Theo tạp chí Billboard, những người hâm mộ nhiệt thành không chỉ ảnh hưởng tới ngày phát hành sản phẩm, quảng bá các chuyến lưu diễn của thần tượng Hàn Quốc mà còn giúp tạo ra doanh thu thông qua các hoạt động trả phí liên quan.
Shin Cho, người đứng đầu mảng Kpop của Warner Music Asia, gọi hiện tượng này là “công nghiệp-fan” (fandustry).
Phương thức biểu hiện lòng trung thành của fan Kpop
Kpop đã trở thành ngành công nghiệp toàn cầu. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 100 triệu người trả tiền mua sản phẩm Kpop. Ngoài những sản phẩm âm nhạc (album, vé tour lưu diễn…), người hâm mộ Kpop còn chi trả khoản tiền cho các hoạt động thương mại phát sinh liên quan đến thần tượng.
Lorraine là người hâm mộ NCT ở Philippines. Khi nhóm nhạc nam phát hành NCT 2020-Resonance Part 1 vào tháng 10/2020, cô đã mua 60 album qua một trang web trực tuyến của Hàn Quốc. “Đây là cuộc chiến giữa tôi với những fan Kpop khác”, Lorraine cho biết. Đã chi 465 USD nhưng cô không hối tiếc vì những trải nghiệm này chỉ có một lần trong đời, theo CNN Philippines.
Mỗi cá nhân fan NCT có thể chi hàng trăm USD để mua album cho nhóm.
Tháng 6/2019, BlackPink đến tham gia sự kiện tại Manila (Philippines). Đơn vị tổ chức sự kiện thông báo có 568 người hâm mộ sẽ có cơ hội gặp gỡ BlackPink nếu có hóa đơn mua hàng hơn 36 USD trên trang thương mại điện tử. 40 người chi tiêu nhiều nhất sẽ nhận được chữ ký của nhóm nhạc nữ Hàn Quốc. Dean có hóa đơn mua hàng của cô là 2550 USD, vượt xa yêu cầu, nhưng cô vẫn không thể gặp BlackPink.
Gần đây, Tổng thống Pháp Macron đã hỏi những người sử dụng Twitter rằng họ muốn mua gì nếu có thể chi tiêu 300 euro cho sách, âm nhạc, phim, triển lãm hoặc buổi hòa nhạc. Một tài khoản đã viết: “Một buổi hòa nhạc của BTS. Hãy phát sóng trực tiếp Butter của BTS, thưa tổng thống”. Bình luận này đã được tweet lại 5.000 lần và thu hút 20.000 lượt thích.
Serena M.Vaswani - giảng viên đại học Ateneo De Manila - giải thích đối với người hâm mộ, việc tiêu thụ sản phẩm Kpop mang lại cảm xúc không thể diễn tả. Đây cũng là cách để fan biểu hiện lòng trung thành với thần tượng.
Người hâm mộ đã trở thành một phần không thể thiếu của hệ sinh thái Kpop. “Chúng tôi nỗ lực chi trả số tiền lớn để thần tượng có cuộc sống hạnh phúc”, một fan Kpop tiết lộ, theo CNN Philippines.
BlackPink là một trong những nghệ sĩ mang lại giá trị thương mại cao nhất Hàn Quốc.
Trả tiền để được tương tác với thần tượng
Năm 2020, Kpop là thể loại âm nhạc phát triển nhanh nhất trên thế giới, đặc biệt với thành công của nhóm nhạc BTS. Theo Liên đoàn Quốc tế Công nghiệp Ghi âm, doanh thu ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc đã tăng 44,8%, theo IFPI Global Music Report.
Theo Twitter, số lượt tìm kiếm về Kpop trên mạng xã hội này đã tăng từ 5,09 triệu USD năm 2010 lên 6,1 tỷ USD năm 2020.
Năm 2018, SM Entertainment cho ra mắt Lysn, ứng dụng di động dành cho “cộng đồng người hâm mộ theo sở thích”. Sau đó, Lysn giới thiệu dịch vụ Buble cho phép người hâm mộ gửi và nhận tin nhắn giống như thực tế với các thần tượng yêu thích của họ với giá 3,49 USD/tháng cho mỗi nghệ sĩ. Trong quý II năm 2020, SM Entertainment đã thu về doanh thu hơn 3,6 triệu USD với ứng dụng này, theo Global Economic.
Các công ty mới thành lập cũng tận dụng thị trường đang phát triển dựa vào lực lượng người hâm mộ trung thành với thần tượng. Ngoài Hybe Corporation (trước đây Bit Hit Entertainment quản lý BTS) và nền tảng web Weverse, còn có CELEBe – công ty ứng dụng điện thoại bán tin nhắn thoại của nghệ sĩ Hàn Quốc và Dukzil, chuyên bán mặt hàng liên quan đến Kpop.
Doanh nhân Ahn Tae Hyun nhận thấy không có nền tảng nào cung cấp dịch vụ riêng tư giữa thần tượng và người hâm mộ. Năm 2020, Ahn đã cùng vài người bạn tạo ra Stari. Hiện Stari có người đăng ký từ 40 quốc gia bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Bỉ, Thụy Điển… Nền tảng này cung cấp phụ đề bằng tiếng Anh, nhưng người hâm mộ vẫn sử dụng tiếng Hàn cho những tin nhắn riêng tư của họ.
“Tiếng Hàn là ngôn ngữ phổ biến với người hâm mộ Kpop. Các video và tin nhắn thoại tùy chỉnh trở thành tài sản của riêng họ. Người hâm mộ ngoại quốc chiếm 65% số lượng khách hàng của Stari”, Ahn nói với Chosun Ilbo.
Fan hiện nay có thể nhắn tin riêng với thần tượng thông qua các ứng dụng có trả tiền.
StarPlay là trò chơi liên quan tới âm nhạc của ngôi sao Kpop khán giả yêu mến. Hiện nền tảng này có 3,3 triệu tài khoản đăng ký từ 150 quốc gia. Ngoài ra, nền tảng avatar 3 chiều Zepeto của Naver đã thu hút 13 triệu lượt truy cập sau 6 tháng ra mắt, theo Chosun Ilbo.
“Thế hệ trẻ là những người sáng tạo, quan tâm đến các vấn đề xã hội và mạnh dạn theo đuổi sở thích của họ. Đây là chìa khóa cho sự phát triển của ngành công nghiệp-fan”, Ahn chia sẻ thêm.
Những người hâm mộ Kpop không chỉ trả khoản tiền lớn để mua sản phẩm Kpop, mà còn phát triển thành phong trào có ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng.
Trang web The Conversation của Australia, mạng lưới truyền thông phi lợi nhuận, cho biết “Người hâm mộ Kpop là những người sáng tạo, cống hiến và muốn đóng góp cho xã hội”.
Tại Indonesia, tổ chức Kpop4Planet được thành lập vào tháng 3 để hỗ trợ các hoạt động vì môi trường. Những người hâm mộ BTS ở Ấn Độ đã gây quỹ và quyên góp 29.000 USD cho nỗ lực cứu trợ đại dịch Covid-19 tại quốc gia Nam Á này, theo SCMP.
Theo Zing