Vào lúc 8h30 ngày 2/11, TAND tỉnh Long An xét xử phúc thẩm bị cáo Lê Tùng Vân và nhóm người ở Tịnh thất Bồng Lai về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Thông tin từ Tuổi Trẻ, trong phiên tòa hôm nay, bị cáo Lê Tùng Vân và nhiều người làm chứng, người có quyền lợi liên quan vắng mặt. Trong đó, ông Trương Ngọc Toàn (Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Long An), ông Trần Ngọc Thảo (pháp danh Thích Nhật Từ, Trụ trì Chùa Giác Ngộ, TP.HCM) vắng mặt.
Tuy nhiên, đại diện VKSND cho rằng việc vắng mặt những người này không ảnh hưởng đến quá trình xét xử phúc thẩm nên đề nghị HĐXX tiếp tục làm việc.
Trong khi đó, luật sư bảo vệ cho các bị cáo đề nghị hoãn phiên tòa do vắng mặt bị cáo, 2 bị hại và người làm chứng Võ Thị Diễm My. "Việc vắng mặt bị hại là người có đơn tố cáo sẽ làm ảnh hưởng lời khai và diễn biến phiên tòa", luật sư trình bày trên Zing.
Sau khi hội ý, chủ tọa phiên tòa đọc biên bản hội ý của hội đồng xét xử, xét thấy sự vắng mặt và có đơn xin xét xử vắng mặt của họ là hợp pháp và không ảnh hưởng đến quá trình xét xử nên tuyên bố tiếp tục phiên tòa.
Các bị cáo trong phiên tòa sáng nay
Zing cho biết thêm, là người đầu tiên đứng trước bục khai báo, bị cáo Lê Thanh Hoàn Nguyên cho biết không có nghề nghiệp, trình độ học vấn 12/12, không theo tôn giáo nào, không có cha mẹ, bị bắt ngày 5/1.
Tương tự, bị cáo Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Nhị Nguyên khai không theo tôn giáo và không có cha mẹ.
Bị cáo Lê Thanh Trùng Dương khai làm nghề kinh doanh tự do, không có cha mẹ. Bị cáo Cao Thị Cúc giọng mệt mỏi, trả lời HĐXX bà nói không nhớ học lớp mấy, không có con cái.
Theo cáo trạng, ông Lê Tùng Vân cùng các bị cáo và một số người khác sống tại xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, Long An, do Cao Thị Cúc làm chủ hộ. Ông Lê Tùng Vân đã biến nơi đây thành cơ sở tu tại gia lấy tên là Tịnh thất Bồng Lai, sau đó đổi tên cơ sở này thành Thiền am bên bờ vũ trụ.
Người dân theo dõi phiên tòa qua màn ảnh được bố trí tại Trung tâm Văn hóa xã Tân An.
Trên Người Lao Động thông tin, từ năm 2019 đến năm 2021, các bị cáo trên đã sử dụng phương tiện như máy tính, điện thoại di động để đăng tải lên mạng xã hội những thông tin sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc, nhằm tuyên truyền, kích động xúc phạm uy tín của Công an huyện Đức Hòa, xúc phạm phật giáo... làm ảnh hưởng an ninh chính trị, trật tự xã hội ở địa phương.
Cơ quan điều tra xác định các bị cáo đã đăng 5 video và một bài viết trên mạng xã hội. Đây là hành vi có tổ chức, xâm phạm đến cơ quan Nhà nước, tổ chức tôn giáo và cá nhân.
Với hành vi trên, ngày 31/7, ông Lê Tùng Vân bị phạt 5 năm tù, các bị cáo còn lại nhận án 3-4 năm cùng về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Cả 6 người sau đó kháng cáo cho rằng mình không phạm tội.
Phiên xét xử phúc thẩm từng bị hoãn hôm 14/10 do yêu cầu của 2 luật sư bảo vệ cho bị hại.
Đ.K (t/h)
Theo Vietnamnet