Nơi đầu tiên ông chủ Việt Á đưa hối lộ là quan chức Bộ Y tế

TAND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định mở phiên xét xử sơ thẩm 38 bị cáo trong đại án Việt Á, số này có 3 người từng là cựu Ủy viên Trung ương Đảng, gồm: Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế); Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN); Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư tỉnh Hải Dương). Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 20 ngày từ 3/1/2024.

Hồ sơ vụ án thể hiện, sau khi được bộ, ban ngành cho phép phối hợp với Học viện Quân y thực hiện đề tài nghiên cứu, sản xuất test Covid-19, từ năm 2020 - 2021, Công ty Việt Á đã sản xuất 8,7 triệu kit test, tiêu thụ được 8,3 triệu sản phẩm. Qua đó, được nhà nước thanh toán 2.250 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính 1.235 tỷ đồng.

Theo điều tra, để được phê duyệt thực hiện đề tài, bị can Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Việt Á) đã hối lộ xuyên bộ ngành, địa phương.

Nơi đầu tiên Việt tìm đến là Bộ KH&CN, sau nhiều lần liên hệ với ông Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng) không thành, chiều 27/8/2020, Việt chuẩn bị túi đựng 200.000 USD (4,6 tỷ đồng) cùng vài bộ khẩu trang, một chai nước rửa tay khô dạng xịt do Việt Á sản xuất, tìm đến phòng làm việc của ông Ngọc Anh.

Sau trao đổi về công tác phòng chống dịch chừng 15 phút, Việt đặt túi lên bàn, lôi khẩu trang và chai nước rửa tay hướng dẫn ông Ngọc Anh cách sử dụng. Bỏ khẩu trang vào lại túi, Việt nói: "Em mới có được ít thanh toán, ghé cảm ơn anh đã ủng hộ tụi em tham gia đề tài và hỗ trợ nhiệt tình. Nếu tình hình tốt, sắp tới em sẽ ghé thăm anh tiếp".

Kết luận điều tra cho rằng khi Tổng giám đốc Việt Á ra về, ông Ngọc Anh cất túi quà vào buồng ngủ phía trong phòng làm việc. Khoảng cuối tháng 9/2020, khi dọn phòng để chuyển nơi làm việc mới ở trụ sở UBND TP Hà Nội, ông mới thấy túi quà này, mở ra có 2 cọc, tổng cộng 200.000 USD.

Cùng thời gian này, Việt gặp Vụ phó Khoa học và Công nghệ Trịnh Thanh Hùng đưa 350.000 USD. Theo lời khai của Việt, đây là người có vai trò quyết định cho Việt Á được tham gia nghiên cứu, sử dụng kết quả nghiên cứu để kinh doanh.

Đến tháng 4/2021, Việt tiếp tục đưa cho cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc 50.000 USD, mục đích “cảm ơn vì đã giúp đỡ”.

Tại Bộ Y tế, từ cuối năm 2020, Việt trực tiếp hoặc thông qua thuộc cấp nhiều lần đưa tiền cho ông Nguyễn Huỳnh (thư ký Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long). Cơ quan điều tra xác định, tổng số tiền ông Huỳnh nhận của Việt hơn 2,2 triệu USD và 4 tỷ đồng (trong đó, Huỳnh hưởng lợi 4 tỷ, đưa cho ông Long 2,2 triệu USD).

Ở Bộ Y tế, Việt còn hai lần đưa tổng cộng 300.000 USD cho ông Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Trang thiết bị và Công trình y tế); một lần đưa 100.000 USD cho Nguyễn Nam Liên (Vụ trưởng Kế hoạch tài chính).

Hai cựu Vụ trưởng đã "tạo lợi ích" cho Công ty Việt Á thông qua hiệp thương giá, ký tờ trình để Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn ký quyết định cấp số đăng ký lưu hành tạm thời cho test.

Với bị can Nguyễn Văn Trịnh (cựu trợ lý nguyên Phó Thủ tướng), cơ quan tố tụng cho rằng, ông ta được Phan Quốc Việt đưa 200.000 USD tại quán cà phê trên phố Vạn Phúc (Hà Nội).

Lý do nhiều cựu quan chức trong đại án Việt Á thoát tội nhận hối lộ dù nhận hàng trăm nghìn USD-1
Phan Quốc Việt cùng nhóm đồng phạm trong vụ án.

Không chỉ ở Trung ương, tại địa phương điển hình như Hải Dương, ngày 20/2/2021, Việt đến phòng làm việc của cựu Bí thư tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng đưa 100.000 USD cùng lời đề nghị "cho Việt Á được xét nghiệm cho công nhân tại các khu công nghiệp, người lao động". Bí thư Thăng đã đồng ý.

Qua mỗi lần hoàn thiện hợp đồng mua bán test, Việt chỉ đạo cấp dưới chuyển "hoa hồng" cho cựu Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương Phạm Duy Tuyến 27 tỷ đồng thông qua tài khoản ngân hàng.

Một số cựu quan chức thoát tội nhận hối lộ

Mặc dù số lượng quan chức nhận tiền của Việt Á nhiều, song chỉ có ông Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Huỳnh, Nguyễn Minh Tuấn, Nguyễn Nam Liên, Phạm Duy Tuyến, Trịnh Thanh Hùng, bị truy tố về tội “Nhận hối lộ”.

Cơ quan điều tra xác định ông Long và thư ký Nguyễn Huỳnh đã "gợi ý, đề nghị" Việt đưa tiền; bị can Hùng và Tuyến thỏa thuận ăn chia % với Việt; chỉ hai ông Nguyễn Minh Tuấn, Nguyễn Nam Liên không có hành vi gợi ý hay gây khó dễ.

Trong khi đó, cùng nhận tiền nhưng ông Chu Ngọc Anh và Phạm Công Tạc bị đề nghị truy tố tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”; hai ông Nguyễn Văn Trịnh, Phạm Xuân Thăng, bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Theo lý giải của cơ quan điều tra, việc không xử lý tội "Nhận hối lộ" là do các bị can "không trao đổi, bàn bạc, thỏa thuận gì với Việt về việc đưa nhận", cũng "không gây khó khăn".

Theo Tiền Phong