Ca sĩ Long Nhật
Long Nhật là cái tên quen thuộc với hầu hết khán giả Việt trong nhiều năm qua. Là khách mời trong chương trình Đời Nghệ Sĩ, nam ca sĩ gốc Huế đã kể những câu chuyện thú vị phía sau màn nhung sân khấu, về những tình cảm đầm ấm từ gia đình, người thân khi anh theo đuổi nghệ thuật.
Cha sợ tôi hư thân mất nết khi theo nghệ thuật
Tuy đam mê ca hát và ôm giấc mơ trở thành ca sĩ từ nhỏ nhưng Long Nhật không nhận được sự ủng hộ từ gia đình. Dù bị cha cấm cản nhưng Long Nhật vẫn trốn nhà đi theo đoàn hát và khiến ông tức giận tới mức đòi lên báo, đăng tin từ mặt con trai.
Nhớ lại năm tháng đó, ca sĩ Long Nhật kể: "Khi tôi vừa nhận thông tin chính thức được vào Đoàn hát Hải Đăng 1 thì có một lá thư của gia đình gửi vào với nội dung: 'Cha Long Nhật sẽ đăng báo từ con'. Niềm vui chưa kịp vỡ òa thì 'sét đánh ngang tai'.
Thời điểm đó, gia đình nào giàu lắm mới có điện thoại để bàn. Để liên lạc với gia đình, tôi đánh điện tín về nhà và hẹn 3 giờ chiều hôm sau cha tôi ra bưu điện để nghe điện thoại.
Đó là năm 1990, tôi hứa với ba đến năm 1992 có hội diễn sẽ đem về giải thưởng. Nếu đạt được kết quả, tôi sẽ tiếp tục theo đuổi con đường nghệ thuật. Nếu không, tôi sẽ trở về học sư phạm cũng như nghe theo mọi sắp xếp của ba.
May mắn là những bài hát năm 1992 như 'Mấy Nhịp Cầu Tre', 'Nụ Hồng', 'Lặng Thầm', 'Về Quê Ngoại'… đã giúp tôi đoạt Huy chương Vàng".
Long Nhật chia sẻ trong chương trình "Đời Nghệ Sĩ".
Thời điểm ca khúc Mấy Nhịp Cầu Tre phát đi phát lại trên truyền hình, cả gia đình Long Nhật ai nấy đều cảm thấy vui mừng ngoại trừ cha.
Ông thở dài và dặn dò Long Nhật: "Thôi, đất không chịu trời thì trời chịu đất vậy. Con nhớ khi đi hát phải giữ mình, nghề này nhìn lộng lẫy, hào quang nhưng rất nhiều cạm bẫy, nhiều thị phim, ba sợ con hư thân mất nết.
Tôi cũng nói với ba là, con không đi chơi. Con sợ xấu, con sợ hát dở. Ba yên tâm, con làm nghề, sau giờ hát là con về nhà đi ngủ chứ không làm gì để ba lo.
Ngày xưa, mọi người mê phim bộ lắm nhưng tôi thì không. Cả đoàn coi phim bộ nhưng tôi không coi, đi ngủ sớm. Buổi trưa cũng vậy.
Sức khỏe thì yếu. Tôi có những căn bệnh không phù hợp với công việc của một ca sĩ. Tôi bị hen suyễn, viêm mũi dị ứng… nhưng từ khi về Nha Trang sinh sống thì nắng ấm nên khỏi bệnh lúc nào không hay. Đó là điều cha mừng nhất", Long Nhật kể.
Nghèo khổ cũng được, miễn sao được đứng trên sân khấu
Nhìn lại hành trình làm nghề hơn 30 năm qua, Long Nhật cho biết anh đến với nghệ thuật bằng một tình yêu mãnh liệt, trong sáng và ngây thơ. Thời điểm vào nghề, không ít lần anh chẳng còn đồng nào dính túi và phải đi ăn cơm nhờ nhà diễn viên Y Phụng.
Ấy vậy mà khi vô tình nghe được câu chuyện của một đàn chị nổi tiếng dự định bỏ nghề hát sau khi lấy được chồng giàu, Long Nhật đã cảm thấy vô cùng hoang mang. Bởi với anh, ca hát mang lại niềm vui và năng lượng sống tích cực.
Đối với Long Nhật, được đi hát mới là hạnh phúc.
Nam ca sĩ nhấn mạnh: "Đi hát sướng như thế, được hát và được gặp khán giả. Tự nhiên lấy chồng giàu rồi ngồi ở nhà, nhớ sân khấu làm sao chịu nổi? Câu chuyện giàu có, nhiều tiền để khỏi đi hát là điều không bao giờ có trong suy nghĩ của tôi. Nghèo cũng được, khổ cũng được, miễn sao được hát trên sân khấu".
Bên cạnh đó, Long Nhật cũng kể nhiều câu chuyện thú vị và hài hước trong những lần đi biểu diễn. Thời điểm mới vào nghề và đi diễn bằng xe đạp, có lần nam ca sĩ vừa chạy đến nơi thì MC đã giới thiệu ngay tên anh. Quăng xe đạp và chạy vội lên sân khấu, Long Nhật vừa hát vừa dặn anh em trong đoàn trông chừng xe đạp của mình. Dù cẩn thận đến vậy nhưng khi biểu diễn xong, chiếc xe đạp của anh đã bị kẻ gian lấy mất.
Theo Phụ Nữ Việt Nam