Kpop đã gây bão trên toàn thế giới, không chỉ châu Á, mà cả châu Âu và châu Mỹ. Năm 2016, doanh thu toàn cầu của Kpop đạt 4,7 tỷ USD. Doanh thu khổng lồ của ngành công nghiệp âm nhạc góp phần rất lớn vào việc kích thích sự tăng trưởng nền kinh tế Hàn Quốc.

Thành công không tình cờ đến với Kpop. Đây là sản phẩm của chính phủ Hàn Quốc, thực hiện hiệu quả lý thuyết tăng trưởng kinh tế vĩ mô, tập trung vào phát triển ba yếu tố chính - vốn vật chất, vốn nhân lực và công nghệ - để đạt được sự tăng trưởng tối đa.

Với nền móng vững chắc như thế, Kpop sẽ không thể tụt dốc vì vụ việc gây chấn động của Seungri và nhóm bạn.

Sự chuyên nghiệp tuyệt đối

Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998, chính phủ Hàn Quốc hướng giải trí thành ngành công nghiệp chủ lực để cải thiện hình ảnh quốc gia và xây dựng ảnh hưởng văn hóa. Chính phủ rót hàng triệu USD, thành lập cơ quan thúc đẩy sự phát triển của Kpop.

Toàn bộ một quận ở Seoul, quận Chang-dong, được phát triển để trở thành trung tâm âm nhạc. Tại đây, phòng hòa nhạc, phòng thu âm, nhà hàng và cửa hàng bán lẻ được xây dựng để hỗ trợ sự phát triển của Kpop.


Kpop là ngành công nghiệp được chính phủ Hàn Quốc đầu tư. Một khu biểu diễn hoành tráng chuẩn bị ra đời để phục vụ sự phát triển của âm nhạc.

Khu văn hóa phức hợp với một khán phòng tầm trung có quy mô 2.000 chỗ, rạp chiếu phim 11 phòng chiếu và gian triển lãm đặc biệt về Kpop dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Đây sẽ là khu biểu diễn lớn nhất đất nước với sức chứa 20.000 chỗ ngồi.

Hàn Quốc là quốc gia hàng đầu thế giới về công nghệ đa phương tiện. Ngành công nghiệp nước này chú trọng Hologram (tái dựng hình ảnh 3 chiều) và các buổi hòa nhạc có công nghệ thực tế ảo, nơi người hâm mộ có thể tương tác kỹ thuật số với các thần tượng.

Công nghệ này đã được sử dụng như một giải pháp thay thế buổi biểu diễn trực tiếp. Chính phủ có kế hoạch đầu tư tới 222 triệu USD vào năm 2020 để phát triển hơn nữa những công nghệ tiến tiến trong âm nhạc.

Âm nhạc hấp dẫn từ phần nghe tới nhìn

Nhạc pop Nhật Bản nổi tiếng vào những năm 1990. Tuy nhiên, kể từ đầu thập niên 2000, Kpop đã vượt qua sự nổi tiếng của Jpop. Khác với Jpop, âm nhạc Kpop được đặc trưng bởi những giai điệu và ca từ lôi cuốn, phong cách âm nhạc được xây dựng chỉn chu, vũ đạo đồng bộ và trang phục đẹp mắt.

Để thúc đẩy nguồn nhân lực, 3 công ty lớn - SM, YG và JYP Entertainment - đã đi đầu trong việc phát triển mô hình nhóm nhạc thần tượng. Các tài năng trẻ sau quá trình tuyển chọn được đưa vào chương trình đào tạo nghiêm ngặt trong vài năm (thậm chí 10 năm) trước khi ra mắt. Việc đào tạo không chỉ bao gồm ca hát và nhảy múa, mà còn cả những bài học về ngoại ngữ và ứng xử trước công chúng.

Kpop hiện tại có thể bão hòa vì số lượng ca sĩ ra mắt mỗi năm quá động. Nhưng số lượng không ảnh hưởng chất lượng. Những thần tượng vẫn được đào tạo bài bản trong nhiều năm, nhằm đảm bảo khi ra mắt có thể trình diễn một cách hấp dẫn, hoàn chỉnh nhất.

Kpop đã phát triển thành công nhạc điện tử, kèm vũ đạo nhóm đồng đều, bài bản - một phân khúc mà ngành công nghiệp âm nhạc Mỹ đã bỏ qua kể từ Michael Jackson và các nhóm nhạc nam của những năm 1990.

Thần tượng Kpop biết bao lần khiến người xem choáng ngợp bởi những màn vũ đạo đỉnh cao, đòi hỏi quá trình tập luyện nhiều tháng liền và không được phép sai sót dù chi tiết nhỏ nhất. Ngay cả khi, nhóm nhạc lên tới 21 thành viên như NCT thì không một ai trong số đó được phép lệch khỏi đội hình.

Tính thử nghiệm âm nhạc ở Hàn Quốc cũng rất cao, có thể nói đây là một trong những thị trường mà âm nhạc đa dạng nhất, từ dòng nhạc tới concept. Chính sự phát triển của Kpop khiến khái niệm concept (phong cách) trong âm nhạc dần phổ biến.


Concept, vũ đạo, âm nhạc độc đáo là yếu tố giúp BTS ngày càng nổi tiếng.

Mỗi nhóm nhạc có một concept khác nhau và trong từng sản phẩm của họ cũng được công ty xây dựng theo một ý tưởng cụ thể, được thể hiện qua hình ảnh, ca từ, trang phục, nội dung MV… Chẳng hạn chuỗi album Love Yourself dài 2 năm của BTS có sự gắn kết chặt chẽ để truyền tải cảm hứng cho giới trẻ.

Các ca khúc hiện giờ trong top 40 Billboard đều có nhịp điệu trung bình hoặc chậm, trong khi đó, ca khúc của ca sĩ Hàn Quốc lại khiến người nghe cảm thấy lạc quan và tích cực. Họ cũng rất chú trọng về sự hài hòa trong tổng thể ca khúc”, Leslie Whittle, giám đốc chương trình phát thanh tại KRBE, khen ngợi.

Hoàn hảo như sản phẩm được sản xuất ra thị trường

Có nhiều điều đáng nói về cỗ máy âm nhạc trị giá hàng tỷ USD. Câu chuyện về cách các ban nhạc được sản xuất hay việc họ luôn xuất hiện lịch thiệp, tế nhị và hoàn hảo trong mọi hoàn cảnh.

Hàn Quốc luôn tôn trọng lối ứng xử khiêm tốn, lịch thiệp”, ông Russell - chuyên gia âm nhạc - đánh giá. Ông nói thêm: “Điều khiến tôi chú ý là ban nhạc được hoạt động rất hoàn hảo, giống một sản phẩm được bán ra thị trường. Họ có thể nhảy, hát, rap tất cả cùng một lúc và họ cũng rất đẹp”.

Với sự tiếp cận rộng lớn của Kpop và công thức thử nghiệm để sản xuất các ngôi sao nhạc pop, không có gì ngạc nhiên khi ba công ty giải trí lớn nhất Hàn Quốc - SM, JYP, YG - đã vượt ra khỏi Hàn Quốc trong công cuộc tìm kiếm tài năng.

Bam Bam của GOT7 và Lisa nhóm Black Pink đến từ Thái Lan; Twice với 3 thành viên Sana, Mina và Momo đến từ Nhật Bản...

Bên cạnh đó, các công ty giải trí luôn đưa ra các chiến lược sáng tạo để tiếp thị âm nhạc Kpop, ví dụ: thẻ ảnh của thần tượng được đóng gói kèm CD hay sự kiện ký tặng album, bắt tay…

Bởi thế, khi doanh số đĩa CD bìa cứng ở các quốc gia khác giảm, Kpop được trải nghiệm điều ngược lại. Năm 2012, thị trường album của Kpop tăng 11% và chiếm khoảng 74% doanh thu bán hàng.

Nói chung, các công ty và thần tượng Kpop biết người hâm mộ cần gì, muốn gì và sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu đó, dù cho họ phải mang một tấm mặt nạ để che giấu những cảm xúc, suy nghĩ thật, thậm chí bản chất con người thật.

Dù cho vụ việc của Seungri có phanh phui hậu trường xấu xí đằng sau ánh hào quang thì ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc luôn tài tình trong việc tô vẽ để giới thần tượng nước này tiếp tục đẹp đẽ, hoàn hảo.

Chưa kể, một mình Seungri tai tiếng không thể đánh đồng tất cả thị trường. Bởi thế, sau phong ba và bão táp, Kpop có lẽ vẫn tiếp tục phủ sóng như cách nó đã phát triển suốt 2 thập niên qua.

Theo Zing