương của anh là kết hôn, không có nghĩa một khi yêu ai thì sẽ kết hôn với người đó, bởi trong quá trình yêu đương còn nhiều chuyện xảy ra cơ mà. Vài câu thề nguyền, hứa hẹn để lấy lòng em trong nhất thời sao anh không nói được, nhưng anh không thích làm vậy, anh muốn nói sự thật”.
Thấy nàng vẫn còn vẻ lấn cấn không yên, chàng chậm rãi “dạy bảo”: “Em cũng đừng nên ôm nỗi sợ “cho” người yêu rồi thì anh ta sẽ chán em. Ý anh là, em hãy làm điều em muốn, chứ đừng chăm chăm xem thái độ của người khác.
Nếu em muốn giữ tới đêm tân hôn, hãy cứ giữ, nếu người yêu em thật lòng họ sẽ tôn trọng em. Nếu em muốn có quan hệ phát sinh, hãy tự hỏi bản thân rằng em đã thấy sẵn sàng chưa, nếu em thấy sẵn sàng thì hãy tận hưởng việc đó.
Em cần làm chủ cơ thể và cảm xúc của mình, đừng phụ thuộc và chạy theo thái độ của người đàn ông. Độc lập và tự chủ mới khiến em mạnh mẽ, vững vàng khi mối quan hệ chẳng may đổ vỡ. Bởi đâu phải cứ yêu là sẽ lấy được nhau?
Thêm nữa, sao phải lo sợ anh ta chán em, chẳng lẽ giá trị con người em chỉ có mỗi từng ấy, mà lo lắng một khi cho đi rồi thì em sẽ “mất giá”. Lẽ nào không phải là em sẽ chán anh ta, em sẽ “đá” anh ta?”.
Nhân tiện nhắc đến “trinh tiết”, chàng cũng đồng thời bảo nàng không nên coi chữ trinh đáng giá ngàn vàng, mà cũng đừng qua lại với gã đàn ông nào quá coi trọng điều đó.
Bởi một khi nàng đặt giá trị của cái màng mỏng manh ấy quá cao, thì vô hình chung nàng sẽ trở thành nô lệ cho nó. Nếu nàng trót trao nó cho ai, dù sau đó có bị gã ta đối xử tệ bạc thế nào nàng cũng khó lòng buông tay, bởi cái suy nghĩ lần đầu tiên đã dành cho anh ta rồi.
Và rồi tiếp theo là cảm giác tự ti, hèn kém khi đối mặt với người đàn ông tiếp theo, cuối cùng thì tự làm khổ mình, đẩy mình vào thế yếu trong mối quan hệ yêu đương. Phụ nữ còn nghĩ như thế thì phụ nữ sẽ còn tự mình làm khổ mình dài dài.
“Anh không thích cái từ “cho” em dùng. Chuyện đó là sự tình nguyện giữa 2 bên, những người yêu nhau cùng cho và cùng nhận. Chứ chưa bao giờ là món quà, sự ban ơn của phụ nữ dành cho đàn ông, còn đàn ông thì cần phải quý báu nó như báu vật và hoàn toàn chịu trách nhiệm với hạnh phúc tương lai của người con gái đó. Em có hiểu những điều anh nói không?”, chàng nhẹ nhàng nói tiếp.
Khi chàng đưa nàng về nhà rồi mà nàng còn mãi thẫn thờ trước những lời “dạy bảo” của chàng. Tất cả những quan điểm ấy dường như rất mới mẻ và đáng kinh ngạc với người con gái có phần truyền thống như nàng. Lẽ nào trước nay nàng đã tự trói buộc và gây áp lực cho chính bản thân mình rồi?
The thời đại