Bộ phim truyền hình Tiếng sét trong mưa của đạo diễn Nguyễn Phương Điền quy tụ dàn diễn viên Cao Minh Đạt, Cao Thái Hà, Thảo Trang, Nhật Kim Anh... đang có sức hút mạnh mẽ với khán giả. Phim được chuyển thể từ vở kịch Lôi Vũ của tác giả Tào Ngu, người Trung Quốc.

Lý Tiểu Long từng đóng Tiếng sét trong mưa của Trung Quốc-1
Tiếng sét trong mưa hấp dẫn khán giả Việt có nguyên gốc từ vở kịch của Trung Quốc.

Tại làng giải trí Hoa ngữ, Lôi Vũ cũng có vị trí nhất định. Theo Baidu, vở kịch được coi là "đặt nền tảng cho chủ nghĩa hiện thực trên sân khấu kịch Trung Quốc" và là cột mốc cho sự trưởng thành của phim truyền hình Trung Quốc hiện đại.

Tác phẩm phản ánh các vấn đề xã hội và thời đại sâu sắc thông qua việc mô tả xung đột trong gia đình. Là quá trình đấu tranh giữa sự suy đồi của hệ thống xã hội cũ, sự sống sót dai dẳng của tư tưởng phong kiến những năm 1920. Cốt truyện nhiều cao trào, ngôn ngữ trau chuốt, tinh tế và các nhân vật có nét đặc trưng riêng giúp Lôi Vũ trở thành một trong những vở kịch nổi danh nhất của Trung Quốc.

Lôi Vũ là vở kịch quen thuộc trên sân khấu Trung Quốc. Theo thống kê của Học viện nghệ thuật nhân dân Bắc Kinh, Lôi Vũ được biểu diễn hơn 500 buổi từ những năm 1950 tới nay.

Từ năm 1933 đã có 11 phiên bản kịch sân khấu khác nhau dựng lại vở Lôi Vũ. Ngoài ra còn có 7 tác phẩm điện ảnh chuyển hình cải biên từ cốt truyện kinh điển của tác giả Tào Ngu.

Trong đó, có thể kể đến phiên bản năm 1957 có sự tham gia của Lý Tiểu Long trong vai Chu Xung (con trai của Chu Phác Viên và Phồn Y). Đây là bộ phim tâm lý tình cảm hiếm hoi trong sự nghiệp của Lý Tiểu Long khi ông còn ở Hong Kong. Bộ phim nhận được 7.5 điểm trên trang Douban.

Lý Tiểu Long từng đóng Tiếng sét trong mưa của Trung Quốc-2
Lý Tiểu Long vai Chu Xung (là cậu ba Xuân trong phiên bản Việt Nam) trong Lôi Vũ 1957.

Phiên bản điện ảnh nổi tiếng khác là Hoàng Kim Giáp của đạo diễn Trương Nghệ Mưu ra mắt năm 2006. Tuy nhiên, Trương Nghệ Mưu chỉ lấy cảm hứng từ Lôi Vũ, nhưng ông đã chuyển bối cảnh phim từ Thiên Tân thời cận đại về thời Hậu Đường thuộc Ngũ Đại Thập Quốc. Sau đó, cốt truyện phim cũng phát triển theo những tình tiết khác so với nguyên bản Lôi Vũ của Tào Ngu.

Do nguyên tác nổi tiếng và được công chúng biết đến rộng rãi, khi nhà sản xuất muốn cải biên sang bản điện ảnh hoặc truyền hình đều gặp áp lực lớn. Tuy nhiên, các phiên bản đều được đánh giá cao với mức trên 7 điểm trên trang Douban.

Lý Tiểu Long từng đóng Tiếng sét trong mưa của Trung Quốc-3
Hoàng Kim Giáp cũng được lấy cảm hứng từ Lôi Vũ của Tào Ngu.

Phiên bản điện ảnh đầu tiên của Lôi Vũ mà Trung Quốc sản xuất là từ năm 1984 do Tôn Đạo Lâm làm đạo diễn. Ông chia sẻ quá trình khó khăn khi quay phim bởi các nhân vật đã in đậm dấu ấn trong lòng khán giả, rất khó để tạo nên điều mới mẻ. Vì vậy, Tôn Đạo Lâm phải tới gặp Tào Ngu để xin ý kiến đóng góp. Tác phẩm này được chấm 7.8 điểm trên trang Douban.

Tuy nhiên, phiên bản này vẫn bị đánh giá là chuyển thể cứng nhắc, không thể hiện hết tinh thần của tác giả Tào Ngu, không đem lại sức sống cho nhân vật, không chạm đến trái tim khán giả dù Lôi Vũ là một bi kịch lớn dồn dập.

Lôi Vũ phiên bản 1996 do đạo diễn nữ số 1 Trung Quốc Lý Thiếu Hồng chỉ đạo được đánh giá có chất lượng tốt nhất trong các lần cải biên. Phim do các diễn viên Quy Á Lôi, Triệu Văn Tuyên, Bảo Phương đóng chính.

Không chỉ ở Việt Nam mà tại Trung Quốc, vấn đề các mối quan hệ loạn luân trong tác phẩm cũng bị đem ra tranh cãi không ngừng. Một số khán giả cho rằng tác giả đã đẩy mâu thuẫn lên đến cực đoan. Tào Ngu khiến các nhân vật mang tâm lý biến thái với mối tình cấm kỵ giữa mẹ kế và con chồng, giữa anh trai và em gái.

Lý Tiểu Long từng đóng Tiếng sét trong mưa của Trung Quốc-4
Tại Trung Quốc, khán giả cũng tranh cãi về các nhân vật, giá trị đạo đức bị đảo lộn trong phim.

Tuy nhiên, đa số khán giả đánh giá tác giả muốn tạo ra một bi kịch lớn nhằm miêu tả rõ nét tính cách của các nhân vật. Ví dụ như Chu Bình (con của Chu Phác Viên và Thị Bình) là kẻ ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân, kẻ sợ hãi cha nhưng muốn thỏa mãn ham muốn của chính mình.

Còn Tư Phượng là cô gái ngây thơ, hết lòng vì tình yêu nhưng lại nhận một kết cục đau khổ. Qua đó, Tào Ngu muốn truyền tải tinh thần bức bách, tư tưởng muốn phá vỡ chế độ cũ của mình.

Tào Ngu từng chia sẻ: "Tôi sáng tác Lôi Vũ trong hoàn cảnh cuộc sống không có ánh sáng mặt trời, không có hi vọng hay tương lai. Đó là thời điểm mà tôi chỉ muốn phản kháng lại xã hội. Con người rơi vào xã hội cũ bế tắc, hung ác nhưng tôi không cam lòng thỏa hiệp chỉ để sống sót, cho nên tôi mới cầm lấy cây bút. Lôi Vũ là tiếng rên rỉ đầu tiên của tôi".

Theo Zing