Ngoài những tác dụng khiến sản phụ không bị đau đớn, giảm cơn đau chuyển dạ kéo dài, thì phương pháp gây tê ngoài màng cứng cũng tiềm ẩn nhiều biến chứng không mong muốn như đau lưng, nhức đầu, hạ huyết áp, tổn thương thần kinh gây yếu, mất cảm giác, sốt…

Một số bà bầu cho đến tận ngày sinh vẫn hoang mang chưa biết nên cố gắng chịu đau để sinh con tự nhiên hay là chọn phương pháp "đẻ không đau" vì những thông tin trái chiều.

Chị Ngô Hạnh (Quận Ba Đình, Hà Nội) khẽ rùng mình khi nhớ lại cảm giác lúc sinh con: "Hồi sinh đứa đầu, tôi đau suốt 12 tiếng đồng hồ mới sinh được. Đối với tôi, 12 tiếng ấy như kéo dài cả năm. Nghe chồng tôi nói tôi khóc lóc, vật vã vì đau, còn cấu anh ấy tím tái hết cả cánh tay từ vai trở xuống. Lúc đó tôi không còn biết gì nữa, chỉ mong bác sỹ gọi ra phòng đẻ.

Nhưng ra kiểm tra đến vài lần mà tử cung vẫn chưa mở để cho em bé ra. Cái thời ấy cách đây cũng gần mười năm, còn bây giờ người ta có phương pháp đẻ không đau hoặc mổ đẻ rồi. Vì sợ cái lần sinh đầu tiên nên lần này tôi quyết sinh con bằng phương pháp mổ đẻ, chọn ngày lành tháng tốt cho con ra đời.


Phương pháp gây tê ngoài màng cứng có thể tiềm ẩn nhiều biến chứng không mong muốn (Ảnh minh họa)


Thế nhưng bác sỹ khuyên không nên mổ nếu tôi có thể đẻ thường. Thấy tôi kể lại lần sinh nở trước khủng khiếp thế nào, bác sỹ nói có thể chọn phương pháp gây tê màng cứng để sinh con mà không phải chịu cơn đau chuyển dạ kéo dài mười mấy giờ đồng hồ như trước. Tôi đồng ý. Thế nhưng cái gì cũng có mặt trái của nó.

Quả nhiên khi dùng phương pháp này tôi không phải chịu đau kéo dài nhưng đến lúc bác sỹ khâu tầng sinh môn thì thật kinh khủng. Tôi nghe rõ tiếng sồn sột bác sỹ khâu từng mũi và kéo chỉ, đau đến mức tôi hét toáng lên, bác sỹ đã phải dừng tiêm thuốc tê thêm hai lần. Chưa hết, sau khi sinh tôi bị chóng mặt, buồn nôn và lạnh run. Cái cảm giác như mình sắp chết cứ đeo bám lấy tôi trong lúc ấy, tôi chỉ sợ không còn kịp ôm con một lần.

Cũng may, tôi đã xong kế hoạch, có hai nhóc tỳ xinh xắn, chứ có cho tiền tỷ cũng không dám đẻ nữa". Khác với chị Hạnh, chị Lan ở Đống Đa, Hà Nội lạc quan hơn: "Tôi mới sinh con lần đầu, vì sợ đau nên cũng chọn luôn phương pháp gây tê màng cứng. Thực ra lúc đầu, khi chưa sinh tôi cũng lo lắng lắm, nghe mọi người nói là gây tê ngoài màng cứng nếu bác sỹ sơ ý chích thuốc vào tủy sống không đúng cách có thể bị liệt.

Tôi cũng đọc sách tham khảo, tư vấn bác sĩ thì thấy chuyện này ở nước ngoài người ta đã áp dụng từ rất lâu rồi và rất hiếm khi xảy ra những sự cố đáng tiếc. Lúc sinh, bác sỹ thấy tôi run nên quá nên trấn an: "Em đừng sợ, không có gì đâu, tại phụ nữ Việt Nam mình quen chịu khổ, chịu đau nên cứ phải chịu đựng đau đẻ thế chứ ở nước ngoài người ta áp dụng đẻ không đau bao năm nay rồi".

Trong khi các bà mẹ la hét inh om ở bên cạnh thì tôi lim dim mắt chờ bác sỹ khâu, tận hưởng cảm giác sắp được làm mẹ thật hạnh phúc". Chị Ngọc Anh, ở Ninh Bình sinh con được 5 ngày, mới được ra viện thì thảng thốt chia sẻ: "Mình sợ lắm rồi, lần sau sẽ cố chịu đau để sinh thường thôi.

Cái gì cũng có giá của nó. Mấy ngày trước, mình tưởng đã mất con, may mà giờ con vẫn ở đây với mẹ". Chị vừa nói vừa cúi xuống hôn hít cậu bé trai xinh xắn đang thiêm thiếp ngủ trong tay. "Mình sợ đau nên cũng chọn phương pháp đẻ không đau. Trong lúc sinh con, mình bị tụt huyết áp khiến cho con bị giảm nhịp tim đột ngột.

Nằm trên bàn đẻ mình loáng thoáng nghe được con mình phải đưa vào cấp cứu vì tim không ổn định. Sản phụ bên cạnh lại còn nói là do thuốc gây tê nên mẹ giảm huyết áp ảnh hưởng đến thai nhi, mình chỉ biết khóc ròng vì hối hận.

Ai cũng nói sinh con mang nặng đẻ đau thì mới biết thế nào là làm mẹ, vậy mà mình chỉ muốn sinh con một cách nhẹ nhàng, không phải đau đớn gì, thật trái quy luật. Lần sau dù có đau mấy mình cũng vẫn đẻ thường".

Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, bất kỳ can thiệp y tế nào khi sinh đẻ như phương pháp gây tê ngoài màng cứng cũng có một số biến chứng tiềm ẩn những rủi ro, vì vậy mẹ bầu cần cân nhắc có áp dụng phương pháp này hay không. Trước khi quyết định cách sinh con, sản phụ nên tham khảo kỹ các vấn đề liên quan tùy vào tình trạng sức của mẹ và thai kỳ hiện tại của mỗi người.

Tuy nhiên biện pháp đẻ không đau tuyệt đối không áp cho những trường hợp sản phụ bị cong cột sống, khe sống giữa 2 đốt sống hẹp nên không thể đưa kim vào để tiêm thuốc, hay có tiền sử máu không đông, nước ối bị nhiễm khuẩn lúc chuyển dạ, mắc bệnh ngoài da tại khu vực xương sống thắt lưng, nhiễm trùng vùng lưng bệnh lý nặng của hệ thống thần kinh trung ương, dị ứng với thuốc tê nhóm amide, tụt huyết áp…

Đặc biệt, khi các mẹ bầu có mong muốn áp dụng bằng biện pháp đẻ không đau nên đăng ký sinh đẻ tại các cơ sở sản khoa lớn với các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.

Theo Gia Đình Việt Nam