Ra mắt năm 1997, Thiên Long Bát Bộ của TVB được đánh giá là một trong các đỉnh cao của phim võ hiệp trên màn ảnh nhỏ.

Phim từng được nhiều đài truyền hình Trung Quốc mua bản quyền phát sóng, cao điểm là 5 đài trung ương và 34 đài địa phương chiếu đồng thời. Ca khúc nhạc phim Kinh Khó Niệm do Châu Hoa Kiện trình bày đến nay vẫn là kim khúc bất hủ của nhạc đàn Hoa ngữ.

Thành công của tác phẩm giúp nam chính Trần Hạo Dân một bước thành sao, còn các diễn viên chính khác như Huỳnh Nhật Hoa, Phàn Thiếu Hoàng, Lý Nhược Đồng củng cố tên tuổi trong làng giải trí.

Năm nay, Thiên Long Bát Bộ tròn 25 năm trình chiếu, 26 năm bấm máy, những câu chuyện hậu trường vẫn là kỷ niệm trân quý đối với êkíp và người yêu phim.

Lý Nhược Đồng không may gặp nạn

Một lần trên phim trường, Lý Nhược Đồng bị cành cây đập trúng mắt phải. Khi đó, cô không chú tâm lắm, cho rằng chỉ là vết thương nhỏ. Giữa rừng núi không có dụng cụ y tế chuyên nghiệp, nữ diễn viên dùng khăn đã được khử trùng đắp lên mắt. Tối đó về nhà, cô mới phát hiện mắt đỏ hoe và vằn tia máu.

Hôm sau, Lý Nhược Đồng tiếp tục làm việc từ sáng sớm. Hết ngày quay, cô mới cùng mẹ đến bệnh viện. Theo lời bác sĩ, nếu để lâu hơn nữa, cô có thể bị mù.

Đây là phim tiêu biểu thứ hai của Lý Nhược Đồng. Tiếng vang của vai diễn Tiểu Long Nữ trong Thần Điêu Đại Hiệp năm 1995 giúp cô được giám chế Lý Thiêm Thắng chọn mặt gửi vàng cho vai chính của Thiên Long Bát Bộ.

Ở phim này, cô một mình đóng ba vai: Vương Ngữ Yên, Tề Ngự Phong (bà ngoại của Vương Ngữ Yên) và Lý Thanh La (mẹ của Vương Ngữ Yên). Trước ngày phim khởi quay, người đẹp tham gia lớp luyện võ cùng các bạn diễn. Cô đã có quãng thời gian thân thiết với dàn sao của phim này.

Lý Nhược Đồng từng suýt mù vì Thiên Long Bát Bộ-1
Lý Nhược Đồng hóa thân thành thần tiên tỷ tỷ.

Trần Hạo Dân một thời ngô nghê

Công tử Đoàn Dự trong Thiên Long Bát Bộ là vai diễn chạm ngõ màn ảnh của Trần Hạo Dân. Năm ấy, anh còn trẻ người non dạ, đầy bỡ ngỡ với môi trường đoàn phim, nói thoại cũng vấp nhiều.

Một hôm, đạo diễn thấy Trần Hạo Dân quỳ dưới đất, bốc bùn đất trát lên mặt. Anh giải thích vì cảnh tiếp theo mô tả gương mặt anh lấm lem nên anh tự hóa trang trước. Nam diễn viên không biết việc này có thể tạo ra bằng kỹ thuật hóa trang đơn giản.

Trần Hạo Dân mang dáng vẻ thư sinh, hiền lành, rất hợp nhân vật Đoàn Dự. Sau này, anh sang Trung Quốc đại lục làm việc bởi đồng lương ở đây "ăn đứt" TVB. Tuy nhiên, anh chấp nhận đóng nhiều phim dở để có cơ hội xuất hiện thường xuyên và kiếm tiền nhanh chóng.

Bí kíp tăng chiều cao của Huỳnh Nhật Hoa

Trong phim, nhân vật Kiều Phong (Tiêu Phong) của Huỳnh Nhật Hoa luôn đội một chiếc mũ vải. Không phải món đạo cụ bình thường, đây là thứ giúp anh che bớt chiều cao khiêm tốn khi đứng chung hai nam chính còn lại - Trần Hạo Dân và Phàn Thiếu Hoàng (vai Hư Trúc), đảm bảo hình tượng oai vệ khí phách của đại hiệp Kiều Phong.

Huỳnh Nhật Hoa có mối duyên đặc biệt với tiểu thuyết Thiên Long Bát Bộ của nhà văn Kim Dung. Anh vào vai Hư Trúc ở bản phim 1982 và hóa thân thành Kiều Phong ở phiên bản 1997, được ghi nhận là Kiều Phong hay nhất trong lịch sử truyền hình Hoa ngữ.

Lý Nhược Đồng từng suýt mù vì Thiên Long Bát Bộ-2
Hư Trúc - Phàn Thiếu Hoàng, Kiều Phong - Huỳnh Nhật Hoa và Đoàn Dự Trần - Hạo Dân trong một cảnh phim.

Lời chia tay TVB của Hà Mỹ Điền

Hà Mỹ Điền xuất thân là vận động viên thể dục dụng cụ ở Quảng Đông, Trung Quốc. Khi cô chuẩn bị giải nghệ giữa thập niên 1990, đài TVB đến đoàn thể thao tìm diễn viên mới và cô là người được chọn đưa sang Hong Kong ký hợp đồng diễn viên giao lưu trong hai năm.

Thiên Long Bát Bộ là phim cuối cùng cô đóng cho nhà đài, cũng là một trong các series mang dấu ấn nhất của Hà Mỹ Điền.

Hơn hai thập kỷ trôi qua, nữ diễn viên còn lưu giữ nhiều hình ảnh cũ ở hậu trường. Vóc dáng nhỏ nhắn, gương mặt trẻ thơ, đôi mắt trong veo ở tuổi 21, cô được đánh giá là lựa chọn xuất sắc cho vai diễn Chung Linh trong phim.

Lý Nhược Đồng từng suýt mù vì Thiên Long Bát Bộ-3
Hà Mỹ Điền và Trần Hạo Dân ở ngoại cảnh của phim.

Kinh phí eo hẹp

Lên phim đồ sộ và hấp dẫn, Thiên Long Bát Bộ gây bất ngờ cho nhiều người về sự thiếu thốn kinh phí, đặc biệt trong những ngày đầu bấm máy. Ở một cảnh Đoàn Dự thi triển Lăng Ba Vi Bộ, đoàn phim dự tính dùng dây cáp bảo hiểm với Trần Hạo Dân. Nhưng vì không đủ tiền, họ đành dùng sự di chuyển của máy quay để tạo hiệu quả thị giác. Tập 1 của phim tốn cả tháng mới hoàn thành.

Dù vậy, tác phẩm được làm chỉn chu bằng tâm huyết của cả đoàn phim và các diễn viên. Cảnh A Châu (Lưu Cẩm Linh) chết đã quay hai đêm nhưng đạo diễn vẫn chưa hài lòng vì máy quay không bắt được khoảnh khắc giọt lệ rơi của nàng A Châu. Sau này quay bù, hầu hết diễn viên đã rời đoàn, họ phải tìm người thế vai Kiều Phong và diễn chung với Lưu Cẩm Linh.

Theo Ngoisao.net