Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, tuổi thọ trung bình của người Thái Lan là 79,27 tuổi (2020). Trong khi đó, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 75,38 tuổi.
Có nhiều yếu tố tác động tới tuổi thọ nhưng chế độ ăn thường được quan tâm nhiều. Đặc điểm đồ ăn của người Thái Lan thường cay, mặn. Nhiều người quan niệm cách chế biến thực phẩm như vậy không có lợi cho sức khỏe.
Tuy nhiên, chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Jayna Metalonis cho rằng nếu ăn cay chừng mực sẽ thu được nhiều lợi ích.
Món Tom Yum nổi tiếng của người Thái có vị chua cay đặc trưng. Ảnh minh họa: Hot Thai Kitchen
Điều gì xảy ra khi bạn ăn cay?
Capsaicin là hợp chất hóa học có trong ớt tạo ra “sức nóng” mà chúng ta cảm thấy khi ăn thực phẩm cay. Khi bạn ăn ớt, capsaicin sẽ liên kết với thụ thể TRPV1 trên bề mặt lưỡi và khắp đường tiêu hóa.
Chuyên gia Metalonis giải thích: “Loại chất này khiến bộ não của bạn nghĩ rằng đã diễn ra sự thay đổi nhiệt dẫn đến cảm giác nóng và đau”.
Khi đó, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách tự hạ nhiệt gây đổ mồ hôi, đặc biệt khi bạn ăn cay quá khả năng. Tương tự như vậy, các mao mạch giãn ra để nhiệt thoát khỏi cơ thể qua da. Bởi vậy, mặt và bàn tay của bạn có thể bị đỏ bừng.
Cơ thể của bạn cũng sẽ cố gắng tự loại bỏ capsaicin bằng cách tăng sản xuất chất nhầy, nước mắt và nước bọt, dẫn đến chảy nước mũi, nước mắt.
Tác dụng của đồ ăn cay
Nếu ăn đồ cay chừng mực, bạn sẽ thu được một số lợi ích sức khỏe:
Tuổi thọ cao hơn: Một nghiên cứu rộng rãi được công bố trên BMJ cho thấy những người ăn đồ cay 6-7 lần một tuần giảm được nguy cơ tử vong so với những người ăn ít hơn một lần một tuần.
Giảm cholesterol xấu: Nghiên cứu đã chỉ ra ăn ớt có thể làm giảm mức LDL còn gọi là cholesterol “xấu” vì có liên quan đến bệnh tim.
Giảm cân: Capsaicin có thể hạn chế sự thèm ăn và tăng cường trao đổi chất, giúp mọi người đốt cháy nhiều calo hơn khi nghỉ ngơi và trong khi tập thể dục.
Tốt cho dạ dày: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng capsaicin ức chế sản xuất axit trong dạ dày, có thể ngăn ngừa loét nếu ăn lượng vừa phải.
Có lợi đường ruột: Phát hiện đáng ngạc nhiên là thức ăn cay có tác dụng làm dịu, chống viêm trong ruột và cải thiện hệ vi sinh vật.
Kiểm soát cơn đau: Capsaicin là thành phần chính trong một số loại thuốc giảm đau như đau lưng, đau cơ xơ hóa, bệnh gout, đau đầu, đau khớp, bệnh thần kinh, thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, đau thần kinh toạ, bệnh zona, viêm gân.
Ngăn ngừa ung thư: Các nghiên cứu đã chỉ ra capsaicin có thể ngăn chặn sự phát triển và di căn của một số loại tế bào ung thư.
Làm lành da: Capsaicin làm giảm viêm, mẩn đỏ và đóng vảy trong các tình trạng da như viêm da dị ứng và bệnh vẩy nến.
Người Thái Lan thích ăn các món trộn như gỏi đu đủ cay. Ảnh minh họa: Thai Food Online
Tác hại của ăn quá cay và ai không nên ăn?
Theo Uhhospitals, nếu ăn nhiều đồ cay, một người có thể bị sưng cổ họng, khó thở, khàn giọng. Dạ dày tăng sản xuất chất nhầy, tăng tốc độ trao đổi chất, co thắt và đau.
Thậm chí, một số người bị buồn nôn, nôn, tiêu chảy. Cảm giác nóng rát miệng và đường tiêu hóa thường mất dần sau khoảng 20 phút khi các phân tử capsaicin trung hòa và ngừng liên kết với các thụ thể đau.
Khi mức độ cay quá sức chịu đựng, một người sẽ nhận những tác động tiêu cực tới sức khỏe. Trong những năm gần đây, có nhiều nơi tổ chức các thử thách ăn cay cấp độ cao.
Tại Mỹ, một số học sinh trung học ở bang California đã phải nhập viện vì khó thở sau khi tham gia thử thách ăn đồ ăn vặt làm từ một số loại ớt siêu cay. Một số người đã phải nhập viện cấp cứu khi đau đầu như búa bổ, co thắt mạch máu não hoặc vỡ thực quản do ăn loại ớt cay nhất thế giới.
Đối với những người mắc một số bệnh lý nền, tốt nhất nên tránh thức ăn cay. Đó là các bệnh nhân viêm loét đại tràng, bệnh Crohn (viêm ruột từng vùng), trào ngược dạ dày thực quản, loét dạ dày, bệnh Celiac (không dung nạp gluten), bất ổn túi mật, hội chứng ruột kích thích.
Nếu bạn không quen với thức ăn cay, hãy bắt đầu từ từ, tránh đột ngột tăng mức độ, gây hại cho bản thân. Khả năng ăn cay của bạn có thể tăng lên theo thời gian, giúp bạn thu được nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Theo VietNamnet