Tít về tận cùng phía nam Châu Á, Bhutan, đất nước được mệnh danh "quốc gia hạnh phúc nhất thế giới", nơi niềm vui được coi là thước đo của sự phát triển chứ không phải là những con số GDP khô khan. Tại đó cũng có một bộ phận người thuộc cộng đồng LGBT, có điều những người này may mắn không phải chịu sự dè bỉu, coi thường từ xã hội như một số khác trên thế giới.
"Tôi chưa bao giờ phải đối mặt với bất cứ sự quấy rối, chửi rủa nào hết", Karma Dupchen, 23 tuổi, là một người đồng tính nam công khai tại Bhutan cho biết. Đối với anh, là một người đồng tính tại Bhutan là một trải nghiệm rất lạ lẫm, bởi ở quốc gia tràn ngập sự hạnh phúc này người ta chưa bao giờ biết tới khái niệm đồng tính hay chuyển giới là gì. Nhưng cũng không có nghĩa là những người thuộc cộng đồng LGBT tại đây không có bất cứ ham muốn tìm được tình yêu của đời mình, chỉ là họ khó có thể chia sẻ về câu chuyện bản thân. Mặt khác, người đồng tính nữ tại Bhutan lại khá mập mờ về bản thân, thường xuyên bị nhầm lẫn mình với người chuyển giới nam.
Nhớ lại vào năm 2013, khi Dupchen bắt đầu công khai bản thân, anh đã tạo một trang trên Facebook có tên LGBT Bhutan, cũng là một trong những cộng đồng đầu tiên dành cho giới LGBT, tuy nhiên số người tham gia cũng chẳng phải nhiều nhặn gì. Dupchen cũng có rất ít bạn bè trong giới để chia sẻ về cuộc sống, tình yêu, sở thích. Tại Bhutan chưa hề có tổ chức nào đại diện cho bộ phận LGBT, và tất nhiên cũng chẳng có chốn tụ họp dành cho người thuộc cộng đồng này.
Thực tế là luật pháp Bhutan có hình phạt dành cho "hành vi tình dục chống lại tự nhiên" với mức tù giam lên đến 1 năm. Tuy nhiên chưa một trường hợp nào tại đất nước này phải chịu mức án trên, cũng như một vài thành viên Nghị viện nước này cũng tỏ ra rất cởi mở, sẵn sàng xóa bỏ đạo luật đó để đổi mới lý tưởng chính trị của Bhutan.
Bhutan có lẽ là nơi mà cộng đồng LGBT cảm thấy yên bình nhất.
Dechen Wangmo là một cố vấn viên y tế cộng đồng đang làm việc với Bộ y tế Bhutan và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc về phòng chống HIV/AIDS. Cô cũng là người phát động mạng lưới Lhak-Sam, chương trình hỗ trợ cho những người dương tính với HIV tại quốc gia này. Chính phủ Bhutan đã ra chính sách cung cấp chế độ điều trị miễn phí cho tất cả người dân nhiễm HIV/AIDS.
Tuy nhiên tại Bhutan, người dân rất thiếu kiến thức về vấn đề nhạy cảm này, kể cả những cán bộ điều hành chính phủ. Wangmo đã từng làm một cuộc điều tra trên khắp đất nước để lấy số liệu những người đàn ông có quan hệ tình dục với người đồng giới. Kết quả, trong 700.000 người dân, có tới 4.000 nam giới thừa nhận quan hệ với người cùng giới. Tuy nhiên sau khi trình số liệu lên chính phủ, Thư ký bộ Y tế đã hỏi Wangmo rằng liệu cô đã bao giờ thực sự thấy ai như vậy ở Bhutan hay chưa, đồng thời cho rằng hiện tượng này là do lây nhiễm văn hóa phương Tây.
Trái lại, có một chuyện rất thú vị ở quốc gia hạnh phúc. Nếu như ở các quốc gia khác trên thế giới, tôn giáo chính là một trong những rào cản chống lại cộng đồng LGBT, thì ở Bhutan đây lại là giải pháp cho cộng đồng này. Như trong năm nay, Dzongsar Jamyang Khyentse một nhà làm phim người Bhutan, cũng là một Phật tử đã đăng tải một video lên Youtube nói lên ý kiến của mình về hiện tượng tình yêu đồng tính:
"Bạn không nên xin tha thứ vì chuyện đồng tính, bạn nên tôn trọng điều ấy. Nếu bạn cầu xin sự tha thứ có nghĩa là bạn nghĩ rằng đó là một điều sai trái. Hãy vượt qua chuyện đó", đồng thời anh cũng cho rằng yêu người cùng giới không hề ảnh hưởng đến tôn giáo mà một người đang theo đuổi.
Theo kênh 14/ trí thức trẻ