Lý do luật sư của Phương Nga không muốn Công an điều tra việc thông cung

Luật sư (LS) Nguyễn Văn Quynh, người bào chữa cho Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung, vừa có kiến nghị khẩn gửi lãnh đạo các cơ quan chức năng.

Lý do luật sư của Phương Nga không muốn Công an điều tra việc thông cung-1
Hai bị cáo Phương Nga và Thùy Dung tại phiên tòa sơ thẩm.

LS Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), cho biết: Vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo là Phương Nga và Thùy Dung, bị TAND TP HCM trả hồ sơ điều tra bổ sung 9 điểm vào ngày 29.6.

Đến ngày 27.7, ông được Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP HCM (viết tắt PC 44) có mời lên làm việc để chứng kiến việc mở niêm phong các chứng cứ có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp. Đây là tài liệu trong quá trình xét xử những người tham gia tố tụng đã giao nộp cho Tòa án.

Theo LS Quynh, sáng hôm 27.7, bà Hồ Mai Phương (mẹ Phương Nga) cũng được PC 44 mời lên làm việc.

“Bà Hồ Mai Phương đề nghị tôi chờ bà cùng lên làm việc liên quan đến mở niêm phong chứng cứ mà tôi cùng bà ký niêm phong tại Toà án trước đó. Khi tôi và bà Phương đến, Điều tra viên Đoàn Quốc Việt cho biết vì hai người đến trễ nên Cơ quan điều tra đã cho tiến hành mở niêm phong để làm việc trước đối với chứng cứ là 5 bức thư nylon với sự có mặt của Nguyễn Đức Thuỳ Dung và nhân chứng Lữ Minh Nghĩa (có biên bản làm việc)”, LS Quynh thuật lại.

Vẫn theo LS Quynh, tại buổi làm việc ông nêu ý kiến với điều tra viên rằng, không đồng ý để PC44 mở niêm phong các chứng cứ trên. Bởi lẽ, vụ án này và đặc biệt là nội dung đó có dấu hiệu thông cung tiết lộ bí mật điều tra, nghĩa là nội dung này có dấu hiệu liên quan đến điều tra viên và cán bộ quản giáo.

“Đây là dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp, thông cung tiết lộ bí mật điều tra, tội phạm được quy định tại Chương XXII – Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.

Theo đó, việc điều tra nhóm tội phạm này thuộc thẩm quyền Cục điều tra Viện KSND Tối cao được quy định tại Điều 110 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) và được cụ thể hóa bởi Quyết định số 1169/2010/VKSTC-C6 (Quy chế số 1169). Vì lẽ đó, PC44 không có quyền tiến hành điều tra nội dung này. Điều đó đồng nghĩa, việc mở chứng cứ giao nộp để đều tra xác minh là trái thẩm quyền điều tra. Việc PC 44 mở chứng cứ “thông cung” là có dấu hiệu không khách quan…”, LS Quynh cho hay.

LS Quynh phân tích thêm: Trong đó, vụ án này thể hiện nhiều việc như nhiều bản lấy lời khai giống nhau, dấu hiệu thông cung khai nhận tội bằng thư nylon được gửi ra ngoài, dấu hiệu nguỵ tạo chứng cứ, dấu hiệu bị ép cung, mớm cung, dụ cung,…

Việc bà Nguyễn Mai Phương cung cấp nhiều bí mật khi vụ án đang trong quá trình điều tra như số điện thoại các cán bộ, các lãnh đạo Cơ quan tiến hành tố tụng cho bà Hồ Mai Phương và Lữ Minh Nghĩa biết… Những chứng cứ này đã được thẩm định công khai tại phiên toà và Toà án đã niêm phong các USB… để chuyển Cơ quan điều tra làm rõ dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp.

“Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, trong trường hợp vụ án không thuộc thẩm quyền của mình, Cơ quan điều tra phải đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp ra Quyết định chuyển vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiếp tục điều tra. Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cùng cấp có trách nhiệm ra quyết định chuyển vụ án”, LS Quynh nói.

Trước đó LS Nguyễn Văn Dũ (bào chữa cho Phương Nga) cũng đã có kiến nghị chuyển vụ án cho Cục điều tra của Viện KSND Tối cao thụ lý.

Liên quan đến vụ án Trương Hồ Phương Nga, Cơ quan điều tra đã quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án. Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, người phát ngôn của Công an TP HCM cho biết: Với 9 nội dung yêu cầu điều tra bổ sung do Toà án đưa ra, nhưng thời hạn chỉ có 30 ngày nên Cơ quan điều tra không thể làm kịp. Vì vậy phải ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án để chờ kết quả giám định, xác minh những chứng cứ có liên quan trong vụ án.

Theo Dân Việt


Xét xử Hoa Hậu Phương Nga Trương Hồ Phương Nga hoa hậu Phương Nga

Tin tức mới nhất