Lời nói sau cùng đọng lại sau phiên tòa xử bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo-1

Sau hơn một ngày, 79/86 bị cáo có mặt tại phiên tòa đại án Vạn Thịnh Phát (5 bị cáo đang bỏ trốn, 2 người được xét xử vắng mặt vì bệnh nặng) đã phát biểu xong lời nói sau cùng. Tòa sẽ nghị án kéo dài và tuyên án vào ngày thứ 5, 11/4.

Đã có nhiều giọt nước mắt xen lẫn cảm xúc nghẹn ngào, những lần cúi đầu xin lỗi, nhiều lời cảm ơn, những câu hối hận, tha thiết xin khoan hồng... được các bị cáo nói ra để HĐXX xem xét khi lượng hình.

Cảm ơn và xin lỗi

Từ bà Trương Mỹ Lan cho tới các bị cáo trong vụ án đều dành phần đầu lời nói sau cùng để gửi lời cảm ơn đến các cơ quan điều tra, công an, VKS, HĐXX, trại tạm giam, các cán bộ dẫn giải, lực lượng y tế, luật sư... Họ biết ơn vì những đơn vị, cá nhân này đã tạo điều kiện chăm sóc tinh thần, hỗ trợ, động viên suốt những tháng ngày trong trại tạm giam, cho đến những ngày diễn ra phiên tòa.

HĐXX đã điều hành phiên tòa một cách dân chủ, cho bị cáo trình bày các quan điểm. VKS đã đối đáp, tranh luận với các bị cáo để làm rõ bản chất vụ án. 

Một số bị cáo trình bày bản thân mang nhiều bệnh, tái phát trong thời điểm bị tạm giam. Nhờ có các cán bộ y tế hỗ trợ thăm khám, thuốc thang kịp thời mà giúp các bị cáo có đủ sức khỏe tham gia phiên tòa.

Lời nói sau cùng đọng lại sau phiên tòa xử bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo-2
Bị cáo Nguyễn Văn Hưng (Ảnh: Hải Long).

Bên cạnh những lời cảm ơn thiết tha, nhiều lời xin lỗi cũng đã được thốt ra.

Với bà Trương Mỹ Lan, bị cáo gửi lời xin lỗi tới Chính phủ, cơ quan chức năng các cấp vì không thực hiện được lời hứa của mình suốt 11 năm tham gia tái cơ cấu Ngân hàng SCB. "Bị cáo rất hối hận khi tham gia vào lĩnh vực ngân hàng mới dẫn đến hậu quả như ngày hôm nay...", bà Lan nói.

Chồng bà Lan, ông Chu Lập Cơ trong 10 phút nói lời sau cùng cũng dành nhiều lời xin lỗi gửi tới người vợ của mình. "Tôi gửi lời xin lỗi từ tận trái tim đến vợ vì để bà đơn độc trên thương trường, đưa ra quyết định rủi ro. Tôi hứa sẽ dùng phần đời còn lại sát cánh với vợ để khắc phục hậu quả vụ án", ông Chu Lập Cơ bày tỏ.

Còn với ông Nguyễn Cao Trí, người bị cáo buộc chiếm đoạt 1.000 tỷ của bà Lan, gửi lời xin lỗi đến gia đình, người thân, anh chị em cộng sự, những người đã vô cùng đau đớn nhưng vẫn nỗ lực ngày đêm làm việc cật lực hơn một năm qua để đảm bảo sự hoạt động bình thường của cả hệ thống giáo dục của bị cáo.

"Xin gửi lời xin lỗi tới những người vì bị cáo nhờ vả mà liên quan vụ án. Xin lỗi mẹ vì con 50 tuổi mà vẫn chưa lớn, làm đau lòng mẹ cha. Xin lỗi vợ đã trút hết gánh lo, gánh nặng tới vợ, để vợ vất vả một mình bươn chải", bị cáo Bùi Đức Khoa, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Natural Land trình bày.

Ăn năn, hối hận

"Bị cáo vô cùng ăn năn, hối hận, cảm thấy xấu hổ với gia đình. Chỉ vì sai phạm mà dẫn tới cái giá đón nhận phải chia ly với gia đình, người thân", một phần trong lời nói sau cùng của bị cáo Hồ Bảo Ngọc, Giám đốc Vùng 2 SCB.

Đó cũng chính là lời được nhiều bị cáo trong vụ án liên tục nhắc đi nhắc lại suốt quá trình xét xử, tranh tụng và vào ít phút ngắn ngủi trước khi tòa nghị án. 

"Bị cáo mang nặng sự hối hận khi vi phạm dẫn tới là một phần gây ra hậu quả quá lớn trong vụ án. Tại trại tạm giam, bị cáo vô cùng đau lòng khi vợ bị cáo gồng mình gánh vác trách nhiệm với gia đình, một mình chăm sóc con, bố bị tai biến liệt nửa người 3 năm nay", Nguyễn Ngọc Tú, Phó giám đốc SCB Chi nhánh Cống Quỳnh bày tỏ.

Lời nói sau cùng đọng lại sau phiên tòa xử bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo-3
Bị cáo Chu Lập Cơ (Ảnh: Hải Long).

"Trong ngày tháng ở trại tạm giam, không ngờ việc làm của mình do không hiểu biết pháp luật mà gây ra cơ sự ngày hôm nay. Bị cáo cúi đầu xin HĐXX xem xét khoan hồng", nhân viên Công ty CP Natural Land Nguyễn Thị Khánh Vân nói.

Bị cáo Trương Khánh Hoàng (nguyên Quyền Tổng giám đốc SCB) biết mình mắc nhiều lầm lỗi, gây nhiều hậu quả. "Tới một ngày bị cáo nhận ra tuổi trẻ của mình quá nông nỗi và bồng bột để lao vào cuộc sống mưu sinh, đánh mất mình là ai và mục đích cuộc đời là gì", Hoàng nói.

Cháu gái của bà Trương Mỹ Lan - Trương Huệ Vân là bị cáo suốt những ngày xét xử ít được xét hỏi nhất, chỉ đồng ý theo lời luật sư bào chữa, nay cũng bày tỏ sự hối hận trong giây phút nói lời sau cùng.

"18 tháng qua, bị cáo học vô số bài học quý giá. Bị cáo nhận thức bản chất sâu sắc của cuộc sống. Bài học quý giá nhất chỉ được học qua khổ đau. Sau tất cả bị cáo sẽ là người tốt hơn, cống hiến nhiều hơn với tinh thần thượng tôn pháp luật", giọng bị cáo nghẹn lại, chùng xuống.

Những giọt nước mắt xin khoan hồng

Theo quan sát của phóng viên, ngay khoảnh khắc được HĐXX cho nói lời sau cùng, nhiều bị cáo đã bật khóc nức nở, trình bày trong nước mắt.

Bị cáo Trương Mỹ Lan - người bị cáo buộc chủ mưu trong vụ án - nhớ lại những ngày ở trại giam. Hàng đêm, bà luôn day dứt một câu hỏi là vì sao bản thân và gia đình lại lâm vào hoàn cảnh như thế này? 

"Tôi nghĩ cảnh chồng và cháu tôi cũng đang bị tạm giam. Nghĩ đến tất cả các bị cáo ngày hôm nay bị thế này, nghĩ đến người thân, gia đình, con gái tôi bị bệnh bại liệt sợ nó tái phát...", bà Lan bật khóc và cho biết trước đó gia đình luôn sum vầy đoàn kết bên nhau. Khi vụ án xảy ra nhiều người đi tù, gia đình tan nát.

"Không biết còn có cơ hội gặp nhau nữa hay không, có được cùng nhau ăn chung một bữa cơm nữa không. Trên chiếc xe tù dẫn giải rời khỏi tòa về trại giam, tôi chỉ ước bắt được những bàn tay vẫy của người thân bên lề đường hay qua màn hình tivi để tìm cháu ruột, chồng, người thân của tôi. Tôi tan nát cả cõi lòng", bị cáo nói.

Lời nói sau cùng đọng lại sau phiên tòa xử bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo-4
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn (Ảnh: A.T).

Cựu Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước bật khóc suốt 10 phút nói lời sau cùng. "Bị cáo mong tòa và cơ quan tham gia tố tụng mở lòng từ bi bác ái, độ lượng với bị cáo và 11 thành viên đoàn thanh tra và 2 lãnh đạo, để mọi người sớm trở về gia đình dưỡng bệnh, là chỗ dựa tinh thần cho các con các cháu. Gia đình đã ly tán khi bị cáo vướng vòng lao lý", bà Nhàn nói.

Đến như người phụ nữ là Trưởng Ban kiểm soát SCB trong những ngày xét xử chỉ nói nhỏ nhẹ, thi thoảng bật cười khiến HĐXX phải nhắc nhở, thì đến lúc nói lời cuối cùng, bị cáo Phạm Thu Phong cũng khóc nghẹn.

"Mong HĐXX chấp nhận đề nghị của VKS cho bị cáo hưởng án treo. Đây sẽ là món quà vô giá để bị cáo quỳ trước di ảnh của mẹ xin tha tội, món quà để bị cáo mở lời nói chuyện với con mình, vì gần như bị cáo không nói chuyện được với con bị cáo. Con bị cáo bị trầm cảm", bà Phong bày tỏ.

"Chỉ vì sự chủ quan, thiếu hiểu biết pháp luật dẫn tới hành vi vi phạm này. Bị cáo mong HĐXX xem xét cho chính sách khoan hồng đặc biệt để sớm trở về với gia đình, xã hội, chăm sóc ba mẹ, vợ con, tiếp tục là công dân tốt đóng góp phần nhỏ bé cho xã hội". Lời của bị cáo Dương Tấn Trước (Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Tường Việt) vừa nói vừa khóc cũng là lời sau cùng chung của phần lớn các bị cáo.

Lời nói sau cùng đọng lại sau phiên tòa xử bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo-5
Một bị cáo trong phiên tòa (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Những ngày xét hỏi, tranh luận có thể còn có bị cáo phản ứng, chối tội đan xen. Nhưng vào giờ phút cuối cùng được nói trước khi số phận pháp lý của họ bị định đoạt bởi bản án của tòa, chỉ còn những lời hối hận muộn màng, những lời tha thiết xin khoan hồng được thốt lên.

Theo Dân Trí