Sự đổi mới của âm nhạc trong những năm gần đây, đặc biệt là có sự tham gia của công nghệ, như livestream đã hỗ trợ cho âm nhạc quá nhiều, đôi khi không còn cảm nhận được người nghệ sĩ đang hát thật nữa.
Tại Bar Stories, VJ Dustin Phúc Nguyễn trăn trở khi mà dịch bệnh Covid-19 vẫn đang hoành hành, các sự kiện âm nhạc trực tiếp không thể diễn ra, buộc lòng khán giả phải xem livestream, những bản thu đã được chỉnh sửa, trau chuốt và các ca sĩ không thể diễn live có phải là sự nuối tiếc?
Bàn luận về vấn đề này, khách mời Hồ Hoài Anh cho rằng, ngoài việc trình diễn, công nghệ còn hỗ trợ cho cách làm nhạc, cách sản xuất âm nhạc, cách trình diễn, hát. Nhiều bạn trẻ khả năng thanh nhạc hạn chế những vẫn có thể đứng trên sân khấu để hát. Sự hỗ trợ đó đôi khi sẽ khiến cho những người có khả năng vừa phải ý lại, không cố gắng luyện tập, học hỏi để làm được tốt hơn, họ sẽ không thể làm gì nếu như không có công nghệ đấy, đó là điều đáng sợ nhất.
Tuy nhiên, đã có nhiều bộ máy đào tạo ra những nghệ sĩ không cần lo tất cả mọi khâu, không cần đứng trình diễn hát live (trực tiếp) nữa. Nam nhạc sĩ chỉ ra mặt bằng nghệ sĩ của Việt Nam chưa tới nơi tới chốn. Không giống như những nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc, những nhóm nhạc được đào tạo bài bản nếu tách ra thì họ đều có thể làm tốt.
Quan điểm của Lưu Hương Giang, cô nhận thấy thị trường âm nhạc hiện giờ cho khán giả nhiều sự lựa chọn, làm sao cho phù hợp với văn hóa và sở thích của mỗi người. Nhưng với cô, ca sĩ thì phải biết hát, và hát hay.
Với vấn đề hát nhép, Hồ Hoài Anh không phê phán hát trực tiếp hay hát nhép vì có những sân khấu không thể hát live vì điều kiện không cho phép. Để nói về công bằng nếu người hát live và hát nhép đứng chung một sân khấu thì sẽ phụ thuộc vào người nghe và cả người diễn. Là một người nghệ sĩ, anh muốn được thăng hoa trong biểu diễn, cùng một bài hát nhưng ở nhiều sân khấu mang đến những cảm xúc khác nhau. Nhưng nếu chỉ việc lên diễn như một bộ máy thì sẽ mất cảm giác, cảm xúc sân khấu.
Theo Trí Thức Trẻ