Ví dụ chúng ta đang có ý định mở một cửa hàng ăn, trong một lần trò chuyện đã đem dự định đó nói với một người bạn. Thế rồi dự định đó là có thật nhưng rồi chúng ta mãi không thực hiện được, mặc dù chẳng có ai ngăn trở, cản phá mình.
Hoặc có khi có những sự thật hay ho về mình khi nói ra, khoe ra cho mọi người biết thì bỗng dưng sau đó nó lại diễn ra ngược lại.
Ví dụ trong một lần tụm 5 tụm 7 tám chuyện về ông chồng hay rượu của một đồng nghiệp về chồng, một chị liền nói “Chồng em á, được cái là không bao giờ nhậu nhẹt say xỉn” thì ngay lập tức tối hôm đó người chồng đó khật khưỡng say mèm và được bạn chở về nhà.
Có những điều mà khi nói ra bỗng dưng “mất thiêng”, phản tác dụng hoặc không thực hiện được.
Ảnh minh họa
Còn rất nhiều những điều mà khi nói ra bỗng dưng “mất thiêng”, phản tác dụng. Phải chăng có điều gì đó rất bí mật về mặt tâm linh đã chi phối chúng ta.
Trong bài pháp âm tâm lý đạo đức, bài “kín đáo”, thượng tọa Thích Chân Quang, Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN , trụ trù Thiền tôn Phật Quang (Bà Rịa, Vũng Tàu) giải thích rằng, khoe ra điều hay của mình là biểu hiện của tâm kiêu mạn. Kín đáo vì thế cũng được coi là đạo đức.
Ví dụ, một người thấy mình có nhiều ưu điểm: giỏi giang, siêng năng, lanh lợi, làm việc chu đáo, liền đem khoe với người khác, sau đó điều không hay đã xảy ra ngay. Họ làm việc gì cũng gặp điều xui xẻo, không thành công. Không chỉ riêng người tu hành, các Phật tử cũng thường mắc phải điều này. Nếu để ý chúng ta sẽ thấy, hễ cái gì mình tự cho là hay, cái không hay đó sẽ đến ngay.
Ngay trong đời sống tâm linh cũng vậy. Về công phu tu tập mỗi ngày, chúng ta cũng phải kín đáo. Nếu nói ra cho người khác biết, chúng ta sẽ gặp trở ngại, không thực hành được nữa. Ví dụ, một người ngồi Thiền rất siêng năng, mỗi ngày ngồi ba thời đều đặn.
Một hôm, trong lúc nói chuyện với người khác, người ấy bộc lộ: “Một ngày tôi ngồi Thiền được ba lần”. Bỗng dưng qua ngày sau, người ấy không ngồi Thiền được nữa. Đến giờ ngồi Thiền, chuyện không đâu tự nhiên kéo đến: khi bệnh hoạn, ốm đau, khi trở ngại công việc... Cứ thế, có khi họ phải bỏ luôn cả tháng trời không ngồi Thiền được.
Cũng theo thượng tọa Thích Chân Quang, một lời nói có khi làm mất công phu của mình đến hàng tháng, có khi vài ba năm hoặc vài ba kiếp. Nhiều khi đã nhìn thấy lỗi, chúng ta phải sám hối đến mấy tháng sau mới lấy được công phu trở lại. Có những trường hợp, vì lỡ một lời mà vài ba năm hoặc vài chục năm sau, có khi vài ba kiếp sau, chúng ta mới lấy lại được. Bởi vậy, chúng ta phải cẩn thận trong lời nói, đừng bao giờ khoe khoang.
Thượng tọa Thích Chân Quang cho rằng, ngay trong cuộc sống, có những kế hoạch làm việc, đôi khi chúng ta cũng không nên nói sớm. Những người hay nói trước điều mình định làm thường hay gặp trở ngại trong công việc. Quả thật, sống lâu ở ngoài đời, chúng ta sẽ thấy điều này rất đúng.
Dân gian ta có câu: “Nói trước bước không tới”. Còn ngạn ngữ phương Tây cho rằng: “ Một trong những bí quyết giúp con người thành công là phải giữ bí mật đến cùng”. Để rút ra những kinh nghiệm như vậy, chắc chắn người xưa phải trải qua những thất bại cay đắng lắm.
Vì vậy, Thượng tọa cho rằng, có những công việc, thường là dự định việc gì, chúng ta chỉ bàn với những người có bổn phận, có trách nhiệm và với những người có quyết tâm, không nên nói rộng rãi cho người khác biết. Khi đã nói ra dự định, chúng ta có cảm giác như mình đã làm rồi, đã hưởng được danh dự rồi và vì thế mà không làm được nữa. Điều này nghe có vẻ kì lạ, không giải thích được nhưng lại là điều có thật, chúng ta cần phải lưu ý.
Không chỉ riêng trong việc tu hành, việc ngoài đời cũng vậy. Những kế hoạch làm việc, nếu nói sớm quá, người thế gian cũng khó thành công. Bởi vậy, làm bất cứ việc gì, chúng ta cũng nên âm thầm, lặng lẽ, lặng lẽ một cách khiêm tốn, không khoe khoang, chắc chắn chúng ta sẽ thành công.
Theo Gia đình & Xã hội