Buổi sáng, khi chuẩn bị đi làm, anh Thuận (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) nhận được tin nhắn có nội dung: “Anh không cần biết tôi là ai nhưng tôi biết anh. Và tôi còn biết cả vợ anh không đơn giản như những gì anh nghĩ. Tôi khuyên anh nên làm xét nghiệm AND vì tôi biết vợ anh đã làm những việc gì trước lúc có em bé”.

Tin nhắn được gửi đến từ số máy không có trong danh bạ 01657197 xxx. Chị Hằng, vợ anh Thuận cũng rất ngạc nhiên khi thấy chồng nhận được tin nhắn này.

Cho rằng ai đó nhắn nhầm, chị Hằng định gọi lại nhưng anh Thuận ngăn vì nghi đây có thể là trò lừa đảo. Tháng trước, anh cũng bị một số thuê bao lạ nhá máy. Khi anh gọi lại, đầu bên kia nhấc máy nhưng không nói gì. Mặc dù dập máy sau vài giây nhưng khi kiểm tra tài khoản, anh bị trừ mất 15.000 đồng.

Lừa người dùng di động bằng tin nhắn khiêu khích
Nội dung tin nhắn từ số điện thoại ảo gửi đến số thuê bao chồng chị Hằng. Ảnh: NVCC.

Bức xúc về sự việc trên, chị Hằng đăng hình ảnh nội dung tin nhắn kèm lời cảnh báo người dùng nên cảnh giác. Sau đó, hình ảnh đã có trên 13.000 lượt xem và gần 10.000 lượt chia sẻ. Thuê bao chị Hằng cung cấp luôn trong tình trạng không liên lạc được.

Theo dõi sự việc, một số thành viên mạng xã hội cho biết, mục đích khi đưa tin nhắn lên Facebook của chị Hằng là để "câu like". Dù thế, chị Hằng khẳng định sự việc có thật. "Mình đưa lời cảnh báo lên đây để các bạn rút kinh nghiệm. Mình từng bị mất 15.000 đồng vì gọi lại vào số điện thoại lạ nháy máy cũng là đầu 11 số. Hơn nữa, mình cũng mong muốn các bạn nên tin tưởng người bạn đời của mình, ... đừng làm giàu cho cơ quan xét nghiệm ADN", chị Hằng nói.

Một số người dùng di động cũng chia sẻ từng bị mất tiền oan khi gặp trường hợp tương tự. Anh Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) kể, mấy tháng trước, anh nhận được tin nhắn có nội dung "...vợ anh đang lừa dối anh,... nên đi xét nghiệm ADN cho con...".

Tuy nhiên, chủ thuê bao này còn độc thân. Anh cho biết không bận tâm đến tin nhắn đó bởi cho rằng có ai đó gửi nhầm hoặc là trò lừa đảo. Tuy nhiên, khi bị làm phiền đến lần thứ hai, anh gọi lại, đầu dây bên kia chỉ có tiếng nhạc. Anh cúp máy và phát hiện thuê bao của mình bị trừ 5.000 đồng.

Lừa người dùng di động bằng tin nhắn khiêu khích
Nhiều người phản ánh bị những số lạ nhá máy liên tục và bị trừ tiền khi gọi lại. Ảnh chụp màn hình.

Không nhận được tin nhắn với nội dung khiêu khích trên nhưng chị Phương Nhung (Nam Từ Liêm, Hà Nội) lại bị số thuê bao lạ đầu số 04628442xx, 04626357xx nhá máy nhiều lần.

Tò mò, chị gọi lại, đầu dây bên này nghe máy và tư vấn về sức khoẻ, tình yêu, giới tính. Một phút gọi tới, chị mất hơn 40.000 đồng. Khi gọi lại lần thứ 2 thì thuê bao không liên lạc được.

Không chỉ chị Nhung mà rất nhiều người phản ánh từng là nạn nhân của những số ảo này. "Chiêu thức của chúng là nhá máy vào số điện thoại, nhằm kích người dùng gọi lại và trực tiếp trừ tiền. Điểm đặc biệt là các số ảo có đầu số 04, 012, 016 khiến nhiều người nhầm tưởng với mã vùng Hà Nội, hoặc số của nhà mạng lớn và mắc bẫy", một nạn nhân của chiêu lừa đảo này cho hay. Tuy nhiên, sau khi mất tiền vì gọi tới số thuê bao quấy rối, lần sau gọi tới thì người dùng không liên lạc được.

Theo tư vấn của những người dùng di động có kinh nghiệm, chủ thuê bao không nên gọi, nhắn tin lại cho bất kỳ cuộc gọi nhỡ hoặc tin nhắn lạ. Tuy nhiên, anh Đông (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, nếu nhận được tin nhắn khiêu khích có thể không gọi lại nhưng khi bị nhá máy hoặc thấy cuộc gọi nhỡ, cần gọi lại kiểm tra để không bỏ lọt những cuộc gọi quan trọng.

Chủ thuê bao bức xúc chia sẻ: "Ngoài tin nhắn rác ập đến thường ngày, người dùng hoàn toàn bị động đối với các chiêu thức tinh vi, trắng trợn của tội phạm trong lĩnh vực này", anh nói.

Đại diện một nhà mạng lớn cho biết, các đầu số trên giống mã của nhà mạng này. Tuy nhiên, khi họ kiểm tra, gọi lại những số được cung cấp thì đều báo không liên lạc được hoặc không tồn tại. Vị này khẳng định, những số này là đầu số ảo, không hoạt động.

Theo đại diện Đội phòng chống tội phạm lĩnh vực thông tin truyền thông - PC50 (Công an thành phố Hà Nội), cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra làm rõ về hành vi lừa đảo trên. Ông cũng khuyến cáo, khi gặp bất kể trường hợp nào tương tự, chủ thuê bao có thể gọi điện trực tiếp đến nhà mạng hoặc phản ánh qua đường dây nóng, làm đơn gửi đến địa chỉ Công an thành phố Hà Nội để được giải quyết.

Theo Zing