Kiều của Lưu Trọng Ninh không còn ảo nữa. Sẽ ăn, sẽ nhai, sẽ làm đủ thứ!

- Thông tin Lưu Trọng Ninh sẽ làm phim về Kiều vừa được hé lộ đã khiến rất nhiều khán giả tò mò, ngóng đợi. Ông có thể bật mí một chút quá trình thai nghén tác phẩm này được không?

Nói thai nghén cũng không phải. Thật ra tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm Kiều. Nhưng tôi nhớ khi vừa mới tốt nghiệp ra trường (những năm 90), cha đã gửi gắm tôi rằng: "Ninh ơi, con làm Kiều đi. Kiều xứng đáng làm nhất".

Cùng lý do quan trọng hơn là tôi thấy quốc gia mình có một tác phẩm lớn như thế, mà hơn 60 năm nay điện ảnh chưa hề động chạm đến. Vậy thì sự âm tính của điện ảnh là rất kém.

Đáng lẽ thời điểm này phải có hàng chục đạo diễn làm về Kiều, và tôi là người thứ 11 rồi mới phải. Vậy nên ngoài sự trao gửi của người cha, thì sự âm tính đó thôi thúc tôi làm Kiều.

Tôi sẽ là người đặt viên gạch đầu tiên. Tôi có thể sẽ gục ngã. Nhưng phải có mình thì mới có người thứ 2 làm tốt hơn.

- Một tác phẩm lớn và có giá trị văn hoá như Truyện Kiều chắc hẳn đã khiến nhiều nhà làm phim cảm thấy "chùn chân" khi nghĩ đến. Còn Lưu Trọng Ninh thì sao? Ông đã gặp phải những khó khăn gì khi quyết định sẽ là người đầu tiên dấn thân làm điều đó?

Làm Kiều khó. Khó là khó thế này: Giá như Truyện Kiều của Nguyễn Du chuyển thể từ một câu chuyện của Việt Nam thì lại khác. Tôi nghĩ một trong những lý do chưa ai đụng đến Kiều là vì thế, chứ không phải vì người ta sợ hãi nó.

Ông Nguyễn Du dùng thơ để viết lại Đoạn Trường Tân Thanh, còn mình dùng điện ảnh để làm lại Truyện Kiều. Thì mình và Nguyễn Du gặp được nhau không? Làm thế nào để chuyển tải được cái hồn thơ mà nhiều người gọi là quốc hồn quốc tuý của Việt Nam?

Nhưng may mà Truyện Kiều có khoảng không gian rộng cho các nhân vật. Ví dụ như trong thơ Nguyễn Du, người ta chỉ biết Kim Trọng là một chàng trai đến rồi yêu Kiều, chỉ biết Kim Trọng là ai, cá tính ra sao, chứ đời sống của cậu ta như thế nào thì không ai biết cả.

Cũng như Hoạn Thư, Thuý Vân trong Truyện Kiều đều có những khoảng trống rất lớn. Và khoảng trống đó cho phép chúng ta đưa vào những yếu tố Việt, con người Việt, cảnh vật Việt.

Chính bởi thế nên tôi mới tự tin làm. Chứ Truyện Kiều mà Nguyễn Du tả kỹ quá thì thật sự rất khó với mình, vì nếu làm sẽ khác ông ấy quá.

- Để chọn được một nữ diễn viên hoá thân vào vai Thuý Kiều hẳn cũng là một bài toán khó đối với Lưu Trọng Ninh?

Tôi nghĩ rằng nếu 100 ngưởi mở tivi xem phim đều có câu hỏi đầu tiên rằng "Kiều là ai?", "Ai đóng Kiều".

Mà câu hỏi đó tôi không bao giờ thoả mãn được. Ông Nguyễn Du đã nói "một toà thiên nhiên" thì tôi có chọn được người đẹp nhất cũng không thể hài lòng tất cả. Mà mỗi người lại hình dung Kiều theo một kiểu, lại mong muốn Kiều một kiểu, làm sao tôi thoả mãn tất cả được?

Vậy cách tốt nhất của tôi làm gì? Là đưa cho khán giả 5 tập đầu. Họ xem và thốt lên rằng phim này đáng xem thật. Thì lúc đó Kiều là ai họ cũng dễ dàng tha thứ, và nghĩ rằng cứ theo dõi thêm nữa xem sao.

Tôi nghĩ rằng để có 1 bộ phim như Kiều thì công tác chuẩn bị trước khi chiếu cực kỳ quan trọng. Làm sao dẫn dắt, đưa người xem tham gia cùng, để cái việc dung nhan của Kiều có khiến người xem nản lòng không còn nguy hiểm, nghiêm trọng nữa.

- Vậy những tiêu chí đạo diễn Lưu Trọng Ninh đưa ra khi tìm kiếm diễn viên vào vai Thuý Kiều là gì?

Tiêu chí đầu tiên của tôi là: Kiều của ông Nguyễn Du với Kiều của chúng ta hôm nay chắc chắn phải khác nhau. 

Vì trình độ thẩm mỹ, thế giới thẩm mỹ của 2 thời đại đã rất xa nhau rồi. Nếu chúng ta cứ chọn theo thẩm mỹ của Nguyễn Du "khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang" thì chắc chắn không ổn. Kiều phải có một chút gì đó hiện đại, phong trần và tươi tắn hơn.

Các bạn thử hình dung xem, nếu Kiều cứ ủ rũ từ sáng đến tối, đi lại e lệ nói năng chậm rãi thì người ta đâu có xem được. Kiều có khi phải là một cô gái 16 tuổi chạy chân đất, cười vang trời. Mình phải đưa Kiều sang thế giới ngày hôm nay, gần với chúng ta hơn.

Thứ 2, diễn viên đẹp đến bao nhiêu cũng chỉ giúp được 1-2 tập đầu. Nếu không thật sự thu hút được khán giả bằng sự thông minh, bằng sức mạnh nội tâm của mình, người ta xem 50 tập vẫn chỉ thấy cô ấy đẹp thôi thì vô nghĩa.

Cái cô Kiều của tôi có thể không đẹp như mọi người mong ước, nhưng thuyết phục được người xem dần dần bằng vẻ đẹp bên trong, sức mạnh tinh thần thì tôi nghĩ đó là thành công.


Đạo diễn Lưu Trọng Ninh cùng NTK Ngọc Anh - người phụ trách phục trang cho bộ phim (ảnh: Vy Linh)

 

- Đến nay đã có "nàng Kiều" nào lọt vào mắt xanh của vị đạo diễn nổi tiếng khó tính chưa?

Nếu khó tính mà chọn Kiều thì có lẽ ta nên đút tay 2 túi vào quần rồi đi thẳng ra chỗ khác. Không bao giờ chọn được đâu. Nên phải dễ tính.

Vì Kiều trong thơ Nguyễn Du không đi, không ăn, không nhai, không làm đủ thứ. Còn kiều trong phim cô ấy phải làm tất cả những hành vi đời thường, không còn ảo nữa. Từ Kiều "ảo" bây giờ thành Kiều thực sẽ rất khó.

"Tôi đang nghĩ có thể sẽ đặt tên phim là Lầu Xanh"

- Với ý định thổi một luồng gió hiện đại hơn vào trong "Truyện Kiều", Lưu Trọng Ninh đã có kế hoạch sẽ làm mới tác phẩm này như thế nào?

Kiều của Nguyễn Du dù sao vẫn là Kiều thụ động, của những "đau đớn thay phận đàn bà". Còn Kiều của tôi là Kiều thách thức và chiến thắng số phận.

Toàn bộ kịch bản xuyên suốt sẽ là cuộc chiến của Đạm Tiên và Kiều. Đạm Tiên là người đi trước trong lầu xanh và bị chết. Trong buổi thanh minh đầu tiên Kiều đứng bên mộ Đạm Tiên thì Đạm Tiên nói: "đau đớn thay phận đàn bà".

Kiều cười bảo: "Không phải". Rồi mỗi lần cô ấy chiến thắng để ngoi lên thì cuộc sống lại đẩy xuống thêm 1 lần nữa, nhưng cô ấy không bao giờ đầu hàng.

Câu chuyện của tôi có thể kết thúc không phải ở cảnh đoàn viên như của Nguyễn Du. Tôi thấy cảnh đoàn viên đó không ổn lắm. Vì thật bẽ bàng khi Kiều gặp lại Kim Trọng và Thuý Vân với những người con của họ như vậy.

Tôi cũng không đồng tình rằng Thuý Vân sẽ có con với Kim Trọng. Thuý Vân có tình yêu, có cuộc sống của cô ấy, sao lại có thể vì cuộc trao duyên đó mà làm như vậy. Mà trong quan niệm của những người đương đại, càng xót thương chị bao nhiêu thì càng phải tránh xa người yêu của chị bấy nhiêu, chứ không phải trả nghĩa như vậy.

Kim Trọng trong truyện của Nguyễn Du cũng quá thụ động. Khi biết Kiều bán mình chuộc cha thì quay về lấy Thuý Vân. Ai mà chấp nhận một người đàn ông như thế?

Kim Trọng trong phim của tôi phải ra đi tìm Kiều, đến lúc tưởng như không được nữa, tưởng Kiều đã chết rồi, anh ấy mới quay trở về với Thuý Vân. Chứ không phải ừ với Thuý Vân một cách dễ dàng như vậy. Bọn trẻ bây giờ không chấp nhận một con người thụ động như vậy, rất không tích cực!

Trong hệ thống phim của tôi cũng có 5-7 nhân vật mới xuất hiện. Số phận của những người đàn bà đó sẽ tải toàn bộ cái văn hoá, vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam chứ không riêng gì Kiều.

- Thế nhưng, quyết định làm khác Truyện Kiều như vậy, ông có sợ vấp phải những phản biện của dư luận, nhất là những người vốn đã đóng đinh với hình ảnh Kiều trong thơ của Nguyễn Du?

Tôi nghĩ số đông khán giả sẽ lấy sự hấp dẫn làm trọng. Còn 1 số nữa không đông nhưng cực kì nghiêm trọng là những nhà Kiều học.

Đối với họ, Kiều là linh thiêng, không được phép sai 1 chữ. Nhưng tôi cũng nói trước: "Thôi các bác ạ! Tôi làm phim này không phải để phục vụ các bác mà phục vụ giới trẻ, phục vụ mọi người".

Chứ còn để động vào các nhà Kiều học thì tôi nghĩ muôn đời mình sẽ bị lên án và cái sự ném đá là đương nhiên. Mà tôi nghĩ ném đá cũng có thể là một yếu tố thành công của bộ phim, chỉ sợ họ không thèm ném ấy chứ (cười).

- Trong Truyện Kiều có rất nhiều chi tiết nhạy cảm, Lưu Trọng Ninh có ý định sử dụng nó không? Và ông dự định sẽ xử lý chúng như thế nào?

Tôi suy nghĩ rất nhiều và đã bàn với nhà sản xuất rằng có nên để tên phim là "Truyện Kiều" không? Vì giai đoạn quan trọng nhất cuộc đời Kiều là ở lầu xanh, còn cái giai đoạn bán tơ với Mã Giám Sinh hay sống với Từ Hải cũng ngắn ngủi thôi.

Tình yêu đẹp nhất, mối truân chuyên lớn nhất, tất cả đều ở đó. Vậy tại sao không thử đặt tên ví dụ như "Lầu xanh".

Tuy nhiên đó cũng mới chỉ là suy nghĩ của tôi thôi. Mọi thứ đến bây giờ vẫn chưa được định hình cụ thể nên tôi chưa thể nói rõ được hôm nay.

Còn về vấn đề nhạy cảm, mà cụ thể là vấn đề hở hang ấy, tôi nghĩ là không hề xấu nếu chúng ta đưa vào đó những tình huống tốt, cảm xúc tốt và những logic tốt. Còn nó sẽ trở nên vớ vẩn nếu anh cứ khoe ra mà không thuyết phục được mọi người.

Chứ tôi làm về lầu xanh mà bảo các cô kín từ đầu đến cuối thì không ai chịu được. Nhưng cái lầu xanh của tôi không phải lầu xanh của nhà thổ, mà là lầu xanh của kĩ viện. 

Ở đó chỉ có những người đàn bà tài sắc mới tồn tại được. Những nam nhân đến đó cũng vì cảm phục tài sắc, vì tình yêu và sự mến mộ chứ không phải đến để giải toả sự ham muốn.

Nó không buông tuồng. Mà những người đàn bà tài sắc cũng sẽ rất tự trọng trong hành vi của mình.

Mà thật ra trong thâm tâm tôi, Kiều cũng không bao giờ hở hang một chút nào. Tôi vẫn nghĩ rằng Kiều về mặt hình thức sẽ rất là kín đáo, còn về mặt tinh thần thì giải phóng hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, vẫn sẽ có những đoạn như cảnh 15 kĩ nữ đứng đó nghe một gái già mù dậy về sexy. Trong Truyện Kiều có câu chuyện về người cụ, nguời bà, người mẹ đều làm điếm hết. Quan niệm của bà đã làm điếm không có tình yêu. 

Đứa con bảo không có tình yêu sao lại có con? Bà bảo không phải tình yêu đâu, khi 30 tuổi biết sắp toan về già, tao phải đẻ 1 đứa để đến 50 tuổi nó sẽ nuôi tao. Và bà mù ấy dậy bọn trẻ về tình dục, hấp dẫn không? Tôi nghĩ nó còn hay hơn hở quần áo nhiều chứ.!

Trong kĩ viện của tôi sẽ là câu chuyện của những ngón nghề, của mâu thuẫn, đố kị ganh ghét giữa các kĩ nữ với nhau, giằng xé lẫn nhau. Thú vị mà!

- Vậy là ông sẽ không né tránh những chi tiết nhạy cảm, những điều sẽ làm Kiều trở nên chân thực và sống động hơn?

Không, tôi không sợ hãi.

Theo Trí thức trẻ