Khi hộ khẩu là “thòng lọng” thít cổ
T.N (Hà Nội, sinh viên) từng là một nạn nhân của hình thức vay tiền nóng. Trót dính vào bẫy tín dụng đen, N có một thời gian bị truy tìm gắt gao, bị khủng bố tin nhắn, dọa giết cả nhà...
Chỉ đơn giản là lặp lại đúng những gì đã thực hiện trước đó, N tỏ ra khá rành rẽ. Theo chân N, PV tận mắt chứng kiến những cuộc thỏa thuận ngầm của giới bốc họ.
Không hề đơn giản như lầm tưởng, vài chục phút trao đổi nhưng để vay tiền có khi phải mang cả nhà cửa, cha mẹ, thậm chí con cái ra làm tin.
Địa điểm đầu tiên trong hành trình "vào hang cọp" của chúng tôi nằm tại trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên, Hà Nội), phía bên ngoài có treo tấm biển công ty hoành tráng nhưng khi vào bên trong chỉ có duy nhất một bộ ghế sofa và bàn máy tính.
Một cậu nhân viên ngồi lọt thỏm giữa chiếc ghế rộng, vắt cả chân lên bàn, tay nhoay nhoáy lia chuột nhưng miệng vẫn còn ngáp ngủ. Thấy khách vào, cậu vẫn giữ nguyên tư thế, hất hàm hỏi: “Có việc gì?”.
Khi biết mục đích chúng tôi tìm tới, người này xác nhận ở đây có cho vay tiền bát họ. Tùy theo nhu cầu, có bát họ giá 5 triệu đồng, có bát 10 triệu đồng rồi 50 triệu đồng. Cậu chàng phổ biến luật: “Anh vay 10 triệu, anh lấy về 8 triệu, anh đóng trong 50 ngày, mỗi ngày 200 ngàn. Ngày nào anh cũng phải đến đây trả hoặc chuyển khoản”.
Khi được hỏi về điều kiện, người này nói cần có sổ hộ khẩu bản gốc hoặc photo nhưng nếu không có chỉ cần CMND bản gốc là được. “Anh cứ để CMND ở đây, sau đó em sẽ cho người qua nhà anh kiểm tra xem có đúng nhà anh ở đây không là được” - cậu nhân viên cho biết.
Tại một địa chỉ khác trên đường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), dù không có bất cứ biển hiệu quảng cáo hay thông tin nào bên ngoài, cơ sở này vẫn được coi là "địa chỉ tin cậy" để dân bốc họ tìm tới.
Bên trong, 4 – 5 người đàn ông cả nằm lẫn ngồi la liệt trên ghế lẫn dưới đất, nồng nặc mùi khói thuốc. Ngay khi N đặt vấn đề vay tiền, một người trong số này ra vẻ cảnh giác hỏi: “Em biết cửa hàng anh qua đâu mà tìm đến?”.
Vừa thăm dò, các chủ họ vừa liên tục liên lạc với đầu mối để kiểm tra thông tin con nợ.
Sau một hồi trao đổi, người đàn ông trung tuổi, có vẻ là anh cả trong đám lệnh cho đàn em gọi điện để kiểm tra thông tin. Lệnh đã khớp, N cho biết mình là sinh viên đã tốt nghiệp cần tiền trả nợ học phí gấp để lấy được bằng. N chỉ có CMND, hộ khẩu đang kẹt việc khác, không lấy ra được.
Nghe vậy, người này thẳng thừng: “Bọn anh cho vay phải có giấy tờ đầy đủ, chứng minh thư và hộ khẩu. Có con cái thì phải có giấy khai sinh của con. Không có hộ khẩu thì không làm được!”.
N tiếp tục kì kèo. Người này vẫn từ chối nói rằng: “Chứng minh thư giả giờ anh có mười mấy cái, bọn nó cứ đặt rồi đi thẳng. Không làm được đâu”.
Nghệ thuật dụ mồi
Cũng tại con phố Phúc Tân, nơi hoạt động nhộn nhịp của các dịch vụ cầm đồ hay hỗ trợ tài chính, chúng tôi tìm tới 1 địa chỉ khác cho vay bát họ. Phía bên trong, vẫn chỉ có một bàn giao dịch đơn giản, đám thanh niên cởi trần nửa nằm nửa ngồi, kẻ rít thuốc lào, kẻ dán mắt vào điện thoại.
Khi chúng tôi đặt vẫn đề vay tiền, một người trong số đó đứng ra trao đổi, hỏi luôn: “Em làm nghề gì, thu nhập bao nhiêu? Bên anh là cho vay kiểu bốc họ đấy. Em vay 20 triệu đồng thì mỗi ngày phải trả 400.000 đồng”.
Người này cũng nói thêm: “Bây giờ bọn anh phải qua nhà em để kiểm tra đã, không phải em muốn vay bao nhiêu cũng được. Em hỏi vay 20 triệu nhưng khi qua nhà anh thấy chỉ vay được 5 – 10 triệu thôi thì phải chấp nhận".
Khi được hỏi về giấy tờ, N lặp lại câu chuyện chỉ có CMND, người này nói: “Cứ về bảo bố mẹ cho mượn hộ khẩu photo chứ mình có lấy bản gốc đâu mà sợ”. N tiếp tục kể khó, bất chợt một giọng nói nhừa nhựa cất lên từ đám đông, ra lệnh: "Kiểm tra số điện thoại là được".
Hiểu ý, thanh niên ngồi trước mặt N mau mắn gợi mở: "Giờ em viết tên tuổi và số điện thoại của bố mẹ em ra đây. Rồi bật loa ngoài, gọi điện lần lượt cho bố mẹ. Nói chuyện gì cũng được để bọn anh nghe. Nếu đúng thì bọn anh sẽ xem xét...".
Thấy mọi thứ đang dần phức tạp, tôi vội vã lên tiếng:
- Ở đây trả lãi như nào anh?
- Mỗi ngày em đến tận nơi hoặc chuyển khoản.
- Vậy nhỡ hôm bí quá chậm thì sao?
Câu bông đùa khiến bầu không khí trong phòng trở nên đặc quánh, người thanh niên trừng mắt nhìn xoáy vào tôi, giọng đanh lại: "Thế thì tốt nhất đi ra, đừng có vay nữa".
Bi kịch sau lần bốc họ
Trên đường về, N kể tôi nghe những ký ức kinh hoàng sau một lần nhắm mắt bốc họ hòng phục vụ nhu cầu "cày" game online. Cầm về được 16 triệu đồng, chỉ tiêu trong thoáng chốc, chuỗi ngày dài phía sau N là những bi kịch khiếp hãi.
N liên tục bị chủ nợ gọi điện, nhắn tin thúc giục. Tăng dần theo cấp độ, từ những lời hỏi thăm, đến liên tục bị khủng bố bằng các lời dọa nạt chặt chân, chặt tay hay giết cả họ nếu không đem tiền tới trả... "Mày có chạy đằng trời tao cũng tìm ra" - đó chính là lời đe dọa N thường nhận được nhất trong quá trình bị truy lùng.
Khủng bố tinh thần là cách đòi nợ ưa thích của các chủ nợ tín dụng đen.
“Suốt mấy tháng liền em sống trong cảnh khổ sở, không dám ra đường vì sợ bị chủ họ tóm được sẽ xử mình. Em cũng chẳng dám kêu với ai. Mình làm mình chịu thôi” – N cay đắng nhớ lại.
"Dính vào món này, em thực không còn tâm trí để làm bất cứ việc gì. Mỗi ngày thức dậy, đầu em chỉ đúng 1 suy nghĩ là sẽ làm gì, vay đâu cho đủ 400.000 đồng đóng họ. Sau đó em phải quyết định thú thật với bố mẹ. Bố trừng phạt bằng cách bán chiếc xe máy của em để trả nợ..." - N kể và tự hứa với bản thân sẽ không bao giờ quay lại với trò chơi tài chính mang tên: Bốc bát họ.
Theo Lao Động