Sau hơn 10 năm ly hôn, biết chồng cũ bị bệnh không thể tự lo cho mình, vợ cũ quay lại chăm sóc chu đáo cho anh từng bữa ăn giấc ngủ.Cô Cao sống ở Liêu Ninh (Trung Quốc) đã ly hôn chồng hơn 10 năm. Cô chọn cuộc sống độc thân, tự do tự tại.

Một ngày nọ, cô nghe tin bố mẹ chồng cũ đã qua đời, còn anh bị bệnh nặng, không thể tự lo cho mình. Cô Cao liền quay lại nhà chồng cũ, chăm sóc anh tận tình từng bữa ăn, giấc ngủ, thông tin từ Sohu.

Ly hôn hơn 10 năm, người phụ nữ quay lại giúp chồng cũ một việc cảm động-1
Người phụ nữ tận tụy chăm sóc cho chồng cũ sau 10 năm ly hôn. Ảnh: Sohu

Trong video được chia sẻ là hình ảnh một người phụ nữ trung niên đang đút thức ăn cho chồng. Vẻ mặt người đàn ông đờ đẫn, chỉ ngồi một chỗ, đợi người khác đút thức ăn. Tình trạng bệnh của anh có vẻ rất nghiêm trọng.

Việc chăm sóc một người bệnh như vậy đòi hỏi rất nhiều sức lực và sự kiên nhẫn. Thoạt đầu, nhiều người nghĩ, đây chắc chắn là vợ của người đàn ông. Nhưng cô Cao cho biết, cô là vợ cũ và họ đã ly hôn hơn 10 năm vì khác biệt về tính cách.

Trước khi kết hôn, cả hai từng có thời gian dài tìm hiểu và khá hợp nhau. Cô Cao và chồng đều nghĩ họ đã thực sự tìm được mảnh ghép phù hợp với mình. Nhưng sau khi chung sống, họ phát hiện cuộc sống hôn nhân không chỉ lãng mạn ngọt ngào, mà còn cần kinh tế. Cả hai cãi vã nhiều, mâu thuẫn ngày càng lớn. Cuối cùng, họ ly hôn.

Dù đã ly hôn hơn 10 năm, tình yêu không còn nữa nhưng hai người vẫn nhớ về nhau như những người bạn. Cô Cao rất buồn khi chồng cũ bị bệnh nặng. Mỗi ngày, cô đều chăm sóc anh chu đáo, nấu nướng, đút thức ăn cho anh và cẩn thận lau người, giúp anh ngủ sâu giấc.

Có lẽ đó là tình nghĩa vợ chồng mà cô luôn trân trọng trong nhiều năm chung sống. Hơn cả, hai người còn có con chung, nên việc cô quay về chăm sóc chồng cũ cũng khiến con vui vẻ.

Câu chuyện sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội đã nhận về nhiều ý kiến bình luận. Đa số ca ngợi tấm lòng của cô Cao, số ít lại cho rằng cô dại khi làm điều này vì chăm sóc một người bệnh mất rất nhiều công sức và cả sự tự do.

Theo VietNamNet