Thay đổi phân hạng giấy phép lái xe
Theo quy định đang có hiệu lực tại Luật Giao thông đường bộ 2008, giấy phép lái xe bao gồm 13 hạng: A1, A2, A3, A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FD, FE, FC.
Theo quy định mới về giấy phép lái xe tại Điều 57 của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, sẽ có 15 hạng giấy phép lái xe gồm: A, A1, B, B1, C, C1, D, D1, D2, BE, C1E, CE, DE, D1E, D2E.
Ví dụ, hạng giấy phép lái xe A1 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh đến 125cm3 hoặc có công suất động cơ điện đến 11kW.
Từ 2025, sẽ có 15 hạng giấy phép lái xe. Ảnh: Đình Hiếu
Hạng B1 cấp cho người lái xe mô tô ba bánh và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1.
Hạng C1 cấp cho người lái xe tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 3.500kg đến 7.500kg; các loại xe tải quy định cho giấy phép lái xe hạng C1 có kéo rơ-moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B.
Trừ điểm giấy phép lái xe
Điều 58 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 bổ sung quy định trừ điểm giấy phép lái xe.
Điểm của giấy phép lái xe được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người lái xe trên hệ thống cơ sở dữ liệu về trật tự an toàn giao thông đường bộ, bao gồm 12 điểm.
Số điểm trừ mỗi lần vi phạm tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Dữ liệu về điểm trừ giấy phép lái xe của người vi phạm sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người bị trừ điểm giấy phép lái xe biết.
Dữ liệu về điểm của giấy phép lái xe sẽ được cập nhật vào hệ thống. Ảnh: Đình Hiếu
Giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng từ ngày bị trừ điểm gần nhất thì được phục hồi đủ điểm.
Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm thì người có giấy phép lái xe không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo giấy phép lái xe đó. Sau thời hạn ít nhất 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có giấy phép lái xe được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Sửa đổi quy định về đèn tín hiệu giao thông
Ở Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.
Còn tại Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đã bổ sung quy định người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ được đi nhưng phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường hoặc các phương tiện khác.
Trường hợp tài xế vượt đèn đỏ ở đường phố Hà Nội. Ảnh: Đình Hiếu
Tương tự với tín hiệu xanh, tại Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định là được đi. Nhưng tại quy định mới thì khi gặp người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang đi ở lòng đường, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.
Thay đổi thời gian bắt buộc bật đèn xe
Khoản 1 Điều 20 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ phải bật đèn chiếu sáng phía trước trong thời gian từ 18h ngày hôm trước đến 6h ngày hôm sau hoặc khi có sương mù, khói, bụi, trời mưa, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn (thay vì từ 19h ngày trước đến 5h ngày hôm sau như quy định hiện hành).
Ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải có thiết bị chống bỏ quên trẻ
Khoản 1 Điều 46 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải đáp ứng các yêu cầu gồm:
Bảo đảm các điều kiện quy định về vận tải hành khách như Luật Trật tự an toàn giao thông quy định; có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe; có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; có màu sơn theo quy định của Chính phủ (màu vàng).
Ô tô chở trẻ em mầm non hoặc học sinh tiểu học phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định của pháp luật.
Theo Vietnamnet