Mảnh lục địa được dung nham che phủ, có tên là Mauritia, được tìm thấy dưới quốc đảo du lịch nổi tiếng Mauritius.

Theo báo cáo đăng trên tạp chí Nature Communications, mảnh vỡ này xuất hiện do sự tan rã của Gondwanaland, một siêu lục địa tồn tại hơn 200 triệu năm trước. Gondwanaland bao gồm những tảng đá có tới 3,6 tỷ năm tuổi, chia cắt thành châu Phi, Nam Mỹ, Nam Cực, Ấn Độ và Australia.

Giáo sư Lewis Ashwal, tác giả đứng đầu bản báo cáo, cho biết có một số mảnh "lục địa chưa được khám phá" với kích thước đa dạng trải rộng khắp Ấn Độ Dương, được để lại sau sự tan rã.

'Luc dia mat tich' duoc tim thay giua An Do Duong hinh anh 1
Vị trí dự đoán của các mảnh lục địa. Ảnh: Nature Communications.

"Sự tan rã này không liên quan tới việc chia tách đơn giản của siêu lục địa cổ Gondwana, mà là một sự chia cắt phức tạp, tạo thành những mảnh vỡ kích thước đa dạng của vỏ lục địa, trôi dạt trong sự phát triển của lưu vực Ấn Độ Dương", giáo sư Ashwal giải thích.

Nhóm nghiên cứu khám phá ra bằng cách phân tích zircon, loại khoáng sản tìm thấy trong những phiến đá đi kèm với dung nham, xuất hiện sau khi núi lửa phun trào. Họ nói rằng các tàn tích của loại khoáng sản này quá lâu đời so với Mauritius.

"Mauritius là một hòn đảo, và không có loại đá nào trên 9 triệu năm tuổi trên hòn đảo này", Ashwal cho biết. Trong khi đó, zircon tìm thấy tại đây có niên đại 3 tỷ năm.

'Luc dia mat tich' duoc tim thay giua An Do Duong hinh anh 2
Quốc đảo Mauritius là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất châu Phi. Ảnh: TripAdvisor Traveler.

Các nhà nghiên cứu cho biết những phát hiện này đã chứng minh cho một nghiên cứu thực hiện năm 2013, khi dấu tích của zircon cổ được tìm thấy trong cát biển. Nhưng giới phê bình lại cho rằng khoáng sản này có thể do gió thổi tới, hoặc các nhà khoa học mang đến. Việc tìm thấy zircon cổ trong đá đã bác bỏ tất cả luận điểm trên.

Kết quả nghiên cứu mới đây chứng minh rằng, trong giới hạn nhất định, "lớp vỏ lục địa cổ có tồn tại bên dưới Mauritius". Lục địa đó có thể đã biến mất mãi mãi, nhưng vẫn để lại dấu tích để nhắc nhở mọi người về sự tồn tại của nó.

 

Theo Zing