‘Long hổ phong vân’: Phim nội gián đỉnh cao của đạo diễn vừa qua đời

Nhà làm phim nổi tiếng người Hong Kong, Lâm Lĩnh Đông mới qua đời hôm 29/12. Xuyên suốt sự nghiệp của ông, “Long hổ phong vân” có lẽ là điểm sáng rực rỡ nhất đối với họ Lâm.

Thập niên 1980 là thời kỳ hoàng kim của điện ảnh Hong Kong với rất nhiều tác phẩm điện ảnh và tên tuổi nghệ sĩ đáng nhớ của đủ mọi dòng phim, từ hành động, kiếm hiệp, tâm lý xã hội, hài, kinh dị, và thậm chí là cả phim “cấp III”.

Tuy thành công trên nhiều mặt và lôi cuốn sự chú ý của công chúng, đặc biệt là khán giả châu Á, nhưng điện ảnh xứ Cảng Thơm gây tiếng vang ở tầm quốc tế và ảnh hưởng tới giới làm phim Hollywood chủ yếu qua dòng hành động, nhất là qua các tác phẩm của bộ đôi đạo diễn - giám chế Từ Khắc và Ngô Vũ Sâm.

Trẻ tuổi hơn họ Từ và họ Ngô, có sự nghiệp ngắn ngủi hơn hai bậc đàn anh, nhưng luôn được coi là có dấu ấn không kém đối với dòng phim hành động Hong Kong thập niên 1980 chính là Lâm Lĩnh Đông (Ringo Lam). Ảnh hưởng sâu rộng của ông chủ yếu đến từ bộ phim Long hổ phong vân (City on Fire), ra đời vào năm 1987.

Câu chuyện nội gián kinh điển

Long hổ phong vân là câu chuyện về Cao Thu (Châu Nhuận Phát) - một đặc cảnh chuyên nhận nhiệm vụ thâm nhập các băng đảng xã hội đen tại Hong Kong.

Quá chán nản với công việc nội gián vừa hiểm nguy, vừa đòi hỏi cách hành xử hai mặt, lại mong muốn có cơ hội sớm lập gia đình với người bạn gái A Hồng (Ngô Gia Lệ), Cao Thu cố gắng tìm cách từ bỏ công việc cảnh sát chìm.

‘Long hổ phong vân’: Phim nội gián đỉnh cao của đạo diễn vừa qua đời-1
Long hổ phong vân thường được coi là tác phẩm hay nhất trong sự nghiệp của Lâm Lĩnh Đông.

Tuy nhiên, sau khi một cảnh sát chìm khác (Từ Cẩm Giang) bị bại lộ danh tính khi đang điều tra vụ cướp trang sức và bị bọn tội phạm sát hại, thượng cấp của Cao là thanh tra Lưu (Tôn Việt) đã thuyết phục Cao Thu thực hiện phi vụ nội gián cuối cùng. Đó là luồn vào hàng ngũ một băng cướp để moi thông tin về kế hoạch tiếp theo của chúng, qua đó giúp cảnh sát có thể tóm gọn tất cả ngay tại trận.

Bằng kinh nghiệm lâu năm, cuối cùng, Cao Thu cũng thâm nhập được vào băng đảng của A Hổ (Lý Tu Hiền).

A Hổ là tay anh chị cộm cán, từng thẳng tay giết chết cảnh sát để yểm trợ đồng bọn. Nhưng càng nằm vùng trong băng đảng của gã, Cao Thu càng nhận ra rằng A Hổ là một tay giang hồ “thứ thiệt”: trọng nghĩa khí và quan tâm chân thành đến đàn em - điều mà chính cấp trên của Cao Thu - những cảnh sát “thứ thiệt” - không hề dành cho thuộc cấp.

Thật ngược đời khi tuy là cảnh sát, Cao Thu lại chỉ tìm được duy nhất một người ủng hộ từ lực lượng của mình là thanh tra Lưu - một sĩ quan đã già nua và luôn bị lấn át bởi tay thanh tra trẻ tuổi họ Trần (Trương Diệu Dương). Thêm vào đó, cuộc sống riêng tư của họ Cao cũng gặp rắc rối khi A Hồng bày tỏ rằng cô không thể chịu đựng được cuộc sống hai mặt của người bạn trai.

Chiếm được lòng tin của A Hổ, dần tiến đến mục tiêu phá án khi băng cướp của gã chuẩn bị tiến hành một phi vụ lớn, nhưng Cao Thu dần nhận ra rằng anh đang đứng trước lựa chọn sinh tử: hoặc quay lưng lại với tình nghĩa chân thành mà A Hổ dành cho mình để đưa băng cướp vào cái bẫy đã giăng sẵn của cảnh sát, hoặc theo A Hổ đến cùng để rồi vi phạm nhiệm vụ mà mình được giao.

Hành động bù đắp cho nội dung

Long hổ phong vân sử dụng mô-típ nổi tiếng của phim hình sự Hồng Kông: cảnh sát làm nội gián phải đứng trước tình huống khó xử về mặt đạo nghĩa là làm thế nào để vừa hoàn thành nhiệm vụ nhằm bảo toàn chữ “trung”, vừa đáp lại tình huynh đệ sống chết có nhau của những “người anh em” trong băng đảng nhằm bảo toàn chữ “nghĩa”.

Nhắc tới mô-típ ấy, nhiều khán giả sẽ nghĩ ngay tới nhiều tựa để nổi tiếng của điện ảnh Hong Kong như Lạt thủ thần thám (1992) đến từ Ngô Vũ Sâm, hay loạt Vô gián đạo (2002) của Lưu Vỹ Cường (với cả hai đều có Lương Triều Vỹ trong vai chính là cảnh sát nội gián).

Có một điều thú vị rằng Lưu Vỹ Cường chính là nhà quay phim của Lâm Lĩnh Đông trong Long hổ phong vân. Có lẽ bởi vậy mà Vô gián đạo sau này chứa đựng không ít chi tiết tương đồng với tác phẩm của họ Lâm.

‘Long hổ phong vân’: Phim nội gián đỉnh cao của đạo diễn vừa qua đời-2
Các pha hành động hoành tráng giúp người xem quên đi nhiều điểm yếu về mặt kịch bản của bộ phim.

Tuy nhiên, nếu so sánh với Vô gián đạo, kịch bản của Long hổ phong vân nhìn chung chưa mang nhiều tính đột phá bởi cấu trúc tuyến tính truyền thống của dòng phim hành động Hong Kong, và thiếu đi những nút thắt mở để thu hút khán giả.

Để bù đắp cho điểm yếu ấy về kịch bản, Lâm Lĩnh Đông đem tới cho Long hổ phong vân thế mạnh lớn nhất của bản thân: những cảnh quay hành động hoành tráng, mang tính biểu tượng cao, đồng thời luôn giữ cho nhịp phim dồn dập, cuốn hút, mà không cần nhờ tới “kỹ xảo” về mặt kịch bản.

Nhịp phim nhanh, được đẩy dần lên cho tới trường đoạn cao trào đã giúp Long hổ phong vân hoàn toàn lôi cuốn khán giả khi tác phẩm tránh được những phút bi luỵ không đáng có mà một đạo diễn non tay hơn sẽ rất dễ mắc phải nếu tập trung quá nhiều vào việc khai thác mối quan hệ giữa Cao Thu và A Hồng.

Đóng góp đáng kể vào thành công của Long hổ phong vân là diễn xuất tưng tửng nhưng đầy cuốn hút của Châu Nhuận Phát. Anh vừa tỏ ra là một tay xã hội đen hạng bét lêu lổng, cợt nhả, lại vừa thể hiện được rằng đằng sau cái mặt nạ “nham nhở” đó là một cảnh sát, hay đúng hơn là một con người biết trân trọng sứ mệnh được giao và cả nghĩa khí theo kiểu giang hồ.

Gây ấn tượng không kém họ Châu là Lý Tu Hiền - diễn viên “chuyên trị” vai thanh tra cảnh sát, nhưng vẫn cho thấy tài năng trong vai tay trùm A Hổ tàn bạo nhưng trọng nghĩa khí.

Sức ảnh hưởng lan tỏa đến Hollywood

Cao Thu và A Hổ chính là trung tâm của những cảnh hành động mang tính hình tượng rất cao của Long hổ phong vân mà sau này nhiều đạo diễn Hollywood nổi tiếng đã gần như áp dụng y nguyên cho các bộ phim hành động của họ.

Đó là cảnh đấu súng tay ba mà Quentin Tarantino sử dụng cho Reservoir Dogs (1992). Đó là hình ảnh đạn xuyên qua vách tôn, tạo ra những lỗ hổng kiểu “thiên hà” cho ánh sáng lọt vào mà sau này Luc Besson lặp lại trong tác phẩm đáng nhớ Léon: The Professional (1994).

‘Long hổ phong vân’: Phim nội gián đỉnh cao của đạo diễn vừa qua đời-3
City on Fire có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới Resovoir Dogs (1992) của Quentin Tarantino sau này.

Tất nhiên, nhiều phim hành động kiểu truyền thống khác của Hong Kong cũng cố gom hết các yếu tổ ấn tượng thị giác như vậy vào một tiếng rưỡi (thời lượng trung bình của hầu hết phim Hong Kong). Nhưng kết hợp tất cả một cách thành công, tránh được những lỗi ngớ ngẩn về quay phim, dựng phim, thì có lẽ không ai sánh bằng Lâm Lĩnh Đông và Ngô Vũ Sâm.

Kể từ năm 1992 tới nay, Quentin Tarantino luôn được coi là một trong những đạo diễn hàng đầu của Hollywood. Sự nghiệp dày dặn, được nhiều người nể phục của Tarantino có mở đầu vang dội bởi tác phẩm hành động kịch tính với cá tính rất riêng Reservoir Dogs.

Nhưng với nhiều người hâm mộ điện ảnh Hong Kong, Reservoir Dogs chẳng qua chỉ là một phiên bản “bắt chước” hay “làm lại của Long hổ phong vân. Quả thực, hai tác phẩm có một vài phân cảnh giống nhau, và nếu áp đặt một cách khiên cưỡng thì người ta cũng có thể nói rằng hình tượng cảnh sát nội gian Cao Thu đã bị Tarantino “xào” lại cho Reservoir Dogs.

Song, cách thực hiện và ý tưởng của hai tác phẩm thì hoàn toàn khác nhau. Và việc gom chung hai phim làm một như vậy không chỉ làm giảm giá trị cho phong cách làm phim nhiều thoại, nhiều nút thắt mở của Quentin Tarantino, mà còn làm giảm giá trị của cả phong cách phim hành động rất riêng đến từ Lâm Lĩnh Đông.

Long hổ phong vân đem lại cho Lâm Lĩnh Đông thành công lớn về thương mại và nghệ thuật khi bộ phim vừa gây tiếng vang trên thị trường, vừa giúp họ Lâm giành giải Đạo diễn xuất sắc tại sự kiện Giải thưởng Điện ảnh Hong Kong năm 1987.

‘Long hổ phong vân’: Phim nội gián đỉnh cao của đạo diễn vừa qua đời-4
Đạo diễn Lâm Lĩnh Đông đột ngột qua đời ở tuổi 63.

Sau tác phẩm này, Lâm Lĩnh Đông còn cho ra đời nhiều bộ phim “Phong vân” (On Fire) khác như Giam ngục phong vân (Prison on Fire, 1987), Học giáo phong vân (School on Fire, 1988), và gần đây nhất là Trùng thiên hoả (Sky on Fire, 2016). Nhưng chẳng tác phẩm nào đạt tới tầm thành công của bộ phim gốc.

Lâm Lĩnh Đông thực tế còn thử sức tại Hollywood khi ông hợp tác với ngôi sao hành động lừng danh Jean-Claude Van Damme trong các tác phẩm như Maximum Risk (1996) và Replicant (2001). Nhưng chúng đều không gây được tiếng vang cần thiết sau khi ra mắt.

Lâm Lĩnh Đông mới qua đời hôm 29/12. Đời làm điện ảnh thường chỉ có một đỉnh cao duy nhất. Và nếu đỉnh cao ấy là một tác phẩm “phải xem” đối với bất cứ ai yêu mến điện ảnh Hong Kong và phim hành động như Long hổ phong vân, tác giả của nó hoàn toàn có thể cảm thấy tự hào khi bước sang thế giới bên kia.


Theo Zing


phim TVB Phim Hollywood

Tin tức mới nhất