- Chào Lương Thế Thành, thời gian gần đây, anh ít đi phim hơn những năm trước, phải chăng anh đang lọc lại các phim mình tham gia để không chạy theo số lượng mà chú trọng chất lượng hơn?
Vấn đề chính dẫn đến chuyện hạn chế đi phim vẫn là tình trạng phim ảnh miền Nam hiện tại không còn phát triển nữa. Nó đang bị bão hoà. Hầu hết các diễn viên ai cũng rơi vào tình trạng như tôi. Mấy năm về trước, một ngày, diễn viên truyền hình có thể chạy từ bảy đến mười mấy đoàn phim.
Còn hiện tại, tôi nghĩ chỉ chạy được khoảng hai ba đoàn là cùng. Khá nhiều hãng phim lớn hạn chế làm phim hoặc không còn làm phim nữa. Một số hãng phim khác lại chuyển sang làm sitcom rất nhiều. Số lượng diễn viên, trong đó có tôi có rất ít phim để đi. Hầu như, mọi người đều đóng sitcom hoặc làm các chương trình truyền hình, không còn chạy phim nhiều như trước.
Bản thân tôi cũng muốn như vậy để có dịp sàng lọc lại những phim chất lượng, những nhà chịu đầu tư và chuẩn bị kĩ lưỡng hơn. Có như thế, phim truyền hình của chúng ta mới chất lượng, sự bão hoà cũng khó diễn ra hơn thực trạng bây giờ.
- Hiện tại, anh có hai phim phát sóng là "Ngày ấy mình đã yêu" và "Phận làm dâu", hai dòng phim này hoàn toàn khác nhau, hai nhân vật khác nhau nhưng đều được khán giả đón nhận và tạo được sự chú ý. Anh thấy sự sàng lọc của mình là đúng đắn chứ?
Điều này hoàn toàn tốt cho tình trạng phim ảnh như bây giờ và cả bản thân tôi. Sau một quá trình dài làm nghệ thuật, tôi có khá nhiều phim và vai diễn. Hầu như vai diễn của tôi mang đến khán giả rất nhiều màu sắc. Tuy nhiên, để sàng lọc lại những vai diễn ấn tượng lại không nhiều. Bây giờ, tôi có thời gian tập trung nhiều cho những vai diễn của mình để nó ấn tượng và sâu sắc hơn.
- Trong "Phận làm dâu", anh lại có dịp đóng cặp với bà xã. Trong quá trình hợp tác cả hai có gặp nhiều chuyện bi hài nào không?
Mỗi lần đóng chung với Diễm đều sẽ có những ấn tượng và kỉ niệm riêng. Vì tôi và Diễm không phải lần đầu đóng cùng nhau. Hai vợ chồng đã hợp tác khá nhiều phim. Hầu như phim nào cũng đóng vai người yêu, duy chỉ có phim Phận làm dâu, cả hai đóng vai vợ chồng nhưng không hợp nhau, suốt ngày cãi lộn.
Trên đoàn phim đều nghĩ hai vợ chồng tôi không phải diễn mà là ngoài đời thật. Diễm cứ ăn hiếp tôi vậy đó. Phận làm dâu là một phim khá lạ để hai vợ chồng có sự kết hợp khác đi so với những phim trước đây. Đó cũng là một trải nghiệm cho hai vợ chồng.
- Nói như thế nghĩa là ngoài đời, Thuý Diễm hay bắt nạt anh đúng không?
Ở ngoài đời, tôi luôn trân trọng những ý kiến của bà xã. Nhiều khi, vợ tôi cũng hay "nổi khùng nổi điên". Tôi biết tính của vợ mình nên cũng nhịn. Khủng hoảng nhất là trong thời gian bà xã có bầu và mới vừa sinh. Bà xã cáu nhiều cái phi lí lắm, không có cớ gì cũng giận mình, quạu với mình. Tôi cũng hiểu lúc đó, tâm trạng của người phụ nữ là như vậy, tôi cố gắng nhịn.
Có nhiều khi không nhịn được thì tôi cũng có cự lại. Bản thân tôi cũng mệt chứ. Tôi phải chăm bà xã và chăm con trai còn bị "hành". Thế nhưng, khi nghĩ sâu xa, người phụ nữ chịu những áp lực đó sẽ đáng thương hơn nhiều, mình phải trân trọng hơn những giây phút đó.
- Với "Ngày ấy mình đã yêu", anh đóng cặp với Nhã Phương và có khá nhiều cảnh thân mật. Anh đã có gia đình và Nhã Phương cũng đang có nhiều thị phi bủa vây. Anh có ngại khi phải diễn những cảnh tình cảm với Nhã Phương không?
Không chỉ riêng Ngày ấy mình đã yêu, từ trước đến giờ, tôi chưa bao giờ ngại đóng cặp với bất kì một diễn viên nữ nào. Tôi và Diễm đều nhận dược câu hỏi: "Có ngại khi đóng cặp với nam hay nữ diễn viên khác ngoài vợ hay chồng mình không?".
Tôi và Diễm đều là những diễn viên chuyên nghiệp. Khi làm phim, chúng tôi đều hiểu tính chất công việc là như vậy. Quan trọng là do bản thân mình có "control" được hay không? Và mình phải phân biệt giữa đóng phim và ngoài đời thật để làm cho tốt vai trò của mình. Sau khi xả vai, chúng tôi vẫn là anh em bạn bè bình thường. Tôi chưa bao giờ làm bất kì điều gì với bạn diễn nữ khiến họ hiểu lầm và bà xã phật lòng. Tôi luôn xác định những vấn đề đó để không bị hiểu lầm.
- Trước khi đóng với Nhã Phương, anh có từng bị anh Trường Giang "tuýt còi" không?
Không có. Tôi và Trường Giang đều học chung ở trường Sân khấu Điện ảnh nhưng chưa bao giờ nói chuyện, chỉ biết nhau thôi vì hai lĩnh vực chúng tôi theo đuổi cũng khác nhau. Gặp nhau, chúng tôi có cười và chào xã giao nhưng chưa bao giờ ngồi xuống trò chuyện.
Khi tôi đóng chung với Nhã Phương, chưa bao giờ Trường Giang có thái độ hay cử chỉ gì với tôi dù tôi có khá nhiều cảnh thân mật với Nhã Phương trên phim trường. Tôi nghĩ, bản thân Trường Giang cũng hiểu đó là tính chất công việc và tôi làm vì công việc. Ngoài đời, tôi và Nhã Phương vẫn là anh em bạn bè bình thường.
- Nhân vật trong "Ngày ấy mình đã yêu" của anh gây tranh cãi nhiều, nhất là đoạn bắt cá hai tay với "em gái mưa". Anh có đọc những bình luận khen chê đó không và phản ứng của anh thế nào?
Khi tôi còn ở nước ngoài, tôi cũng có xem những bình luận đó. Hầu như rất nhiều ý kiến trái chiều nhau. Không riêng phim này mà tất cả những phim trước đây, tôi cũng đều xem phản ứng của khán giả để biết họ suy nghĩ như thế nào về nhân vật này. Đó cũng là một trong những bài học để bản thân tiếp thu và làm hay hơn nhân vật của mình sau này.
Vai Nam trong Ngày ấy mình đã yêu cũng có hai luồng ý kiến. Có người thích, cũng có người ghét nhân vật Nam. Có người muốn Nam thành đôi với Hạ, có người lại chửi mắng khi Nam ở bên cạnh Dung... Rất nhiều ý kiến khác nhau. Tôi đọc để biết thêm.
Tôi mừng vì nhiều khán giả quan tâm đến phim của mình. Có quan tâm, họ mới dành thời gian bình luận. Họ bị cuốn hút vào các tuyến nhân vật trong phim. Từ đó, tôi biết phim của mình gây được sức hút lớn và gây được sự ảnh hưởng trong khán giả khá cao.
Họ chửi tôi, chửi Nhã Phương, chửi Nhan Phúc Vinh, chửi Tam Triều Dâng đều là theo cảm xúc của các tuyến nhân vật trong phim chứ không phải chửi bản thân mỗi người diễn viên. Phim như thế là thành công.
- Sau khi tham gia "Ngày ấy mình đã yêu", anh có thấy trong khoảng thời gian gần đây cách làm phim của ê kíp miền Bắc kĩ lưỡng hơn, đầu tư hơn và chăm chút hơn so với miền Nam không?
Đó là điều hiển nhiên, khi tôi xem phim, tôi cũng tự thấy sự đầu tư về hình ảnh, góc máy cao hơn so với phim miền Nam. Tuy nhiên, chúng ta không thể trách được. Phim đó là của VTV, phim của nhà nước, sự đầu tư của họ không bị giới hạn như ở miền Nam. Bởi miền Nam đa phần đều là những hãng phim tư nhân. Để một hãng phim tư nhân đầu tư đúng kiểu như Ngày ấy mình đã yêu, rất ít hãng có thể làm như thế. Vì tất cả những trang thiết bị đều giống như đang quay phim nhựa. Họ đầu tư đến như thế.
Tư nhân không thể bỏ ra một số tiền lớn chỉ để "feel" với một phim trong khi họ không biết được có thu lại được lợi nhuận hay không. Khó có thể trách được ở khía cạnh này. Điều trước mắt tôi chỉ thấy Ngày ấy mình đã yêu thành công hơn nhiều bộ phim cùng thể loại của miền Nam làm thời gian gần đây. Tôi nghĩ, nếu miền Nam có một nhà đầu tư sản xuất nào chịu bỏ tiền ra làm như Ngày ấy mình đã yêu sẽ càng hay hơn. Trong Nam, số lượng diễn viên nhiều và phong phú hơn miền Bắc. Đội ngũ làm nghề cũng nhiều hơn. Chỉ có điều miền Bắc họ đầu tư và chỉn chu nên phim họ chất lượng hơn miền Nam.
- Hiện nay, phim truyền hình miền Nam cũng có bộ phim gây sốt là "Gạo nếp gạo tẻ". Tuy nhiên, thời gian quay khá dài. Anh nghĩ người diễn viên có thể cân bằng được kinh tế và việc tập trung toàn lực để có một vai diễn hay?
Rất khó để đầu tư tất cả chất xám vào một bộ phim, vào một nhân vật. Nó đòi hỏi người diễn viên không bị xao lãng nhiều về bên ngoài. Như tôi đã nói, lúc trước, tôi chạy một lần ba bốn phim, đồng nghĩa sự đầu tư vào một nhân vật là không hoàn thiện, phải bị phân tâm. Có nhiều khi tôi quay nhân vật phim này lại nhớ nhầm thành nhân vật phim khác.
Tôi nghĩ muốn tập trung đầu tư chất xám cho một vai diễn hay, một bộ phim hay, người diễn viên phải tập trung toàn bộ vào nhân vật đó. Khi đó, người diễn viên sẽ tìm những cái hay nhất để thổi vào nhân vật của mình. Phim Gạo nếp gạo tẻ bấm máy cũng là thời điểm phim truyền hình miền Nam bắt đầu khựng lại.
Trước đó, phim này cũng có mời tôi. Sau khi bấm máy xong một thời gian ngắn bị trục trặc gì đó phải đổi diễn viên, cũng có mời tôi thêm lần nữa. Thế nhưng, khi đó, tôi cũng bận một vài phim khác nên không tham gia được nên họ mời diễn viên khác. Sau khi phim đó quay xong thì phim truyền hình rơi vào giai đoạn bão hoà. Diễn viên Gạo nếp gạo tẻ có nhiều thời gian với bộ phim hơn nhờ tập trung cao và khi phát ra đã tạo được hiệu ứng khán giả.
- Một trong những thành công của "Gạo nếp gạo tẻ" là thu tiếng trực tiếp nên bắt buộc họ phải học thoại để biểu cảm nhân vật tốt nhất. Anh nghĩ phim truyền hình miền Nam sau này có nên phát huy việc thu tiếng trực tiếp?
Cũng tuỳ vào môi trường làm phim. Trước đây, phim miền Nam cũng từng thu tiếng trực tiếp. Phim thu tiếng trực tiếp đầu tiên là của hãng Lasta. Sau đó, nhiều hãng phim nối nhau thu tiếng trực tiếp. Thế nhưng, sau này, họ lại giảm số lượng phim thu tiếng trực tiếp. Do môi trường làm phim quá ồn, tạp âm nhiều. Khi về lọc âm lại không kĩ không sạch được như ở nước ngoài. Phim phát sóng nghe rất khó chịu. Bản thân tôi khi nghe lại những bộ phim thu tiếng trực tiếp cũng cảm thấy có nhiều cái rất khó chịu vì bị tạp âm.
Những bộ phim quay trong nhà, quay trong phim trường lại ổn vì giữ được không gian yên tĩnh và theo tâm trạng của nhân nhật. Còn quay ngoại cảnh bắt thu tiếng trực tiếp là vô cùng khó. Ồn một chút là phải ngưng. Ngày xưa tôi làm phim với ê kíp Hàn Quốc, chỉ cần một tiếng ồn nhỏ là phải dừng lại để giải quyết xong tiếng ồn mới quay tiếp. Điều này dẫn đến thời gian làm việc sẽ dài hơn, ê kíp cũng vất vả hơn. Từ đó, có thể thấy việc thu tiếng trực tiếp hay lồng tiếng phụ thuộc vào nhiều yều tố cả chủ quan lẫn khách quan.
Bản thân tôi cảm thấy có những phim được lồng tiếng sẽ cứu người diễn viên rất nhiều. Vì không phải diễn viên nào tiếng nói cũng hay, phát âm chuẩn, thoại mượt mà và đúng tâm trạng nhân vật. Khi được lồng tiếng, diễn viên lồng tiếng có thể vớt nhân vật lên. Có nhiều diễn viên khi quay cùng tôi, họ thoại mà tôi không có chút cảm giác nào, mất cảm xúc, cứ bị ngang, không mượt mà chút nào.
Tuy nhiên, khi về hậu kì, được diễn viên lồng tiếng vớt lại hết. Khi phim phát sóng, khán giả cảm thấy hay và cảm xúc hơn. Chúng ta không thể phủ nhận công sức của những người diễn viên lồng tiếng. Phải có những diễn viên lồng tiếng mới cứu được những diễn viên có đài từ không tốt. Còn những diễn viên có đài từ tốt, họ tự tin tự lồng tiếng ở hậu kì.
Có khá nhiều phim kêu tôi lồng tiếng cho nhân vật nhưng tôi không có thời gian nên phải nhờ diễn viên lồng tiếng hỗ trợ. Cũng có nhiều diễn viên lồng tiếng, tôi cảm ơn rất nhiều nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều diễn viên lồng tiếng khiến tôi không hài lòng vì làm hư vai diễn của tôi. Nhưng tôi phải chịu thôi. Mình không có thời gian tự lồng tiếng cho nhân vật của mình thì không thể trách họ được.
- Trong "Ngày ấy mình đã yêu", nhiều ý kiến khán giả cho rằng tiếng nói của Nhã Phương nghe không rõ và giọng lại bị ngang. Anh đánh giá thế nào khi diễn chung với cô ấy?
Đó cũng là một khuyết điểm của Nhã Phương. Tôi đã nói cô ấy về điều này rất lâu, từ trước đây khi tôi đóng cùng cô ấy trong phim Cuộc chiến quý ông của đạo diễn Phương Điền. Phim đó tuy không phải thu tiếng trực tiếp nhưng tôi đã nói với cô ấy: "Em ơi, giọng em như vậy, không thể nào thu tiếng trực tiếp được nha. Nếu em muốn đi theo con đường chuyên nghiệp, em nên xem lại và học cách phát âm, tiếng nói sân khấu của mình".
Anh em trong nghề thì tôi góp ý chân thành, còn bản thân Nhã Phương có tiếp thu hay không là vấn đề của cô ấy.
Đến Ngày ấy mình đã yêu, ngay từ ban đầu quay, tôi đã nói với Nhã Phương lẫn đạo diễn: "Phương ơi, em nói từ từ, em nói chậm lại. Em nói lẹ quá, giống như ngoài đời em nói chuyện vậy đó".
Nhã Phương nói chuyện ngoài đời như thế nào là bê y chang vào phim thế ấy. Cô ấy nói nhiều nhưng tôi không thể nghe kịp hết. Bản thân tôi diễn với Nhã Phương nhiều, tôi cần nghe để cảm những phân đoạn đó rồi diễn theo. Tôi muốn cô ấy nói chậm lại, phát âm chuẩn hơn. Cô ấy cũng có tiếp thu, cũng làm nhưng do bản tính, thói quen, sau một lúc sửa được là quên ngay, lại làm theo bản năng.
Tôi không thể cứ nói hoài sẽ dễ bị ghét. Tôi cũng góp ý với đạo diễn và anh ấy cũng nói lại với Nhã Phương. Bản thân Nhã Phương cũng biết đó là khuyết điểm của mình. Cô ấy nói với tôi: "Em biết khuyết điểm của mình. Em cũng sửa nhiều lắm rồi mà không biết sao nữa". Tôi mới khuyên cô ấy cố gắng sửa vì làm phim trong nước còn có người vớt, chứ làm phim với nước ngoài, toàn thu tiếng trực tiếp, thoại như vậy là chết nhân vật và chết cả bản thân cô ấy.
Khi tôi đọc bình luận của khán giả về cách phát âm đài từ của cô ấy, tôi hiểu và thương Nhã Phương chứ không ghét bỏ gì cả. Tôi biết cô ấy có cố gắng nhưng không làm được, không ai chỉ dẫn, không ai bên cạnh để gò hằng ngày. Thói quen là khó điều chỉnh nhất, trừ khi bạn có một người bên cạnh nhắc từng chút một mới ghi nhớ và tập dần mới quen.
Bản thân tôi là dân miền Tây, ngày xưa tôi mới lên Sài Gòn, tôi cũng nói ngọng, lưỡi tôi to nên phát âm chữ "tr" cứ thành "ch". Khi tôi vào trường Sân khấu điện ảnh và khi tôi vào sân khấu Idecaf diễn, tôi đã được các anh chị chỉ dạy và nhắc nhở hàng đêm diễn. Từ từ, tôi quen dần và phát âm chuẩn hơn. Tôi cũng hiểu được tình cảm nhân vật lúc đó nên phát âm như thế nào cho hay nhất. Nghề này phải học chứ không thể coi thường và lơ là nó.
- Như vậy, anh đang nói Nhã Phương không có tiến bộ trong việc phát âm và thoại vật?
Không phải cô ấy không tiến bộ trong diễn xuất mà cô ấy không tiến bộ trong phát âm, đài từ. Nhã Phương không tập trung để sửa những phát âm, khuyết điểm của mình. Đó là một cái dở của cô ấy. Cô ấy đẹp, diễn hay, chỉ cần phát âm nữa thôi là tuyệt vời. Cô ấy lại không tập trung hoàn thiện điều đó.
Có lẽ do cuộc sống bên ngoài có nhiều chi phối, tác động nên cô ấy không nghĩ đến vấn đề đó. Cô ấy không nghĩ sâu xa về con đường dài của cô ấy sau này. Nếu như trước đây, cô ấy nghe lời tôi tập luyện, phim này sẽ hay hơn chứ không bị khán giả nói như vậy.
- Cách đây vài năm, miền Nam vẫn là kinh đô hoàng kim của phim truyền hình. Còn bây giờ, miền Bắc lại chiếm ưu thế và nổi bật hơn. Anh có buồn vì cuộc soán ngôi này?
Bản thân tôi không bao giờ có khái niệm phân biệt giữa Nam và Bắc. Đối với tôi Nam hay Bắc đều là người Việt Nam, đều làm nghệ thuật. Tuy nhiên, tôi buồn vì tôi sống và làm phim ở miền Nam từ trước đến giờ lại chứng kiến dòng phim truyền hình miền Nam đi xuống. Không riêng tôi mà tất cả các anh chị em diễn viên cùng thời với tôi và các em diễn viên trẻ đều rất buồn vì điều đó.
Dòng phim truyền hình không còn sốt sắng, không còn náo nhiệt như trước nữa. Lúc trước, tôi chạy một lần mười mấy phim. Tôi có biệt danh là "ông hoàng xếp lịch". Khoảng hai ba năm trở lại đây, tôi không còn thấy sự tấp nập đó ở tôi cũng như các hãng phim nữa. Đó cũng là một hệ luỵ. Do bản thân các nhà sản xuất trong miền Nam coi thường phim ảnh và làm quá ẩu để chạy theo tiến độ, chạy theo đồng tiền hơn là chú trọng chất lượng cho khán giả, giống như đang xem thường khán giả. Một khi đã xem thường khán giả thì phải trả giá.
Những người diễn viên như tôi cũng nằm trong hệ luỵ đó, góp phần làm nên lỗi để dòng phim truyền hình đi xuống. Nhà sản xuất yêu cầu làm theo tiến độ, 30 tập làm trong một tháng rưỡi. Với tiến độ này, không thể có chuyện làm được một bộ phim hay. Trong khi Ngày ấy mình đã yêu chỉ có 24 tập, tôi đã phải quay trong 4 tháng dài. Thời gian và sự đầu tư quá khập khiễng khi so sánh với nhau. Không thể nào mình chấp nhận được vấn đề đó. Diễn viên phải làm theo nhà sản xuất, làm theo đạo diễn, không thể nào cãi được, giống kiểu làm công ăn lương.
Thêm vào đó, số tiền mà diễn viên, ê kíp nhận được không đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày, bắt buộc họ phải làm nhiều công việc khác nữa như chạy phim, chạy gameshow... dẫn đến việc họ không còn thời gian để đầu tư chất xám cho vai diễn của họ. Khi tôi nhận Ngày ấy mình đã yêu là thời điểm phim miền Nam khựng lại, tôi không nhận bất kì phim nào khác. Tôi tập trung hoàn toàn vào phim này nên bạn sẽ thấy chất lượng khác hẳn trước đây tôi chạy một lần hai ba phim.
Cảm ơn Lương Thế Thành về buổi trò chuyện này!
Theo Nld.com.vn