Cách đây chưa lâu, ca sĩ Thanh Lam đã có phát ngôn làm chạnh lòng nhiều đồng nghiệp, đặc biệt là các ca sĩ đang hoạt động ở khu vực miền Nam.

Cụ thể, chị nói: "Không có ngành nghề nào không cần phải học cả. Vì không có trình độ thực sự thì không khai thác chiều sâu được, nó chỉ hớt váng được lúc đầu thôi. Nhưng trong miền Nam lại nổi lên nhiều ca sĩ chẳng học hành gì cả mà vẫn nổi tiếng nhờ truyền thông. Tôi đặt dấu hỏi về điều này".

Phát ngôn của chị ngay sau đó đã tạo nên một làn sóng phản ứng, tranh luận dữ dội từ công chúng và đồng nghiệp. Không ít người đồng tình và cũng nhiều người cảm thấy bị tổn thương. Bản thân Thanh Lam sau đó cũng đã "đính chính" về sự thiếu cẩn trọng trong lời nói của mình trên truyền thông.

Bên cạnh luồng tranh luận đa chiều về phát ngôn của diva, ca sĩ Long Nhật – một người bạn nhiều năm với Thanh Lam đã đưa ra cái nhìn khá công bằng với những lý lẽ khó chối cãi.

Ý kiến của Thanh Lam về ca sĩ miền Nam là hoàn toàn sai

Long Nhật nói: "Tôi hiểu Thanh Lam không phải là người xấu bụng. Cô ấy sống bản năng, ruột để ngoài da, nghĩ sao nói vậy nên đôi khi làm người khác đau lòng.

Sau đó, Thanh Lam cũng đã đính chính rằng nghệ sĩ đôi khi không cẩn trọng lời nói. Tôi nghĩ, đó là sự kịp thời và cần thiết.

Trong phát ngôn của Thanh Lam có hai vấn đề cần nói. Thứ nhất là câu chuyện học hay không học bài bản. Với nghệ sĩ, bằng cấp không phải là điều quan trọng, tất nhiên có thì cũng tốt.

Trường Y đào tạo 10 người, có thể cả 10 người làm bác sĩ nhưng trường âm nhạc đào tạo 10 ca sĩ thì chỉ được 1, 2. Ngoài những kiến thức cơ bản nhà trường trang bị cho thì nghệ sĩ cần năng khiếu bẩm sinh và Tổ nghiệp cho mới được.

Trong âm nhạc chỉ có 7 nốt, dựng cột hơi và phát âm nhả chữ. Học nhạc lý chẳng có gì khó thậm chí dễ như lấy đồ trong túi ra còn học làm bác sĩ chữa ung thư mới khó.

Với người ca sĩ, chỉ cần năng khiếu bẩm sinh và một thanh quản thật tốt là được. Người ta không học trường lớp thì học truyền nghề, từ kinh nghiệm đứng trên sân khấu của các thế hệ đi trước.

Có những người học nhạc rất giỏi nhưng chỉ làm giáo viên đứng lớp mà không trở thành nghệ sĩ được. Và cũng có những người dạy thanh nhạc nhưng phải mời ca sĩ tới thị phạm cho học trò vì nói suông trò không nghe, không hiểu.

Vấn đề ở đây, lý thuyết và thực hành là hai câu chuyện khác nhau. Có những người rất giỏi nhưng không thể đứng trên sân khấu vì không đáp ứng được thị hiếu của khán giả, âm nhạc của họ không có đời sống trong công chúng. Muốn trở thành nghệ sĩ còn cần sự duyên dáng của Tổ nghiệp cho.

Bởi vậy ý kiến của Thanh Lam cho rằng ca sĩ miền Nam nhiều người không học hành gì cũng nổi tiếng nhờ truyền thông là hoàn toàn sai.

Long Nhật: Thanh Lam là người ruột để ngoài da, chứ không xấu bụng-1
Ca sĩ Long Nhật.

Tôi ví dụ, chị Ngọc Ánh một thời là nữ hoàng nhạc rock, nữ hoàng băng cát-sét... một ngày chạy mấy chục show, chị hát 35 năm qua vẫn được khán giả yêu thương.

Về khía cạnh học thuật, dù chị chưa từng qua trường lớp đào tạo về âm nhạc nhưng chị sở hữu 300 giải thưởng, vô số huy chương vàng, huy chương bạc từ các cuộc thi, bình chọn uy tín trên cả nước.

Chị Ngọc Ánh không chỉ chinh phục hội đồng nghệ thuật trong nước mà còn chinh phục cả hội đồng nghệ thuật quốc tế gồm các giáo sư, tiến sĩ âm nhạc và giành giải Giọng ca vàng 10 nước Đông Nam Á năm 1996.

Chị không chỉ hát tiếng Việt mà còn hát tiếng Anh, tiếng Pháp. Đó là minh chứng hùng hồn trả lời cho câu nói của Thanh Lam.

Bên cạnh đó còn có cô Khánh Ly, 55 năm đi hát chưa từng biết một nốt nhạc nhưng giọng hát của cô phủ sóng toàn quốc. Cô Khánh Ly, chị Bảo Yến, Nhã Phương, Ngọc Ánh từng làm điêu đứng bao nhiêu thế hệ bằng giọng hát của mình.

Đời sống âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung phải là một vườn hoa nhiều sắc màu mới đẹp và không bị đơn điệu.

Không phải cứ có tiền, PR là nổi tiếng

Thứ hai, câu chuyện nổi tiếng không phải cứ muốn là được, không phải cứ hát hay là được, không phải cứ đổ tiền tỷ ra lăng xê, PR là được mà quyết định là ở Tổ nghiệp. Nghề chúng tôi có Tam vị Thánh tổ phù hộ.

Bên cạnh đó, thành danh hay không là ở khán giả. Khán giả là hội đồng giám khảo công tâm nhất, chính xác nhất và bền vững nhất. Dẫu có bỏ tiền tỷ ra để nhờ truyền thông PR mà khán giả nghe không thấy hay, không thích, không chấp nhận thì cũng không thể có tên tuổi.
 

Long Nhật: Thanh Lam là người ruột để ngoài da, chứ không xấu bụng-2
Thanh Lam

Có những người giải nhất cuộc thi này, quán quân cuộc thi kia nhưng khi bước ra sân khấu làm nghề, họ hoàn toàn vô danh.

Có những người chỉ giải Nhì, giải Ba thậm chí giải Tư nhưng khi làm nghề lại nổi tiếng. Đàm Vĩnh Hưng là một ví dụ. Hưng từng thi mấy lần đều rớt, tới Tiếng hát truyền hình thì nhận giải Tư nhưng tên tuổi còn nổi tiếng hơn nhiều lần các quán quân khác vì Hưng được khán giả thương.

Cũng có những người được trao giải bình chọn này, bài hát kia, truyền thông làm rần rần, thậm chí ghi hình trực tiếp nhưng tác phẩm âm nhạc của người đó không đi được vào đời sống của công chúng thì cũng chỉ 1, 2 tuần sau là trôi mất.

Đơn giản chỉ là công chúng không tiếp nhận. Và nếu như họ không liên tục lao động nghệ thuật, không liên tục sáng tạo thì dẫu có được PR thế nào cũng vậy thôi và sớm muộn sẽ trật khỏi đường ray nghệ thuật".

Theo Tri Thức Trẻ